Theo Telegraph, báo cáo vừa được Viện trên công bố cho rằng những tác động tiềm tàng của một vụ tấn công mạng nhằm vào các hệ thống vũ khí hạt nhân là rất lớn. Vẫn theo báo cáo, khả năng xảy ra các vụ cố ý tấn công mạng là “tương đối cao và ngày càng gia tăng”. Song, nguy cơ này lại đang nhận được rất ít sự chú ý.
Theo báo cáo, các hệ thống vũ khí hạt nhân ban đầu được phát triển khi máy tính vẫn ở thời kỳ sơ khai và những lỗ hổng an ninh mạng ít được chú ý tới. Hiện nay, sự phụ thuộc rộng rãi vào các hệ thống số trong quân đội đồng nghĩa với việc các liên lạc giữa các chỉ huy, dữ liệu định vị, chuỗi cung ứng và hậu cần đều trở nên dễ bị tổn thương.
Tiến sỹ Beyza Unal và Tiến sỹ Patricia Lewis – các tác giả của báo cáo, cảnh báo những kẻ tấn công mạng có thể thao túng, gây tắc nghẽn hoặc làm giả dữ liệu, khiến các chỉ huy không thể tin tưởng và các hệ thống của họ làm suy yếu niềm tin vào khả năng phòng ngừa hạt nhân. “Trong thời bình, các hoạt động tấn công mạng có thể đưa đến tình thế tiến thoái lưỡng nan với một nhà nước vì họ không biết liệu các hệ thống vũ khí hạt nhân của họ có là mục tiêu tấn công mạng hay không. Việc không chắc chắn này có thể ảnh hưởng tới việc ra quyết định, đặc biệt là những quyết định ảnh hưởng tới các chính sách về phòng thủ vũ khí hạt nhân”, các tác giả báo cáo nhận định.
Các tác giả báo cáo cho biết họ đã phát hiện một số lỗ hổng và các cách thức mà một bên hiểm độc nào đó có thể sử dụng để thâm nhập vào hệ thống vũ khí hạt nhân trong khi nước sở hữu hệ thống đó không hề hay biết. “Tại các thời điểm khi căng thẳng leo thang, các vụ tấn công mạng nhằm vào các hệ thống vũ khí hạt nhân có thể dẫn tới việc sử dụng các vũ khí đó. Một vụ phóng vũ khí không chủ ý có thể xuất phát từ sự phụ thuộc vào các thông tin và dữ liệu sai lệch”, các tác giả báo cáo cho hay.
Theo báo cáo, bên cạnh mối đe dọa từ các nước thù địch, nguy cơ tấn công mạng cũng có thể đến từ những băng nhóm tội phạm có kỹ năng cao. Các nhóm này có thể tự gây ra các vụ tấn công hoặc bán khả năng trên không gian mạng cho các phần tử khủng bố. Các tác giả báo cáo cho biết họ đã phát hiện một số lỗ hổng và các cách thức mà một bên hiểm độc nào đó có thể sử dụng để thâm nhập vào hệ thống vũ khí hạt nhân trong khi nước sở hữu hệ thống đó không hề hay biết. Trong trường hợp tồi tệ nhất, theo các tác giả của báo cáo, các vụ tấn công mạng có thể dẫn tới việc thông tin sai lệch có chủ ý và vô tình kích hoạt vũ khí hạt nhân.
Trong bối cảnh như vậy, các tác giả báo cáo kêu gọi giới chức Anh tăng cường an ninh mạng, tăng cường minh bạch về vấn đề an ninh mạng liên quan đến các hệ thống vũ khí hạt nhân vì “công chúng chính là những người sẽ phải trả giá cho sự tự mãn về an ninh mạng liên quan đến hệ thống vũ khí hạt nhân”. Trước đó, năm 2016, giới chức Anh đã cập nhật phần mềm hệ thống tên lửa hạt nhân của nước này sau khi giới chức quốc phòng thừa nhận có lo ngại hợp lý về mối đe dọa từ tin tặc.