Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ không phải như mọi người vẫn tưởng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) hàng năm hay còn gọi là ngày diệt sâu bọ từ lâu đã trở thành ngày Tết truyền thống của người Việt Nam.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ của gia đình chị Biên Thùy - Hà Nội.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ của gia đình chị Biên Thùy - Hà Nội.

Tết Đoan Ngọ là cái Tết chung của một số nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngày tết này còn mang những ý nghĩa rất đặc biệt.

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch, còn được gọi với cái tên là Tết Đoan Dương. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Ở Việt Nam, dịp tết còn được gọi dưới cái tên dân dã là "Tết giết sâu bọ". Không chỉ ở Việt Nam hay Trung Quốc, ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy, dịp này thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Nhiều người cho rằng Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn liền với nhiều câu chuyện khá ly kỳ. Trong đó, nổi bật nhất là câu chuyện về vị quan tên là Khuất Nguyên.

Chuyện kể về vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên thời Chiến Quốc. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa nổi tiếng. Trong một lần can ngăn nhà vua không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào mùng 5/2 âm lịch.

Người dân thương tiếc cho sự trung nghĩa, mỗi năm đến ngày này mọi người đều làm bánh bá trạng rồi thả trôi sông để tưởng nhớ đến Khuất Nguyên.

Còn đối với người Việt, dịp tết này lại là một ngày lễ có ý nghĩa hoàn toàn khác. Theo tài liệu từ Ban Tôn Giáo Chính Phủ cho biết, ngày xưa, vào một mùa vụ thành công và bội thu, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến phá nát mọi thứ.

Nhân dân lo lắng chẳng biết làm thế nào để giải trừ được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đến xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một bàn cúng gồm bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi.

Từ đó, cứ vào ngày này, nông dân lại lập bàn cúng để giải trừ sâu bọ, ngày 5/5 âm lịch trở thành ngày "Tết diệt sâu bọ" và còn gọi là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay.

Bên cạnh ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng thì người Việt còn cho rằng đây là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa.

Người xưa quan niệm bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại không phải lúc nào cũng diệt được.

Tuy nhiên, vào ngày mùng 5/5, các loại ký sinh này thường ngoi lên và đây là thời cơ để con người ăn những thức ăn có vị chua, chát để loại bỏ chúng.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ cần chuẩn bị những gì?

Theo phong tục người xưa, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ thường có các lễ vật là hoa tươi, vàng mã, hương, nước sạch; Cơm rượu nếp, nếp cẩm, chè; Bánh đa, củ lạc luộc; Hoa quả có vị chua như quả mận, quả vải...

Bánh tro, cơm rượu là hai món không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ của người Hà Nội.

Bánh tro, cơm rượu là hai món không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ của người Hà Nội.

Tùy theo địa phương mà mâm cúng tết Đoan Ngọ có thể có thêm những lễ vật khác. Ở miền Bắc, lễ vật đặc trưng là bánh gio, bánh được làm từ gạo nếp ngâm cùng nước gio của các loại lá cây khô, gói trong lá chuối rồi đem luộc.

Ở miền Trung, món đặc trưng trong dịp tết Đoan Ngọ là thịt vịt, bởi theo quan niệm tháng 5 âm lịch, thời tiết nắng nóng, ăn thịt vịt tính hàn sẽ giúp cơ thể mát mẻ hơn.

Đặc biệt, chè kê là món ăn đặc trưng của người Huế mỗi dịp tết Đoan Ngọ. Người ta ngâm hạt kê rồi đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt rồi thêm nước đường cùng chút gừng.

Còn ở miền Nam, lễ vật trong mâm cúng tết Đoan Ngọ thường là chè trôi nước được làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước đường hoặc nước cốt dừa đun đường.

Đọc thêm