Khởi động “guồng quay” thực hiện các kế hoạch
Trần Thị Hương Ly (27 tuổi, sinh sống ở Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội) cho biết, 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán có ý nghĩa với cô. Cô được hòa chung không khí vui xuân, đón Tết, sum họp gia đình, gặp gỡ với bạn bè cũ. Thời gian nghỉ Tết cũng là lúc Hương Ly lên kế hoạch cho năm mới 2025. Cô hào hứng chia sẻ: “Tôi đang học năm thứ hai chương trình đào tạo thạc sĩ ở Đại học Sư phạm Hà Nội, sắp tới tôi sẽ phải hoàn thành luận văn của mình để kịp tiến độ ra trường”.
Hương Ly chia sẻ, hiện tại cô đang vừa làm giáo viên tại một trung tâm tư nhân, vừa học trên trường vào cuối tuần. Lịch làm việc, học tập của cô kín mít, thường kéo dài từ sáng cho đến tối muộn. Guồng quay cuộc sống vội vàng khiến Hương Ly không kịp “quy hoạch” tương lai của mình trong một đến hai năm tới. Vào dịp nghỉ Tết, được trò chuyện với gia đình, người thân, bạn bè giúp cô có định hướng rõ ràng hơn. Cô cho biết: “Vừa kết thúc những ngày nghỉ Tết, tôi đã đăng ký một khóa học Tiếng Anh để sớm lấy chứng chỉ IELTS kịp thời gian ra trường và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đồng thời, bất cứ khi nào có thời gian rảnh, tôi đều lên thư viện trường, hoặc trao đổi với các giảng viên để bổ sung vốn kiến thức chuyên môn của mình”. Với hai tấm bằng cử nhân loại xuất sắc và sắp tới là bằng thạc sĩ, Hương Ly đang có dự định tư học ở nước ngoài, để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu và giảng dạy của mình.
![]() |
Hương Ly đã bắt đầu học tập, làm việc ngay sau khi kỳ nghỉ Tết dài ngày kết thúc. |
Tô Trang (26 tuổi, Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) cho biết, quê của cô ở Nghệ An. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, cô về quê ăn Tết với gia đình. Khi những ngày lễ kết thúc, cô đã nhanh chóng quay trở lại Hà Nội.
Trang đang làm kế toán cho một tập đoàn ở Hà Nội. Công việc của cô tương đối bận rộn. Vì vậy, sau Tết, Trang rất nhanh chóng khôi phục tinh thần làm việc. Cô chia sẻ: “Việc đầu tiên khi lên Hà Nội, tôi đã dọn dẹp lại căn phòng của mình. Một năm mới được bắt đầu bằng hình ảnh sạch đẹp, gọn gàng ngay từ trong nhà”.
Ngay từ ngày đầu khi đi làm hậu nghỉ Tết, cô đã tập trung xử lý những công việc còn tồn đọng, bản chi tiêu cần quyết toán của cơ quan. Ngoài ra, để có một năm mới khỏe mạnh, Trang quay trở lại phòng tập ngay từ đầu tháng 2.
Cô tâm sự: “Năm nay, tôi mong muốn công việc được hanh thông, thuận lợi, có nhiều bước phát triển mới trong sự nghiệp. Bản thân tôi đang dự định học lên cao hơn, để củng cố chuyên môn. Đặc biệt, tôi đang hướng đến việc tìm một mối lương duyên tâm đầu ý hợp”. Từ đầu năm mới, Trang cho biết cô đã đi chùa cầu bình an và nhân duyên cho chính mình.
![]() |
Ngay từ đầu năm mới, Tô Trang đã “lên dây cót” làm việc hiệu quả, năng suất cho một năm mới. (Ảnh trong bài: NVCC) |
Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, nó thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt. Đầu năm là thời điểm một chu kỳ vận hành mới của đất trời, vạn vật, cỏ cây và cả con người. Với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”, người Việt Nam thường cố gắng khởi đầu một năm mới thật ý nghĩa.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi người có một dự định riêng để bắt đầu năm mới thuận lợi, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Không ít người trẻ đã “lên dây cót” năng nổ làm việc, học tập để chuẩn bị cho một năm thật thuận lợi. Điều này cho thấy thế hệ trẻ của đất nước Việt Nam đang tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến và cầu tiến.
Sống chậm lại thưởng thức chút “dư vị” mùa xuân
Ngược lại, có không ít người trẻ lại chọn khởi đầu một năm mới bằng những nhịp điệu nhẹ nhàng. Họ không vội vàng trở lại guồng quay công việc, mà lựa chọn dừng lại đôi chút để thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân. Chu Tuấn Anh (25 tuổi, sinh sống ở TP HCM) cho biết, quê gốc anh ở Hà Nội, hiện anh làm freelancer (công việc tự do). Anh hoàn toàn làm chủ thời gian của mình. Trong năm 2024, Tuấn Anh rất bận rộn hàng loạt đơn hàng, có những ngày làm xuyên suốt thứ Bảy, Chủ nhật. Cho nên, anh tự thưởng bằng một kỳ nghỉ Tết dài hơi.
Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi sẽ bắt đầu quay trở lại với công việc sau tháng giêng. Hiện tại, tôi muốn ngắm nhìn cảnh đẹp của đất nước khi xuân về. Trong tháng 2, tôi dự định đến một số tỉnh, thành phố tham dự những lễ hội đầu năm mới. Ở miền Bắc, tôi mong muốn tham dự Lễ hội chùa Hương, Lễ hội chùa Keo. Ở miền Trung, tôi được biết lễ hội vật làng Sình rất thú vị. Tại miền Nam, tôi sẽ tham dự Lễ hội chùa Bà Đen...”. Anh cho biết, bản thân rất muốn lên các vùng Tây Bắc ngắm hoa mơ, hoa mận, hoa đào dịp đầu năm mới, tham quan các bản làng người dân tộc thiểu số, thưởng thức món ăn đậm đà văn hóa bản địa.
Tuấn Anh đã đặt sẵn vé và homestay từ trước Tết để có được những trải nghiệm tốt nhất cho chuyến du lịch dài ngày lần này. Anh hào hứng nói: “Tôi bắt đầu đi từ ngày 10 và trở về vào ngày 20/2, tôi hi vọng đây sẽ là một khoảng thời gian tôi vừa thư giãn, nghỉ ngơi, vừa khám phá ra nhiều điều thú vị, mới lạ trong cuộc sống này”.
![]() |
Tuấn Anh (nam giới bên phải) dự định “sống chậm” tận hưởng không khí mùa xuân. |
Khác với Tuấn Anh, Thiên Trang (24 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) lại xin nghỉ phép thêm một tuần nữa để có thời gian ở bên gia đình. Quê của Trang ở Hòa Bình, bố mẹ, họ hàng, anh em của cô vẫn đang sinh sống, làm việc ở quê hương. Rời xa gia đình từ khi học đại học, Trang luôn mong ngóng đến những ngày Tết để được về sum họp với mọi người.
Cô chia sẻ: “Mọi năm, bận rộn công việc, học tập ở trên trường, tôi thường phải lên thành phố từ sớm để chuẩn bị. Năm nay, tôi muốn dành thêm một chút thời gian bên ông bà, cha mẹ”. Bố mẹ, ông bà của Trang đã có tuổi, thời gian được gần gũi bên con cháu là điều quý giá nhất đối với họ. Thấu hiểu tình yêu thương của gia đình với mình, Trang luôn muốn ở gần bên ông bà, bố mẹ.
Cô bộc bạch: “Cứ mỗi lần rời xa quê, tôi lại không kìm được nước mắt vì nhớ nhà. Tôi dự định vài năm nữa khi đã có kinh nghiệm làm việc sẽ chuyển công tác về quê để ở bên gia đình”. Năm nay, do công việc bận rộn, sát Tết Trang mới có thể về quê. Để bù đắp thời gian ở bên gia đình, cô quyết định sẽ xin nghỉ phép thêm một tuần.
Trang cho biết, đây không phải trạng thái “lười biếng” sau kỳ nghỉ lễ. Mà chỉ đơn giản, nguyện vọng, mong muốn có một mùa xuân sum vầy, hạnh phúc bên gia đình mà từ lâu cô đã nung nấu. Đồng thời, Trang sẽ dùng 7 ngày nghỉ phép để suy nghĩ về tương lai, sắp xếp lại hướng đi cho bản thân.
Sống chậm lại, quan tâm đến sức khỏe tinh thần, gia đình, người thân đang là xu hướng được nhiều người trẻ hướng đến. Sau một năm bận rộn với nhiều kế hoạch, dự định và lịch làm việc, học tập đã làm một số người trẻ kiệt sức. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, nhiều người đã nạp đủ năng lượng và nhanh chóng bắt kịp “guồng quay” công việc, học tập. Ngược lại, có những người sẽ chọn dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi hoặc ở bên gia đình và từ từ trở lại với nhịp sống thường nhật.
Dù lựa chọn ra sao, người trẻ cũng không hề sống ích kỷ, cá nhân. Họ vẫn đang nỗ lực từng ngày, để bản thân trở nên tốt hơn. Vì vậy, sau khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, dù người trẻ chọn nhanh chóng bắt nhịp với guồng quay cuộc sống hay chậm rãi thưởng thức giai điệu của mùa xuân tươi đẹp thì cũng đều xứng đáng được tôn trọng. Bởi, mỗi năm chúng ta chỉ có một mùa xuân, nên hãy sống hết mình vì công việc, đam mê, gia đình, bạn bè và những khát vọng tươi đẹp.