Người trẻ hoang mang tìm hạnh phúc?

Hai cuốn sách “hot” của hai tác giả nữ tuổi đời lớn nhỏ khác nhau, văn phong cũng khác nhau. Nhưng chung trong đó là nỗi buồn, nỗi hoang mang của người trẻ. Để từ đó có ý kiến băn khoăn rằng người trẻ thời nay hoang mang vì điều gì, trong khi chỉ số hạnh phúc của Việt Nam được đo đếm nằm trong top đầu...?. 

Hai cuốn sách “hot” của hai tác giả nữ tuổi đời lớn nhỏ khác nhau, văn phong cũng khác nhau. Nhưng chung trong đó là nỗi buồn, nỗi hoang mang của người trẻ. Để từ đó có ý kiến băn khoăn rằng người trẻ thời nay hoang mang vì điều gì, trong khi chỉ số hạnh phúc của Việt Nam được đo đếm nằm trong top đầu, nhìn vào những chốn ăn chơi hội hè lúc nào cũng đông nườm nượp và người nước ngoài thì nhận xét người Việt rất vô lo và hay cười?. Phải chăng đây là một trào lưu mới của văn học?.

Nguyễn Ngọc Tư và cuốn tiểu thuyết về những cuộc bỏ đi, tìm kiếm
Nguyễn Ngọc Tư và cuốn tiểu thuyết về những cuộc bỏ đi, tìm kiếm
Giới trẻ “sống” trong tác phẩm hay sự phức tạp của nhà văn?
Nguyễn Quỳnh Trang, tác giả của những tiểu thuyết như “1981”, “Nhiều cách sống” và “Mất ký ức” khiến không ít người bi quan vì diễn tả một thế giới bức bối, quẩn quanh của tuổi trẻ. Quỳnh Trang chia sẻ cô viết như một liệu pháp để vượt qua nỗi đau. Cô nói: “Từ khi sinh ra tôi đã luôn tự hỏi mình là ai, mình từ đâu đến, mình sẽ đi về đâu trong cuộc đời này… Tuổi trẻ của chúng tôi hoang mang, lo lắng quẩn quanh, càng đi sâu vào những thú vui vật chất lại càng thấy rệu rã. Với “Mất ký ức” tôi muốn đi tìm tôi, để biết cách vượt qua những hoang mang bấn loạn”.
Trong mắt nhà phê bình, chủ đề của các tác phẩm của Nguyễn Quỳnh Trang không mới khi về những người trẻ trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc, trong những tự vấn cuộc sống là gì, hạnh phúc là gì? Nhưng cái được ở đây là Nguyễn Quỳnh Trang tỏ rõ thiên hướng và năng lực trong việc “kể một câu chuyện lớn trong một quy mô nhỏ”.
Bản thân các nhà phê bình cũng… hoang mang khi nói về tác phẩm của Trang, khi họ đặt vấn đề rằng liệu giới trẻ hiện nay có hoang mang quẩn quanh như thế hay không, có phải là hình ảnh của thế hệ họ được tái hiện trong tác phẩm hay không, hay chỉ là sự phức tạp hóa của nhà văn?.
Nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng, thời nào cũng thế, luôn tồn tại hai loại người, loại thứ nhất lo cho người khác, loại thứ hai luôn nghĩ xem người khác nghĩ gì về mình, mình nên như thế này hay như thế kia, luôn nghĩ về hạnh phúc  và chưa biết loại người nào hạnh phúc hơn. Ngô Thảo nói rằng thế hệ các ông là thế hệ lo vận nước nên không có nhiều thời gian nghĩ đến bản thân. Còn bây giờ các bạn trẻ cũng phải đối mặt với những vấn đề của họ… 
Chính tác giả Quỳnh Trang chia sẻ, tiểu thuyết của mình kể cả những đau khổ cũng chỉ là… giả, như một cái bẫy. “Chúng ta dìm mình trong những nỗi đau tưởng tượng, còn sự yên tĩnh nằm sâu trong con tim”. 
Áy náy vì đã thổi hồn mình vào trang viết
Bước từ tản văn, truyện ngắn tới tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư vẫn là “đặc sản” đậm chất bi của sông nước miền Tây. Đó là câu chuyện về nhân vật Ân, một ngày vác ba lô xuôi dọc sông Di cùng những người bạn mới chỉ quen qua mạng: Xu và Bối. Bộ ba đồng cảm ở sự mất mát, thiếu thốn tình cảm gia đình và bị tổn thương. Họ đi dọc sông Di, gặp và chứng kiến những mảnh đời thăng trầm như sông, đi giữa cõi mê và thực…
Sông là rất nhiều câu chuyện nhỏ ghép thành, nhưng nó chỉ xoáy sâu vào một điều: sự bỏ đi. Ân bỏ đi, làm nên cốt truyện chính cho cuốn tiểu thuyết, rồi còn những cuộc bỏ đi gây nhiều hậu quả như những gì liên quan tới nhân vật Ánh và San, rồi Bối, nhưng không chỉ có vậy, trong Sông tổng cộng có đến chừng trên dưới 30 cuộc bỏ đi, mất hút, biến mất, trong đó một số được kể chi tiết nhưng nhiều lần chỉ được nhắc thoáng qua…
Ai cũng bỏ đi ở trong Sông, vì dòng sông chính là sự bỏ đi miệt mài nhất. Chắc hẳn sự thật cuộc đời cũng từa tựa như vậy, dẫu rằng ham muốn lớn nhất của con người có khi chỉ là “có một ai đó để mình quanh quẩn cả đời” – như một tứ trong chính tiểu thuyết. 
Có người hỏi “Trong tiểu thuyết này chị khai thác yếu tố đồng tính, vậy chị nghĩ sao về việc các nhà văn trẻ dùng sex hay đồng tính để câu khách?”, chị chia sẻ nhẹ nhàng: “Những tâm tư, ẩn ức, đấu tranh để người đồng tính được sống như mình muốn có sức hấp dẫn rất lớn đối với mình. Mình chỉ cần nhiêu đó thôi, những gì to tát để  người khác khai thác. Mình thấy mình giống Ân: sống mà không khao khát, không cảm thấy niềm vui trong cuộc sống. Mình đang cố gắng thoát ra khỏi điều ấy. Rất áy náy là truyền tư tưởng không trong sáng đó vào sách của mình”...
Rõ ràng rằng viết về nỗi buồn, nỗi hoang mang của người trẻ, đó chẳng phải là một trào lưu mới của văn học, mà chỉ đơn thuần là các tác giả đã thực sự “sống, khóc, cười” với các trang viết của mình. Có một nhà văn đã nói rằng mỗi một cá nhân là tấm gương phản ánh cuộc sống. Ở đây cũng vậy, có điều “tấm gương” đó biết nói, biết chia sẻ của mọi người, như Nguyễn Ngọc Tư đã từng nhỏ nhẹ: “Mình rất ngại khi mọi người xếp mình vào chiếu này hạng kia. Viết văn là trời cho, mình đang tận dụng món quà này. Còn khi đã hết duyên thì mình không viết nữa, mình đi chỗ khác chơi…”.
Còn với Nguyễn Quỳnh Trang hy vọng tác phẩm tới của cô với tên “9X09” sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên,  nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, không cần làm cho tác phẩm tươi sáng, cứ viết về nỗi buồn, sự cô đơn cũng không sao, nhưng hãy viết sao cho đến tận cùng…

Miên Thảo

Đọc thêm