Thông tin được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến “Thực thi Luật Phòng, chống HIV/AIDS và đảm bảo nguồn lực tài chính” vừa được Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân tổ chức.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hiện nay có tới 80% kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Các nguồn viện trợ này đang giảm mạnh và sẽ kết thúc trong hai đến ba năm tới. Vì vậy, Việt Nam đứng trước khó khăn rất lớn trong việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Cũng theo ông Long, thiếu kinh phí, chúng ta sẽ không thể triển khai được các hoạt động tư vấn xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng; không mở rộng được các dịch vụ can thiệp giảm hại như phát bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị Methadone; không có thuốc kháng vi rút ARV để điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS... và, đại dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại.
Theo tính toán của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nếu không được đầu tư đầy đủ thì số lượng nhiễm HIV mới ở Việt Nam có thể tăng đến hơn 20.000 người mỗi năm. Do không được điều trị kịp thời, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong liên quan đến AIDS cũng sẽ tăng vọt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Bá Cẩn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa cũng chia sẻ, nguồn thuốc hỗ trợ của Nhà nước (thuốc kháng vi rút ARV) chỉ chiếm khoảng 10% số thuốc điều trị HIV/AIDS hàng năm; 90% còn lại chủ yếu từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế như Perfa, Quỹ Toàn cầu. Các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân tại Thanh Hóa còn gặp khó khăn do kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia đã cắt giảm mạnh, trong khi nhu cầu thuốc điều trị dự phòng, dự phòng lao, thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội là rất lớn.