Máy bay, xe tăng hỏng
Tổng công trình sư máy bay chiến đấu Liên Xô, Trung tướng dự bị Aleksandr Sergeyevich Yakovlev và Nguyên soái bộ đội xe tăng Liên Xô Yakov Nikolayevich Fedorenko cũng có những kỷ niệm riêng với I. V. Stalin trong một trường hợp rất đặc biệt.
Trước khi diễn ra chiến dịch “Vòng cung Kursk” nổi tiếng, một tin tức đáng lo ngại được báo về Đại bản doanh: Các máy bay Yak-7 và Yak-9, hai loại máy bay tiêm kích mới nhất của Không quân Liên Xô mới được trang bị đầu năm 1943 đã hỏng lớp vỏ bọc cánh.
Còn xe tăng T-34 thì liên tục hỏng hộp số và hệ thống truyền lực. A. S. Yakovlev (tổng công trình sư hãng Yak) và Ya. N. Fedorenko (Tư lệnh binh chủng tăng thiết giáp) đều được triệu tập gấp đến Đại bản doanh.
Cả hai người đinh ninh rằng mình sẽ bị trừng phạt nặng nề, nhưng không phải. Sau khi mời họ uống nước chè, I. V. Stalin mời đại diện lãnh đạo Cơ quan thử nghiệm quốc gia về hàng không vào báo cáo. Bản báo cáo cho thấy thiết kế các máy bay Yak-7 và Yak-9 không có sai sót nào, thậm chí là còn tốt hơn so với đơn đặt hàng, quá trình chế tạo cũng không có vấn đề gì sai sót.
Chỉ có một điều duy nhất là cánh máy bay rất chóng hỏng do các lớp sơn phủ lên lớp vải hàng không bị bong tróc rất nhạnh, làm cho cánh máy bay bị gió xé rách khi bay. Kết quả kiểm tra cho thấy các nhà máy sản xuất sơn ở Ural đã gửi nhầm đến các nhà máy chế tạo máy bay loại sơn dùng để sơn vật liệu bằng sắt và gỗ có tính đàn hồi kém thay vì loại sơn dành riêng cho vải bạt hàng không. (Cánh máy bay thời đó làm bằng khung gỗ, nhôm được bọc bạt chuyên dụng của hàng không).
Nghe báo cáo xong, I. V. Stalin nói với A. S. Yakovlev: “- Đồng chí có thấy đau xót không khi “đứa con” kỹ thuật và công nghệ của đồng chí bị người ta đối xử như vậy đấy. Người ta đánh hỏng máy bay của đồng chí ngay trước mũi đồng chí mà đồng chí không hề biết”. Nói xong, I. V. Stalin gọi thư ký riêng là Poskriobysev vào và ra lệnh kỷ luật lãnh đạo mấy nhà máy sản xuất sơn.
Ông bực dọc nói với A. S. Yakovlev: “- Đến bọn phát xít cũng không nghĩ ra cách đánh bại chúng ta dễ dàng hơn thế. Tôi không trách anh nhưng anh cần nghĩ cách khắc phục nhanh nhất có thể.” Quay sang Ya.N. Fedorenko, I. V. Stalin nghiêm giọng nói: “- Tôi không gọi tổng công trình sư xe tăng mà gọi anh vì quân của anh làm ăn quá ẩu. Xe tăng nào cũng có giới hạn công suất và sức bền của nó. Xe tăng của ta tốt thật đấy nhưng quân của anh đã vắt kiệt sức nó. Bạ cái gì cũng đem xe tăng để chở, để kéo.
Lại còn mấy ông tướng chẳng biết mô tê gì về kỹ thuật nhưng lại thích cải tiến, thêm cái nọ cái kia. Kết quả là xe bị quá tải, động cơ và hệ thống truyền lực làm việc căng, chóng rão, mau hỏng. Từ nay, tôi nghiêm cấm các anh tự tiện cải tiến vũ khí mà không tham vấn ý kiến của các tổng công trình sư, các nhà khoa học và các nhà chế tạo”.
Mọi việc sau đó được giải quyết nhanh chóng. A. S. Yakovlesm đã lập hàng trăm tổ công tác đến các trung đoàn không quân để sửa chữa cánh cho các máy bay Yak. Về xe tăng, Ya. N. Fedorenko cũng lập các đội kỹ thuật lấy từ các nhà máy chế tạo xe tăng, đem phụ tùng mới đến thay thế cho những chiếc T-34 bị hỏng. Và, Quân đội Liên Xô đã thu được thắng lợi vô cùng lớn trong chiến dịch “Vòng cung Kursk”, đánh dấu mốc khởi đầu quá trình sụp đổ và diệt vong không thể tránh khỏi của chế độ Đức Quốc xã.
Khi I. V. Stalin bật diêm châm tẩu thuốc lá và rít mạnh khói thuốc là lúc ông đang rất vui vẻ. |
Không nương tay với xu nịnh, trọng kẻ biết hối lỗi
Trong buổi tiếp nhà báo Anh Edward Radin vào năm 1952, 1 năm trước khi mất, I. V. Stalin nói: “Những lời ca tụng Stalin, nghe thì chối tai, nói ra lại càng bất tiện”. Trên thực tế, đó không phải là lời nói xuông.
Mùa thu 1941, khi Hồng quân Liên Xô vừa chống đỡ vất vả với nhiều hy sinh, vừa lùi về phía Đông, Moskva đang bị uy hiếp thì Tổng tham mưu trưởng khi đó là G. K. Zhukov đề nghị mở một cuộc phản công tại “lõm” Elnia, một thị trấn nhỏ nằm ở phía Tây thành phố Spat Demiansk, phía Tây Nam Dorogobuzh, cách Moskva chỉ hơn 100 km về phía Tây Nam. G. K. Zhukov cho rằng đây là một bàn đạp nguy hiểm của quân Đức.
Đúng vào lúc Zhukov báo cáo ý đồ tác chiến, I. V. Stalin đang làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ nhiệm chính trị Quân đội Liên Xô, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chính ủy tập đoàn quân bậc nhất (quân hàm trước năm 1943) Lev Zakharovich Mekhlis, người hết sức bợ đỡ I. V. Stalin. L. Z. Mekhlis đã quy chụp G. K. Zhukov là thoái chí, là có tư tưởng đầu hàng. Kết quả, G. K. Zhukov được chuyển đến giữ chức vụ Tư lệnh phương diện quân Leningrad theo nguyện vọng của ông, một nơi cũng rất nóng bỏng; L. Z. Mekhlis được bổ sung vào thành phần Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Liên Xô.
Tuy nhiên, chiến tranh không phải trò đùa. Ngày 20/1/1942, Mekhlis được cử làm Đại diện Đại bản doanh tại Phương diện quân Krym vào lúc lực lượng này đang tham gia chiến dịch bán đảo Kerch nhằm giải vây cho lực lượng Liên Xô đang bảo vệ Sevastopol.
Tai vạ bắt đầu giáng lên đầu Phương diện quân Krym khi sự lộng quyền, kém khả năng của Mekhlis càng ngày càng bộc lộ. Phương pháp chỉ huy của ông này đã được đánh giá tại Hội nghị quân sự cấp cao tháng 5/1942 của Đại bản doanh Liên Xô là quan liêu, giấy tờ, hình thức chủ nghĩa, kiêu ngạo và bất tuân thượng lệnh.
Khi đánh giá Tư lệnh phương diện quân D. T. Kozlov thì Mekhlis không tiếc lời chê bai ông này là con người "tẻ nhạt", "lười thâm nhập thực tế", "không quan tâm đến hoạt động quân sự", "thường truy vấn quân nhân để trừng phạt", "tự cho mình có thẩm quyền quyết định mọi chuyện" và hơn nữa là "một kẻ nói dối nguy hiểm" và yêu cầu Stalin thay người khác làm tư lệnh. Những động thái đó của Mekhlis đã có tác hại to lớn đến việc chỉ huy quân đội khi hai lãnh đạo đứng đầu Phương diện quân Krym tập trung để “đánh nhau” nhiều hơn là đánh địch.
Bộ Tham mưu của Phương diện quân nhiều lần “điên đầu” không biết Kozlov hay là Mekhlis là chỉ huy của Phương diện quân, và những cuộc tranh cãi vô bổ giữa hai người đứng đầu của đơn vị đã để mất vô số thời gian quý báu. Đồng thời, những cuộc "trừng phạt" các tướng lĩnh "không nghe lời" và việc lộng quyền, tự ý ra lệnh theo ý mình của Mekhlis đã gây nên những thất bại không đáng có cho Phương diện quân Krym.
Từ khởi đầu đầy hứa hẹn, chiến dịch Kerch trở thành một thảm họa trong đó Phương diện quân Krym mất đến 15 vạn binh sĩ thương vong cùng 1.600 pháo cối, 217 xe tăng. Để chối tội, trong một bức điện dài dòng gửi I. V. Stalin, Mekhlis đã có ý đổ mọi tội lỗi cho tư lệnh Phương diện quân D. T. Kozlov và các tư lệnh Tập đoàn quân; yêu cầu thay thế tư lệnh Phương diện quân Krym D. T, Kozlov.
Tuy nhiên, mọi thủ đoạn của L. Z. Mekhlis đều không qua được mắt I. V. Stalin.. Một bức điện do đích thân Tổng tư lệnh tối cao ký đã được gửi đến Phương diện quân Krym cho L. Z. Mekhlis: “Đồng chí đang giữ một thái độ kỳ quặc của một quan sát viên ngoài cuộc, không nhận ra một trách nhiệm nào về những việc xảy ra ở phương diện quân Krym. Thái độ ấy rất tiện lợi, nhưng hết sức thối nát.
Tại mặt trận Krym, đồng chí không phải là thanh tra nhà nước mà là đại diện có trọng trách của Đại bản doanh, phải chịu trách nhiệm về mọi thắng lợi cũng như thất bại của phương diện quân.. Nếu như toàn bộ tình hình đã chứng tỏ rằng quân địch sẽ tấn công từ sáng mà đồng chí đã không áp dụng các biện pháp tổ chức chống trả rồi lại ngồi thụ động phê phán thì lại càng tồi tệ hơn.
Nếu đồng chí không dùng máy bay cường kích vào những việc thứ yếu mà dùng chúng để chặn đánh xe tăng địch thì quân Đức đã không thể nào chọc thủng được phòng ngự của ta.”
Mekhlis bị cách chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cách chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Hồng quân Liên Xô, bị giáng ba cấp quân hàm xuống Chính ủy quân đoàn bậc 2 (tương đương thiếu tướng) và không bao giờ được cử làm đại diện Đại bản doanh tại các mặt trận.
Khi được gọi về Moskva để "nhận thông báo quyết định truy tố trước tòa án quân sự", Mekhlis được mô tả là đã quỳ xuống dưới chân Stalin và kêu lên: “- Đồng chí Stalin! Xin đồng chí hãy nói với họ rằng kẻ Do Thái ngu ngốc này rất ăn năn hối hận".
I. V. Stalin trầm ngâm một lúc rồi trả lời: "- Được, chỉ cần anh biết tự vấn mình như vậy và không mắc lại sai phạm là ổn". L. Z. Mekhlis thoát chết…Trung tướng G. F. Samoilovich, khi đó là Đại tá, trợ lý về bản đồ quân sự các mặt trận của Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô đã chứng kiến và kể lại "cuộc rửa tội" vô tiền khoáng hậu này…/.
(Còn tiếp)