Người trẻ làm mới tranh rắn dân gian: Đến hiện đại từ truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với hơn 10 năm miệt mài tìm tòi và sáng tạo, họa sĩ trẻ Nam Chi không chỉ hồi sinh nhiều dòng tranh dân gian tưởng như đã thất truyền, mà còn nỗ lực mang đến những mẫu tranh mới, làm giàu thêm kho tàng mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, anh đã ra mắt bộ sưu tập tranh dân gian rắn, một biểu tượng linh thiêng và huyền bí, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng, nhất là giới trẻ.

Hình tượng rắn trong mỹ thuật Việt Nam

Rắn là một hình tượng quen thuộc trong đời sống văn hóa của người Việt Nam và nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới. Điểm đặc biệt của hình tượng rắn trong văn hóa Việt là sự đa dạng với nhiều biến thể khác nhau, như rắn, trăn, chằn tinh, giao long, thuồng luồng, thậm chí là rồng… Trong mỗi hình thức thể hiện hoặc biến thể, hình tượng rắn đều mang những ý nghĩa nhất định, thể hiện rõ qua các câu chuyện cổ tích, huyền thoại, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, mỹ thuật và tạo hình…

Hình tượng rắn từ lâu đã xuất hiện trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, được thể hiện qua các dòng tranh như Đông Hồ, Hàng Trống. Trong tranh Đông Hồ, hình ảnh rắn được ẩn dụ trong bức tranh “Rồng rắn lên mây”, một trò chơi dân gian gắn liền với bài đồng dao quen thuộc của trẻ em vùng Bắc Bộ. Còn với tranh dân gian Hàng Trống, hình ảnh rắn lại phổ biến trong các loại tranh thờ, như: Ông Hoàng cưỡi lốt, Thanh xà, Bạch xà,…

Tranh “Linh Lang hóa giảo long” tái hiện sinh động về huyền tích Linh Lang Đại vương.

Tranh “Linh Lang hóa giảo long” tái hiện sinh động về huyền tích Linh Lang Đại vương.

Trong mỹ thuật điêu khắc cổ, rồng và rắn không phải lúc nào cũng được phân biệt rõ ràng. Theo các nhà nghiên cứu Trương Chính và Ðặng Ðức Siêu nhận định: Rồng Lý - Trần là một con rắn dài, quấn làm nhiều khúc, đầu không sừng, không râu. Còn Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng thì từng cho rằng: Rồng Thăng Long Ðại Việt là loại Rồng - Rắn, mình tròn trịa và thanh tú, với nhiều khúc uốn lượn nhịp nhàng, là loài có vẩy, ở nước và cũng tượng trưng cho nước, cho mây mưa, vốn là cái nhân tố bận tâm hàng đầu của người dân trồng lúa nước. Đặc trưng nổi bật của rồng Lý là thân uốn khúc uyển chuyển, mềm mại, thanh thoát vút nhỏ dần về phía đuôi. Phổ biến là loại rồng 11 - 12 khúc uốn nhưng cũng một số con có tới 17 - 19 khúc uốn như một số mẫu rồng ở tháp Chương Sơn (Ý Yên - Nam Định), chùa Phật Tích (Tiên Du - Bắc Ninh), bia Quỳnh Lâm (Đông Triều - Quảng Ninh), bia Long Đọi (Duy Tiên - Hà Nam)… Những di sản văn hóa ấy đã tạo cảm hứng cho họa sĩ trẻ Nam Chi sáng tạo nên bộ sưu tập tranh dân gian rắn của mình.

Nỗ lực đưa tranh dân gian vào đời sống

Nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, họa sĩ Nam Chi đã cho ra mắt bộ sưu tập tranh dân gian rắn, gồm hàng chục mẫu tranh mới mẻ, độc đáo, như: “Giao long cầu đạo”, “Rắn hóa rồng”, “Rồng rắn lên mây”, “Quan Xà thần”, “Linh Lang hóa giảo long”, “Ông Hoàng cưỡi lốt”,… Bộ sưu tập này không chỉ làm sống lại hình tượng rắn trong văn hóa Việt mà còn mang đến một làn gió mới, với những cách thể hiện sáng tạo, đầy ấn tượng. Các mẫu tranh của anh khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của rắn, từ những hình ảnh rắn thần thoại, rắn hóa rồng đến những cảnh vật gắn liền với đời sống thường nhật, tạo nên một bộ sưu tập phong phú, vừa giữ gìn được giá trị truyền thống, vừa mang tính hiện đại và gần gũi với thế hệ trẻ.

“Để làm mới hình tượng rắn truyền thống, tôi đã đưa vào tranh những yếu tố sáng tạo đặc trưng. Thay vì giữ nguyên màu sắc hòa hợp thường thấy trong tranh dân gian truyền thống, Nam Chi sử dụng gam màu tương phản sáng - tối để làm nổi bật hình tượng rắn trong từng tác phẩm. Bố cục tranh cũng được thay đổi, với các hình xoắn ốc và bố cục tròn - những cách thể hiện hiếm gặp trong tranh cổ, mang lại cảm giác độc đáo và hiện đại” - Nam Chi nhấn mạnh.

Họa sĩ Nam Chi.

Họa sĩ Nam Chi.

Mỗi bức tranh trong bộ sưu tập của họa sĩ Nam Chi đều có những câu chuyện và ý nghĩa riêng. “Giao Long cầu đạo” tái hiện khát vọng vươn tới tri thức và sự giác ngộ, trong khi “Rắn hóa rồng” là biểu tượng của sự thăng tiến, chuyển hóa từ bình thường đến cao quý. Đặc biệt trong đó, bức tranh “Linh Lang hóa giảo long” đã tái hiện sinh động về huyền tích của Linh Lang Đại vương. Những bức tranh này không chỉ là sự làm mới về mặt hình thức mà còn mang thông điệp sâu sắc về giá trị nhân văn của hình tượng rắn trong văn hóa Việt Nam.

Khi sáng tạo thêm những mẫu rắn mới trong tranh dân gian, họa sĩ Nam Chi đối mặt với không ít khó khăn, cả về mặt kỹ thuật lẫn sự giữ gìn bản sắc truyền thống. Một trong những thử thách lớn nhất là làm sao để kết hợp giữa sáng tạo và giữ vững tinh thần của tranh dân gian, từ đó tạo ra một sản phẩm vừa mới mẻ nhưng vẫn có sự gắn kết chặt chẽ với nền tảng văn hóa truyền thống. Một trong những yếu tố khó khăn khi vẽ thêm mẫu rắn mới chính là sự chính xác trong việc thể hiện hình tượng con rắn sao cho đúng với đặc trưng của từng dòng tranh dân gian, như Đông Hồ, Hàng Trống. Để tái hiện chính xác tinh thần của tranh dân gian, Nam Chi đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ các tài liệu về rắn trong lịch sử mỹ thuật đến những tác phẩm điêu khắc rắn trên đình làng và bia đá cổ. Anh cũng tham khảo ý kiến từ các nghệ nhân như cụ Lê Đình Nghiên (tranh Hàng Trống) để phân biệt rõ nét vẽ đặc trưng của rắn và các loài khác, bởi sự khác biệt này không chỉ nằm ở đường nét tổng thể mà còn thể hiện qua từng chi tiết nhỏ như vảy, mắt và họa tiết thân rắn.

Chính vì vậy, trong mỗi bức tranh, Nam Chi không chỉ đơn thuần vẽ lại hình ảnh con rắn mà anh đã “thổi hồn” vào từng chi tiết, từ vảy rắn được vẽ tinh xảo cho đến những đường nét uốn lượn đầy nghệ thuật, thể hiện sự linh hoạt, mạnh mẽ và uy nghiêm của loài vật này. Mỗi bức tranh không chỉ phản ánh vẻ đẹp tự nhiên mà còn chứa đựng những câu chuyện, triết lý sâu sắc, như những thông điệp về sức mạnh vượt qua khó khăn, sự chuyển hóa trong cuộc sống, hoặc khát vọng vươn tới những điều cao đẹp.

Tranh “Ông Hoàng cưỡi lốt” của họa sĩ Nam Chi. (Ảnh trong bài: Đức Anh)

Tranh “Ông Hoàng cưỡi lốt” của họa sĩ Nam Chi. (Ảnh trong bài: Đức Anh)

Với bộ sưu tập tranh dân gian rắn, họa sĩ Nam Chi muốn lan tỏa tình yêu với mỹ thuật dân gian đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Anh mong muốn mọi người nhận ra rằng nghệ thuật truyền thống không hề lỗi thời mà vẫn có thể sống động, hiện đại và gần gũi với đời sống hôm nay.

Trong tương lai, họa sĩ Nam Chi và cộng sự dự định tổ chức các triển lãm, workshop về chủ đề “Linh vật rắn trong tranh dân gian”, để giúp công chúng hiểu rõ hơn về ý nghĩa của rắn trong văn hóa Việt. Đồng thời, anh cũng đang thử nghiệm đưa tranh dân gian rắn vào các sản phẩm ứng dụng như áo thun, túi xách, lịch Tết và các vật dụng quen thuộc khác. Đây chính là nỗ lực nhằm xây dựng “chiếc cầu” kết nối giữa truyền thống và hiện đại, để nghệ thuật dân gian không chỉ được lưu giữ mà còn tiếp tục tỏa sáng trong đời sống đương đại.

“Tôi mong muốn nghệ thuật dân gian không chỉ được gìn giữ mà còn phát triển mạnh mẽ trong thế giới hiện đại. Tranh dân gian không phải là những giá trị cũ kỹ, mà là một kho tàng sống động, đầy sức sáng tạo và chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Tôi hy vọng rằng qua những tác phẩm của mình, đặc biệt là bộ sưu tập tranh rắn, sẽ giúp giới trẻ nhận ra rằng nghệ thuật truyền thống vẫn có thể rất gần gũi và hấp dẫn, có thể kết nối với đời sống hiện đại, từ đó truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo.Tôi cũng hy vọng trong tương lai, không chỉ có tôi mà còn nhiều nghệ sĩ khác sẽ tiếp tục làm mới, sáng tạo và đưa tranh dân gian ra khỏi không gian bảo tàng, triển lãm, để trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật, từ những sản phẩm tiêu dùng đến những không gian sống” - họa sĩ Nam Chi chia sẻ.

Họa sĩ Nam Chi (tên thật là Nguyễn Văn Bắc) là một họa sĩ thuộc thế hệ 9X, sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật ở Hải Dương. Từ những năm học tiểu học, anh đã tình cờ tiếp xúc với mỹ thuật truyền thống qua bức tranh “Quan Âm” trong sách giáo khoa. Kể từ đó, dòng tranh dân gian với những màu sắc rực rỡ và họa tiết đặc trưng của Việt Nam đã chiếm trọn tâm trí anh. Theo thời gian, tình yêu với tranh dân gian truyền thống ngày càng lớn dần, thúc đẩy họa sĩ Nam Chi phải tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn để chinh phục các kỹ thuật vẽ tranh dân gian.