Trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực, trong năm 2023, Cục đã tổ chức 32 đợt tập huấn, bổ sung nhân lực. Đến nay, đã không còn tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên cả nước.
“Tuy nhiên, số lượng các đăng kiểm viên có sai phạm đã bị khởi tố rất lớn. Nếu thời gian tới các vụ án đưa ra xét xử, trong trường hợp đăng kiểm viên bị tuyên án có tội thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Điều này có thể khiến cho 70 TTĐK của 24 địa phương phải dừng hoạt động”, ông An nói.
Trong khi đó, theo dự báo từ Cục Đăng kiểm, dịp tháng 4, 5 nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ tăng cao trở lại. Hà Nội, TP HCM và một số địa phương sẽ là những tỉnh, thành có nguy cơ tái diễn ùn tắc ở TTĐK.
Đại diện Cục Đăng kiểm khuyến cáo chủ phương tiện nên chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đi kiểm định. Việc làm này nhằm tránh đưa phương tiện đi kiểm tra nhiều lần vừa gây lãng phí thời gian cho chủ phương tiện, vừa gây ùn tắc cho các trung tâm đăng kiểm.
Ngoài ra, chủ phương tiện nên đưa xe sắp hoặc quá hạn, lựa chọn thời điểm kiểm định sớm. Việc đưa xe đi đăng kiểm có thể thực hiện ở bất kỳ đơn vị nào trong hành trình trên đường về quê, đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng.
Với các TTĐK, đại diện Cục Đăng kiểm lưu ý cần hướng dẫn chủ phương tiện đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định trực tuyến. Chủ động hướng dẫn phân luồng, ưu tiên, tạo thuận lợi cho các phương tiện đã đăng ký lịch hẹn trực tuyến. Trong trường hợp gia tăng phương tiện, đơn vị vận động cán bộ, công nhân viên tăng ca, làm thêm giờ để phục vụ người dân.
Mới đây, Cục Đăng kiểm đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép Cục và các TTĐK ký hợp đồng lao động với những đăng kiểm viên có chuyên môn nhưng đã bị kỷ luật, buộc thôi việc quay lại làm công tác chuyên môn cho tới khi tòa đưa ra xét xử.
Đồng thời, Cục Đăng kiểm đề nghị xem xét, phân hóa các hành vi vi phạm pháp luật để tạo điều kiện cho các đăng kiểm viên mắc sai phạm nhẹ có cơ hội được sửa chữa lỗi lầm, lấy công chuộc tội, tiếp tục phục vụ cho lĩnh vực đăng kiểm.