Cán bộ tư pháp phải trách nhiệm, lịch thiệp, tôn trọng dân
Bà Phượng nhiều năm liền được Bộ Tư pháp đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ (xếp hạng A); được Bộ công nhận là điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020; được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; liên tục được tặng Cờ thi đua của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh; được Chủ tịch tỉnh tặng Bằng khen về thực hiện cải cách hành chính, thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nhiều mô hình được công nhận là điển hình tiêu biểu...
Bà Phượng đã kinh qua nhiều chức vụ và có nhiều kinh nghiệm công tác nên khi được điều động về giữ cương vị Giám đốc Sở Tư pháp, được kỳ vọng sẽ phát huy được nhiều lợi thế. Gần 3 năm đảm nhiệm chức vụ, bà Phượng đã gợi ý, yêu cầu các phòng ban chuyên môn nghiên cứu và trình lãnh đạo Sở tham mưu tỉnh ban hành nhiều văn bản phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Theo bà Phượng, từ ban đầu, xác định yếu tố con người là vấn đề then chốt nên để công tác đạt hiệu quả cao, Sở đã tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức năng động, đảm bảo chất lượng, số lượng. Đặc biệt là hướng về cơ sở, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng công chức tư pháp - hộ tịch (100% công chức tư pháp - hộ tịch có trình độ đại học luật), đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Bà Phượng nhận định, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức rất quan trọng. “Cán bộ tư pháp phải phục vụ nhân dân trên tinh thần trách nhiệm, lịch thiệp và tôn trọng nhân dân; không để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và tổ chức. Đây được xem là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá công chức, viên chức hằng năm”, bà Phượng nhấn mạnh.
Bà Phượng cũng chủ trương cải tiến lề lối làm việc của cơ quan, tăng cường trách nhiệm cá nhân từng công chức trên tinh thần “giỏi một việc, biết nhiều việc”.
Năm 2020, ngành Tư pháp Đồng Tháp quyết tâm xây dựng “cán bộ tư pháp biết nhiều việc, giỏi việc đang đảm nhận”. Năm 2021, Sở chủ trương “cán bộ tư pháp đổi mới, sáng tạo, lấy kết quả làm thước đo xếp loại cán bộ, công chức cuối năm”.
Bên cạnh đó, Sở tổ chức sinh hoạt đọc tin nội bộ vào chiều thứ Sáu hàng tuần nhằm tạo điều kiện cho công chức, viên chức nắm bắt các thông tin về hoạt động của Sở, các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực công tác của mình; từ đó chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện của mỗi cá nhân. Với đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, các hoạt động của Sở đều được triển khai đều tay, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Nhiều cách làm hiệu quả
Trong công tác, bà Phượng không ngừng nghiên cứu tìm ra những phương cách xử lý hiệu quả, nhanh chóng, giảm sức người, sức của nhưng lại đạt hiệu quả cao hơn để thực hiện.
“Ví dụ như trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), phải tìm ra những giải pháp hay, hiệu quả, phải làm sao “kích thích” sự tìm hiểu của người dân để họ nhiệt tình tham gia, tìm hiểu. Xong một chương trình, một hoạt động phải đọng lại trong lòng người dân một chút kiến thức nào đó khiến người dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng; thì mình mới thành công”, bà Phượng nói. Với quan điểm đó, hoạt động PBGDPL thường mang tính thực tiễn, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Muốn pháp luật gần dân, phải đưa pháp luật đến người dân bằng mọi phương tiện mà người dân tiếp xúc hàng ngày, bà Phượng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phát huy hiệu quả tuyên truyền thông qua các kênh: Đài Phát thanh - Truyền hình, Trạm truyền thanh, Facebook, Zalo, Cổng thông tin của Sở…
Chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp được thực hiện đều đặn; mỗi năm có ít nhất 5 chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng truyền hình; 143/143 xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền trên trạm truyền thanh 2 - 3 lần/tuần, mỗi lần tuyên truyền từ 30 - 45 phút.
Ngành Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh đã kết nối qua Zalo nhóm MTTQ để chia sẻ thông tin hai chiều. Qua đó, kịp thời tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và MTTQ các cấp kịp thời; những thông tin phản hồi những hoạt động tuyên truyền tại cơ sở cũng được nhanh chóng và hiệu quả.
Tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, bà Phượng chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, PBGDPL; thường xuyên áp dụng và nhân rộng mô hình hay, sáng tạo như: “Cà phê pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”, “Tư vấn pháp luật miễn phí”…
Bà Phượng (thứ hai từ phải sang) trong một buổi lễ giao nhận con nuôi. |
Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ, bà Phượng tăng cường công tác ký kết phối hợp với các đơn vị, sở, ngành của tỉnh để nâng cao hiệu quả tư pháp. Bà Phượng đã nhìn ra tiềm năng trong công tác phối hợp, hiểu rõ được chức năng, lợi thế của ngành mình và các ngành khác, từ đó có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ. Cụ thể, liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp với Sở Y tế, Nội vụ; phối hợp ngành Công an triển khai thực hiện dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân; phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh; phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “xã hội hóa công tác PBGDPL và Trợ giúp pháp lý” với Hội Luật gia, Đoàn Luật sư; phối hợp thực hiện công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp công dân với Ban Tiếp công dân, Thanh tra, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư…
Một điểm nhấn ấn tượng khác là công tác hòa giải ở cơ sở. Năm 2020, mô hình “Câu lạc bộ hòa giải” của Sở Tư pháp được công nhận là điển hình tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2020; mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động chuyên môn của ngành, góp phần nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỷ lệ hòa giải thành của các địa phương có câu lạc bộ hòa giải đều đạt trên 90%. Qua đó, phát huy vai trò đắc lực trong việc nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, giúp hòa giải viên có thể tiếp cận, cập nhật những kiến thức pháp luật mới. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm để vận dụng vào công tác hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, đưa tỷ lệ hòa giải thành đạt chỉ tiêu đề ra.