“Đụng đâu, sai đó”
Theo tìm hiểu của phóng viên, vừa qua, Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng tại tỉnh Lạng Sơn. Về hoạt động khai thác đá, qua thanh tra 60 mỏ đá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện có 8 mỏ đã hết hạn khai thác theo giấy phép nhưng chưa có quyết định đóng cửa mỏ, trong đó, 4 mỏ quá thời hạn 12 tháng chưa xây dựng cơ bản, chưa khai thác.
Đáng chú ý, trong 36 mỏ đang hoạt động thì hầu hết các đơn vị này chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong khai thác, chế biến mỏ đá. Trong đó, một số đơn vị đang hoạt động khai thác nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về thuê đất khu vực khai thác và chế biến; chưa có văn bản xác nhận đã thực hiện đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.
Một số đơn vị chưa hoàn thành việc xây dựng cơ bản mỏ đã thực hiện khai thác dẫn đến khai thác sai thiết kế đã được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Theo đó, vi phạm chủ yếu là khai thác không tạo tầng, góc nghiêng sườn tầng khai thác lớn hơn quy định, vi phạm về chiều cao tầng khai thác, còn nhiều đá treo nhưng chưa được xử lý triệt để có nguy cơ sạt lở.
Mặt khác, nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về nộp tiền cấp quyền khai thác đối với Nhà nước trong thời gian từ năm 2014 đến nay gây thất thu đối với Ngân sách Nhà nước như: Cty TNHH Hồng Phong (13,35 tỷ đồng với 2 mỏ), Cty TNHH Tiến Long ( 3,99 tỷ đồng), Cty CP Trường Sơn Lạng Sơn (5,53 tỷ đồng)…
Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn cho biết, tổng số tiền cấp quyền khai thác các đơn vị chưa nộp tính đến thời điểm thanh tra là khoảng 73,5 tỷ đồng (chưa kể phạt chậm nộp). Tuy nhiên các cơ quan chức năng chưa phạt chậm nộp cũng như tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn thu hồi mỏ theo quy định.
Hơn thế, nhiều đơn vị đang hoạt động khai thác chưa nộp tiền cấp quyền khai thác từ năm 2014 đến nay nhưng trả lại một phần mỏ để giảm số tiền cấp quyền khai thác phải nộp, trên cơ sở đó tính lại và nộp tiền cấp quyền khai thác theo giấy phép mới mà không phải nộp phạt chậm nộp. Điều này tạo nên sự thất thu lớn cho Ngân sách nhà nước, tạo ra sự thiếu công bằng đối với các đơn vị đã nộp đúng, đủ theo quy định.
Ngoài ra, 3 đơn vị: Cty TNHH Anh Thắng, Cty CP đầu tư Khoáng sản và than Đông Bắc, Cty TNHH khoáng sản Minh Long… được cấp giấy phép khai thác nhưng gần 4 năm chưa thực hiện xây dựng mỏ cơ bản, không có hoạt động khai thác mà không vì lý do bất khả kháng nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn chưa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát để thu hồi theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác sản xuất gạch nung tại Lạng Sơn cũng tồn tại không ít sai phạm. Qua thanh tra 08 đơn vị sản xuất gạch nung cho thấy, các đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng như tự ý xây dựng chuyển đổi dây chuyền lò nung tuynel thành lò vòng, xây dựng các hạng mục chưa có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng vượt diện tích được cấp phép, chưa thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy sản phẩm theo quy định nhưng vẫn lưu thông trên thị trường, khai thác đất làm nguyên liệu nhưng chưa có giấy phép khai thác… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở sản xuất gạch nung với tổng công suất 128 triệu viên/năm là chưa phù hợp với yêu cầu giảm dần sản xuất gạch nung theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, qua kiểm tra, Đoàn thanh tra cũng chỉ rõ, việc quản lý về khai thác tài nguyên đất đồi dọc theo đường Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn chưa tốt, tình trạng khai thác không có giấy phép rất phổ biến làm mất cảnh quan thiên nhiên, gây mất an ninh trật tự nhưng chưa được các cấp chính quyền địa phương xử lý theo quy định hoặc đã xử lý nhưng chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đoàn thanh tra đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường của UBND huyện rà soát một số điểm khai thác đất trái phép sát hai bên đường quốc lộ 1A và đổ đất san lấp vào đất ruộng để tạo mặt bằng nằm trong hành lang quốc lộ 1A trong năm 2016 trên địa bàn xã Minh Sơn và Đồng Tân.
Ngoài ra, việc các đơn vị khai thác cát để phục vụ nông thôn mới là chủ trương của UBND tỉnh để đáp ứng kịp thời cho việc xây dựng các công trình nông thôn mới. Tuy nhiên, việc cho phép các đơn vị khai thác chưa nêu cơ sở cụ thể là khối lượng, tiến độ phải đáp ứng cho các công trình nông thôn mới. Thực tế, một số đơn vị được phép khai thác đều chưa chứng minh được một phần khối lượng khai thác được đã cấp cho công trình nông thôn mới nào. Do đó, việc vận dụng quy định tại Khoản 2, Điều 64 Luật khoáng sản 2010 để cho phép khai thác cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng để phục vụ nông thôn mới là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc tồn tại một số bãi tập kết, kinh doanh cát sử dụng lấn chiếm hành lang bảo vệ quốc lộ dọc quốc lộ 1A qua địa bàn thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng đã gây mất cảnh quan và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.
Buông lỏng công tác quản lý
Qua đó, Đoàn thanh tra xác định, trách nhiệm để xảy ra hàng loạt những sai phạm trên trước hết thuộc về các đơn vị vi phạm, tuy nhiên, có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc chưa phát hiện kịp thời và xử lý theo quy định. Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ, UBND tỉnh Lạng Sơn chưa tổ chức lập, trình HĐND cùng cấp thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường thẩm quyền cấp phép theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 2, Quyết định 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020.
Việc các cơ quan chức năng cấp phép khai thác đá cho các đơn vị kể từ ngày 01/07/2011 sau khi Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực đến thời điểm UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường ngày 30/8/2016 (tại quyết định số 37/2016/QĐ-UBND) trong khi chưa có quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường được UBND tỉnh phê duyệt mà chỉ dựa trên quy hoạch phát triển VLXD là chưa đủ cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Khoáng sản.
Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển VLXD được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt chưa phù hợp với nhu cầu đến năm 2016 về dự báo nhu cầu đá xây dựng dẫn tới quy hoạch đã vượt quá lớn so với nhu cầu thực tế, công suất đã cấp phép vượt 227% và công suất quy hoạch vượt 522% so với nhu cầu thực tế đến năm 2016.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất cung cầu, hiện nay hầu hết các đơn vị sản xuất cầm chừng, chưa hiệu quả, nợ tiền cấp quyền khai thác rất lớn… Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt tại Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 có nhiều thiếu sót như: Quy hoạch mới công suất một số mỏ giai đoạn năm 2016 đến năm 2020 chưa đảm bảo công suất tối thiểu quy định tại Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung quy hoạch thăm dò chưa đánh giá sự phù hợp với chiến lược khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí bảo vệ cảnh quan đối với việc khai thác đá của các mỏ hai bên đường Quốc lộ 1A.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh: “Tỉnh Lạng Sơn chưa kiên quyết trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Không thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định nhưng vẫn lưu thông trên thị trường. Tại thời điểm thanh tra chỉ có 5 đơn vị khai thác đá thực hiện công bố hợp quy theo quy định, các đơn vị khai thác khác hầu hết chưa công bố hợp quy sản phẩm theo quy định, nhưng vẫn lưu thông trên thị trường và chưa có cơ quan chức năng nào xử lý theo quy định của pháp luật…”.
Mặt khác, một số đơn vị được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, sản xuất đá làm VLXD thông thường nhưng quá thời hạn xây dựng mỏ cơ bản đi vào khai thác theo giấy chứng nhận đầu tư từ 1,5 năm đến 4 năm nhưng chưa được cấp phép khai thác, hiện trạng khu vực được cấp phép đầu tư vẫn giữ nguyên hiện trạng tự nhiên nhưng chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát trình UBND tỉnh thu hồi lại giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cũng chưa được quản lý chặt chẽ, qua kiểm tra phát hiện, HTX khai thác và sản xuất VLXD mỏ Hao (huyện Bắc Sơn) dù đã hết hạn khai thác từ năm 2012 nhưng vẫn có hiện tượng khai thác không có giấy phép nhưng chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý…
Về hoạt động của các lò gạch thủ công thì tỉnh Lạng Sơn cũng chưa có biện pháp xử lý triệt để, một số lò đã dừng hoạt động nhưng chưa tháo dỡ vỏ lò gây mất cảnh quan môi trường, nguy cơ về mất an ninh trật tự và tái sản xuất trở lại.