Nguy cơ mất an toàn từ tàu cá công suất dưới 20 CV

(PLO) - Ngoài hàng vạn tàu cá công suất lớn đang hoạt động trên biển, do sinh kế, đông đảo ngư dân các tỉnh ven biển đã đóng các bè gỗ, nứa, thuyền thúng lắp máy công suất nhỏ dưới 20 CV đánh bắt cá ven bờ. Ngoài gió bão, một cơn giông lốc nhỏ trên biển cũng đánh đắm tàu, đe dọa tính mạng ngư dân. Tuy nhiên, các tỉnh hiện nay không thể xóa sổ nổi loại phương tiện này do đó là phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình họ.
Nhiều ngư dân mưu sinh bằng phương tiện thuyền thúng thô sơ lắp máy công suất nhỏ
Nhiều ngư dân mưu sinh bằng phương tiện thuyền thúng thô sơ lắp máy công suất nhỏ

Tàu cá thô sơ mất an toàn cao trong mùa mưa bão

Sáng sớm hôm qua - 10/10, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Mỗi lần khí tượng thủy văn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh ven biển lại phối hợp thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho các tàu thuyền đánh cá ngoài khơi vào bờ tránh trú. 

Theo Đại tá Trần Dương Kiên - Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh BĐBP, tính đến 7 giờ ngày 9/10, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.077 tàu/230.513 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Các phương tiện nắm được hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới đã chủ động di chuyển về bờ hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Thực tế, ngoài số lượng tàu thuyền được kiểm đếm, kêu gọi trên thì còn hàng vạn ngư dân mưu sinh trên biển bằng các phương tiện thô sơ, công suất nhỏ dưới 20 CV.

Pháp luật quy định về điều kiện hoạt động đối với các tàu cá cụ thể như sau: Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả; tàu lắp máy có công suất máy chính từ dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ, không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hòa - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 tàu thuyền đánh bắt cá, trong đó có 1.140 tàu cá trên 90CV đánh bắt xa bờ, số còn lại khai thác gần bờ. Tính đến 18 giờ ngày 9/10, 1.140 tàu đánh bắt cá xa bờ đã được các đơn vị BĐBP tỉnh hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn, một số tàu thuyền nhỏ đã được đưa lên bờ để đảm bảo an toàn. 

Từ năm 2000, nhiều địa phương đã kiên quyết nói không với việc đóng mới phương tiện khai thác thủy sản công suất nhỏ, trên dưới 20 CV. Nhằm mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, khuyến khích ngư dân vươn khơi xa bờ khai thác và giảm lượng tàu, thuyền nhỏ, thúng (gọi tắt tàu cá nhỏ) đẩy mạnh khai thác du lịch biển, Đà Nẵng quyết định từ nay đến năm 2020 xóa sổ 1.095 tàu cá nhỏ, dưới 20CV đánh bắt ven bờ.

Tuy nhiên, chủ trương này đã gặp phải phản ứng của đa số ngư dân có tàu cá, bởi mức hỗ trợ hủy tàu cá nhỏ còn thấp, không có vốn đầu tư tàu lớn vươn khơi, chuyển đổi nghề rất khó khăn, phần lớn ngư dân lớn tuổi, trình độ học vấn thấp nên việc họ lên bờ làm ăn không thật dễ dàng. Do đó, tàu cá nhỏ vẫn tiếp tục tồn tại ở các tỉnh có biển.

 Trong mùa mưa bão, việc khai thác thủy sản bằng phương tiện thô sơ, công suất nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cao, không tính gió bão, áp thấp nhiệt đới, chỉ một cơn giông lốc bất ngờ, một số phương tiện bị nhấn chìm, thậm chí gây chết người.

Quản lý khó khăn

Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4.185 chiếc tàu thuyền, bè mảng có công suất dưới 20CV và được giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý việc đăng ký, đăng kiểm, gia hạn giấy phép hoạt động... theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, các địa phương thực hiện đăng ký, quản lý tàu thuyền, bè mảng đạt tỷ lệ thấp, có nơi chỉ vài % hoặc 0 %.

Đa số các tàu cá sau khi được cấp phép khai thác hải sản lần đầu hết hạn, không gia hạn hoặc xin cấp phép mới, khiến số lượng đăng ký giảm. Ngoài ra, do một số phương tiện đăng ký từ năm 2008 trở về trước đến nay đã xuống cấp, không còn hoạt động mà ngư dân không khai báo. Một số chủ tàu tự cải hoán nâng công suất lên trên 20 CV nhưng chưa thực hiện đăng ký theo quy định. 

Công tác quản lý tàu cá công suất dưới 20CVgặp nhiều khó khăn, phần lớn trên địa bàn huyện là bè mảng gắn máy do người dân tự đóng. Các bè mảng không có thiết kế, nên khó khăn cho việc cấp đăng ký, đăng kiểm, chính vì vậy tỷ lệ đạt thấp. Một phần do người dân cũng chưa chủ động phối hợp với địa phương trong việc hoàn chỉnh các thủ tục để đăng ký, đăng kiểm. Việc kiểm tra xử lý vi phạm hành chính đối với số tàu này rất hạn chế.

Công tác quản lý vùng bờ đã phân cấp cho UBND cấp huyện nhưng thực tế các địa phương còn buông lỏng công việc này. Số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó tàu cá xa bờ của tỉnh chiếm tỷ lệ thấp, gây mất cân đối giữa các vùng biển, nhất là vùng biển ven bờ đang chịu áp lực lớn do mật độ tàu thuyền tập trung khai thác cao, gây nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ. 

Dù không thuộc diện quản lí nhưng vì trách nhiệm, hàng ngày các trạm kiểm soát biên phòng vẫn nhắc nhở bà con trang bị đủ các loại phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc khi làm ăn trên biển.

Thiếu tá Trương Bảo Xuyên, Đồn trưởng Đồn BP Sông Đốc, BĐBP Cà Mau cho biết: “Chúng tôi đang gặp khó khăn về công tác quản lý đối với những phương tiện nhỏ này. Nếu cho họ ra biển làm nghề thì vô tình chúng tôi tạo điều kiện cho họ vi phạm pháp luật và nguy hiểm đến tính mạng khi gặp thời tiết xấu trên biển. Nếu không cho ra thì bà con lại cho rằng gây khó khăn cho họ. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên phối hợp và tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con đảm bảo các điều kiện an toàn khi ra biển làm ăn, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Khi ra biển, bà con phải thông báo kịp thời những diễn biến phức tạp trên khu vực đánh bắt, không ra quá xa bờ hoặc phải đánh bắt theo từng nhóm để hỗ trợ nhau. Cán bộ, chiến sĩ cũng thường xuyên canh trực để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra trên biển đối với bà con”. 

Đọc thêm