Với việc vi phạm để EVN Telecom kinh doanh thua lỗ gây hậu quả nghiêm trọng, ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch EVN đã bị Thủ tướng ký quyết định kỷ luật mức cảnh cáo, và khiển trách đối với ông Phạm Lê Thanh - TGĐ Tập đoàn.
Ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký 2 quyết định kỷ luật đối với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Điện lực EVN do có vi phạm trong việc để Công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) kinh doanh thua lỗ gây hiệu quả nghiêm trọng.
Trong khi ông Phạm Lê Thanh, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn chịu hình thức kỷ luật khiển trách thì nguyên Chủ tịch Đào Văn Hưng cũng bị kỷ luật cảnh cáo.
Quyết định này được ban hành dựa trên quy định tại Nghị định 66 năm 2011 của Chính phủ về áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH MTV do Nhà nước làm Chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước.
EVN đã đổ trên 2.400 tỷ đồng vào EVN Telecom song tổng lợi nhuận thu về trong 2 năm 2008-2009 chỉ hơn 100 tỷ và lỗ hơn 1.000 tỷ năm 2010.
Ông Thanh từng gây "sốc" với phát ngôn tranh cãi: "Tôi rất đau lòng khi lương nhân viên chỉ 7,3 triệu đồng/tháng" |
Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, những sai phạm ở EVN đã và đang được xử lý quyết liệt và triệt để.
Bộ Công thương, Bộ Nội vụ đã có văn bản trình lên Chính phủ về vấn đề kỷ luật này trong ngày 5 và 6/12. Đến 7/12, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tổ chức họp bàn xử lý kỷ luật đối với ông Hưng và các Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn EVN.
Nếu sự kiện ông Đào Văn Hưng bị miễn nhiệm Chủ tịch tại EVN vì "công tác điều hành yếu kém" là một trong những "điểm nóng" của bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2012 , thu hút đông đảo mối quan tâm dư luận, thì hồi 2011, ông Thanh từng gây "sốc" với phát ngôn tranh cãi: "Tôi rất đau lòng khi lương nhân viên chỉ 7,3 triệu đồng/tháng", cho rằng, mức này không thể đủ sống ở thành thị.
Ông Thanh cũng là người chỉ ra "nghịch lý ngành điện": lỗ của EVN thực chất xuất phát từ việc phải bù cho tầng lớp người giàu, trung lưu. Nếu mỗi gia đình dùng 1 triệu đồng tiền điện 1 tháng thì EVN đã phải bù lỗ 300.000 đồng.
Về phía nguyên Chủ tịch Đào Văn Hưng, ông bị Thủ tướng ký quyết định thôi chức hồi đầu tháng 2 năm nay sau hơn 4 năm ngồi trên "ghế" lãnh đạo cao nhất tại Tập đoàn này.
Dưới thời ông Hưng, EVN đã đầu tư trên 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính (chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu). Riêng tại EVN Telecom, Tập đoàn đầu tư 100% vốn với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng.
Trong vòng 3 năm, kết quả kinh doanh của công ty lao dốc nhanh chóng. Nếu lợi nhuận gặt hái hồi 2008 là 93,8 tỷ đồng thì đến 2009, khoản lãi này đã giảm còn vỏn vẹn 8,3 tỷ. Sang 2010, EVN Telecom chuyển sang trạng thái lỗ 1.050 tỷ đồng và đến 2011, Thủ tướng quyết định chuyển giao toàn bộ EVN Telecom cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Xét chung toàn Tập đoàn, năm 2010, EVN lỗ trên 8.400 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm 14,8%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm 2,78%. Riêng khâu sản xuất kinh doanh điện lỗ trên 10.500 tỷ đông.
Kết quả mới công bố mới đây cho thấy, số lỗ trong kinh doanh điện 2011 của Tập đoàn đã giảm còn 5.300 tỷ đồng, trừ đi các khoản doanh thu bù đắp, mức lỗ còn 3.181 tỷ đồng. EVN ước tính, năm 2012, Tập đoàn bắt đầu có lãi, sau khi bù đắp lỗ những năm trước để lại khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng, lãi kế hoạch ước còn trên 100 tỷ đồng.
Tân Chủ tịch Tập đoàn không ai xa lạ chính là nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, người trực tiếp chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực và tham gia cùng Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước đối với EVN.
Tại thời điểm nhậm chức, ông Vượng hứa hẹn, một trong những mục tiêu then chốt là sẽ làm lành mạnh hóa tài chính Tập đoàn, xây dựng hình ảnh "tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, trách nhiệm và thân thiện".
Theo Dân Trí