Người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại

(PLO) - Người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm trong khi cộng đồng doanh nghiệp còn “lần khân” việc giải quyết thỏa đáng những khiếu nại, thông tin từ khách hàng.
Cần tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Cần tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVNTD) giai đoạn 2011-2015 diễn ra chiều nay (7/1) khẳng định, NTD Việt Nam vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm trong khi cộng đồng doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm giải quyết thỏa đáng những khiếu nại, thông tin từ khách hàng.

Giải quyết như “muối bỏ bể”

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, trong giai đoạn 2011-2013, con số vụ việc khiếu nại của NTD gửi tới Bộ Công thương trung bình khoảng 300 vụ/năm nhưng giai đoạn 2015-2015 số vụ khiếu nại tăng lên đến gần 1.700 vụ do Bộ Công thương thiết lập Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD (đầu số điện thoại miễn phí 1800.6838).

Ở địa phương, thời gian đầu, các địa phương chưa tập trung vào công tác bảo vệ quyền lợi NTD nên trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 100 vụ việc khiếu nại. Giai đoạn 2013-2014, số lượng vụ việc khiếu nại tăng lên khoảng 300 vụ/năm. Đến năm 2015 có sự tăng vượt bậc với hơn 500 vụ.

Cùng với đó, các Hội bảo vệ quyền lợi NTD đã giải quyết được tổng số khoảng 4.000 vụ với tỷ lệ thành công từ 80-82%, một số Hội (Hải Phòng, Hà Tĩnh, Kiên Giang…) có tỷ lệ thành công lên đến 90%

“Nhưng Bộ Công thương nhận định, số vụ việc khiếu nại của NTD hàng năm được giải quyết chỉ từ 1.000-1.500 vụ việc là quá nhỏ so với thực tế vi phạm quyền lợi NTD” - ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng giải quyết khiếu nại, yêu cầu của NTD mới như “muối bỏ bể”, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hà Nội cho rằng, một phần do NTD chưa biết hoặc chưa sử dụng tốt 8 quyền đã được quy định trong Luật bảo vệ quyền lợi NTD. 
Thậm chí, nhiều trường hợp NTD còn lúng túng không biết địa chỉ để khiếu nại khi quyền lợi khi bị xâm phạm…Nhưng cũng có nhiều vụ việc khiếu nại của NTD không được giải quyết thành công do NTD "đòi hỏi quá đáng" - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Đo lường, tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam cho biết.

Trong khi đó, nhiều DN chưa nhận thức được “cần NTD” nên vẫn “hành” NTD, lần khân trong việc giải quyết khiếu nại, phản ánh của NTD. Ông Hải nhận định, “điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín của DN và quyền lợi, niềm tin của NTD đối với cộng đồng DN…”

Các hoạt động thanh, kiểm tra bảo vệ quyền lợi NTD đã được tăng cường nhưng do thị trường phức tạp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ đa dạng nên số vụ việc vi phạm quyền lợi NTD vẫn xảy ra.

Phát huy vai trò tổ chức xã hội

Theo ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, một hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD có chuyển biến là công tác triệu hồi sản phẩm khuyết tật từng bước được triển khai giúp hạn chế những thiệt hại tới người tiêu dùng, ngăn chặn tác động xã hội có tính tiêu cực di việc tiêu dùng, sử dụng những sản phẩm này gây ra.

Tính đến nay đã có 65 trường hợp thu hồi sản phẩm khuyết tật của các DN theo yêu cầu của Bộ Công thương liên quan đến các lĩnh vực ô tô xe máy, mỹ phẩm, thiết bị văn phòng, đồ dùng gia đình, đồ chơi trẻ em, thực  phẩm…

Ông Trần Vinh Nhung – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận thấy, hiện giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền lợi NTD “mới mang tính “sự vụ”, chủ yếu đối với các vụ việc bức xúc mà thiếu bài bản nên cần tổ chức bộ máy thống nhất và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi NTD”

Dẫn ví dụ nếu làm tốt hoạt động thương mại biên giới, hải quan… thì nội địa sẽ giảm thực phẩm “bẩn”, hàng lậu, gian lận thương mại, ông Trần Vinh Nhung cũng cho rằng, muốn bảo vệ quyền lợi NTD thì các ngành đều cùng phải tham gia, chứ không chỉ là việc của ngành Công thương./.

Đọc thêm