'Nguồn thu từ thuế, phí ngày càng bền vững'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2022, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan, thu ngân sách Nhà nước đã đạt những kết quả hết sức tích cực, đặc biệt nguồn thu từ thuế, phí ngày càng bền vững…
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tại Hội nghị đối thoại.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tại Hội nghị đối thoại.

Thu ngân sách “về đích” trước 2 tháng

Hôm qua (22/11), tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) về thủ tục chính sách thuế, hải quan năm 2022. Đây là năm thứ 17 chương trình đối thoại giữa Bộ Tài chính với cộng đồng DN được tổ chức nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành thuế - hải quan…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ DN, người dân.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

“Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho DN, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng). Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ DN, người dân về thuế, phí và lệ phí được áp dụng với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đã đạt những kết quả hết sức tích cực. Tổng thu thuế, phí trong nước 10 tháng năm 2022 đạt 107,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn thu từ thuế, phí đã ngày càng bền vững và đảm bảo cho đầu tư phát triển, duy trì bộ máy, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng. “Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan có liên quan…” - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hoá, tạo thuận lợi cho DN và nhận được sự ghi nhận tích cực. Cụ thể: Năm 2022 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính xếp trong nhóm 3 bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index). Tính chung, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Lưu ý, thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành; tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo đúng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế…

“Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách TTHC theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính. Đặc biệt là cải cách trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN, người dân, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Điểm nổi bật nhất trong các kiến nghị tại Hội nghị đối thoại là bên cạnh một số trường hợp cụ thể của DN có nội dung bắt nguồn từ một số thay đổi trong các văn bản luật, nghị định hướng dẫn, việc áp mã HS, mã số mã vạch, hàng quá cảnh, các mức thuế, phí, quy trình hoàn thuế phí… cũng được các DN kiến nghị hướng sửa đổi cụ thể.

Các ý kiến phản ảnh, đề xuất của DN được lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) giải đáp và tiếp thu trên tinh thần giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.

Những kết quả nổi bật:

* Trong lĩnh vực thuế:

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với 99,9% DN tham gia sử dụng dịch vụ; 98,9% DN thực hiện nộp thuế điện tử; 99% DN tham gia hoàn thuế điện tử. Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử; Triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022 để tạo thuận lợi cho việc khai, nộp thuế và quản lý thuế cho nhà cung cấp nước ngoài, ứng dụng Etax Mobile...

* Trong lĩnh vực hải quan:

Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt; đẩy mạnh phát triển và triển khai các ứng dụng CNTT tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động XNK, hướng tới xây dựng mô hình Hải quan thông minh, qua đó đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC trong lĩnh vực XNK, thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, tiến tới hội nhập quốc tế và phát triển các dịch vụ Hải quan số mạnh mẽ.

Đọc thêm