Gương sáng Pháp luật

Nguyên Vụ trưởng vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoàng Phước Hiệp: Tự hào được làm “luật sư công của Chính phủ”

(PLVN) - Những vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam, theo ông Hiệp, không thể mời luật sư tư được, bởi còn liên quan đến bí mật nhà nước. Thông lệ quốc tế gọi những người tham gia giải quyết tranh chấp kiểu này là luật sư công và ông Hiệp rất tự hào khi gánh trên vai nhiệm vụ của một “luật sư công”.
Ông Hoàng Phước Hiệp là một trong những người tham gia phái đoàn Việt Nam tham dự các cuộc đàm phán đa phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. (Trong ảnh: Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển trao đổi văn kiện Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam)
Ông Hoàng Phước Hiệp là một trong những người tham gia phái đoàn Việt Nam tham dự các cuộc đàm phán đa phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. (Trong ảnh: Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển trao đổi văn kiện Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam)

Có những cơ hội học hành, đào tạo bài bản trong và ngoài nước, ông Hiệp còn cảm thấy may mắn khi vận dụng những kiến thức được học vào thực tế, giành được các kết quả đáng ghi nhận. Ông Hoàng Phước Hiệp nguyên là Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, người góp phần nhỏ bé vào chiến thắng của không ít các tranh chấp quốc tế, một trong những thành viên đầu tiên của đoàn đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.

Tham gia nhiều sự kiện pháp lý tầm cỡ

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Hoàng Phước Hiệp (SN 1953) nhiều lần dùng từ “may mắn” khi kể lại quá trình học tập và làm việc của mình trước khi nghỉ hưu năm 2013. Ông là 1 trong 10 lưu học sinh Việt Nam được cử đi học khóa đầu tiên chuyên ngành Luật Quốc tế tại Liên Xô. Sau khóa đào tạo kéo dài sáu năm, năm 1977, ông là một trong những người tốt nghiệp loại giỏi. Về nước, Bộ Đại học (ĐH) khi ấy giữ lại ông làm giảng viên ĐH Tổng hợp Hà Nội, giảng dạy tại Khoa Pháp lý.

Khi Khoa Pháp lý tách ra thành ĐH Pháp lý (nay là ĐH Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp), ông làm Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, trợ giúp cho cụ Lưu Văn Đạt làm Chủ nhiệm Khoa. Đến năm 1987, ông tiếp tục được cử đi học ở Liên Xô, hai năm sau quay về được Bộ Tư pháp bổ nhiệm làm Trưởng phòng Pháp luật quốc tế & Hợp tác quốc tế.

Phòng được phát triển nâng cấp lên thành Vụ rồi tách ra làm hai Vụ Pháp luật quốc tế và Vụ Hợp tác quốc tế. Ông chính thức gắn bó với Vụ Pháp luật quốc tế từ thời điểm chia tách đó.

Ông Hoàng Phước Hiệp nguyên là Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.

Ông Hoàng Phước Hiệp nguyên là Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.

Trong thời gian này, nhiều nước viện trợ Việt Nam nhiều chương trình đào tạo đặc biệt dành cho cán bộ chủ chốt và ông may mắn được đi “đây đó” từ Hawaii (Mỹ), Nhật Bản, Pháp, Đức đến Học viện Luật Quốc tế phát triển ở Rome và WTO...

“Nhờ thế, tôi tiếp nhận nhiều nguồn thông tin khác nhau từ các nước XHCN đến các nước tư bản và quá trình xử lý công việc cũng được nhanh nhạy, thuận tiện hơn, khiến đối tác cảm thấy thoải mái, kết quả giải quyết công việc thường gặt hái được rất tích cực”, ông kể. Ông chính là người góp công “giải tỏa” quan hệ Việt Nam và Australia về vấn đề nhân quyền hay góp công trong vụ Việt Nam thắng kiện T.V.B giai đoạn 1, vụ Cty South Fork tại Bình Thuận (đòi Việt Nam bồi thường gần 4 tỷ USD), vụ nhà đầu tư Pháp DialAsie ở TP HCM...

Ông Hiệp nhớ lại một sự việc căng thẳng, khi với tư cách thành viên Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc (LHQ), Australia cử Đoàn Thượng Nghị viện về vấn đề nhân quyền sang Việt Nam trước câu chuyện “nóng” ở Tây Nguyên. Tại buổi làm việc, ông Hiệp vận dụng kiến thức được học tại Trường Luật Sydney, khẳng định Việt Nam đã giải quyết vấn đề theo kinh nghiệm của Australia mà quan trọng nhất là Tòa án Tối cao Australia đã áp dụng nguyên tắc “nguyên trạng” khi giải quyết vấn đề thổ dân Australia, Anh phát hiện ra cách đây khoảng 300 năm. Đoàn Thượng Nghị sỹ nghe đến nguyên tắc “nguyên trạng” liền thay đổi thái độ, càng thân thiện hơn khi được biết ông Hiệp học cùng Trường Luật Sydney… và sau đó đã có báo cáo chính xác về sự việc.

Với các vụ kiện nước ngoài, trong mỗi vụ kiện, Việt Nam thường cố gắng thuyết phục Hội đồng trọng tài sử dụng quy tắc tố tụng mềm dẻo để thuận lợi nhất cho phía Việt Nam. Nhờ có nỗ lực rất lớn mà ngay từ những vụ kiện ban đầu Việt Nam cũng đã có được các kết quả tích cực.

Chỉn chu từ những tình tiết nhỏ

Những vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam, theo ông Hiệp, không thể mời luật sư tư (tiếng Anh: lawyer) được, bởi còn liên quan đến bí mật nhà nước. Thông lệ quốc tế gọi những người tham gia giải quyết tranh chấp kiểu này là luật sư công (tiếng Anh: attorney) và ông Hiệp rất tự hào khi gánh trên vai nhiệm vụ của một “luật sư công”.

“Tuy nhiên, do Việt Nam không có khái niệm “luật sư công” nên Vụ Pháp luật quốc tế, tổ chức pháp chế các bộ, ngành ra đời để giao chức năng này cho đội ngũ cán bộ pháp lý, dù chưa đúng nghĩa “luật sư công” tranh tụng”, ông kể.

Ông Hiệp còn vinh dự tham gia nhiều phiên họp bảo vệ nhân quyền cho Việt Nam và có khi bảo vệ thành công chỉ từ những chi tiết tưởng là nhỏ. Ông Hiệp nhớ lại, năm 1992, ông tháp tùng bà Trần Thị Thanh Thanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em, bảo vệ lần đầu Báo cáo tình hình thực hiện Công ước LHQ về quyền trẻ em của Việt Nam sau hai năm gia nhập Công ước tại trụ sở LHQ.

Tình cờ gặp đoàn Liên bang Nga, được ông thầy “rỉ tai” về việc Đại sứ Việt Nam nên tổ chức tiệc cocktail chiêu đãi nhân dịp có Bộ trưởng để chúc mừng và mời mọi người tham dự. “Việc tổ chức tiệc cũng là một thông lệ hết sức bình thường của quốc tế, tuy nhỏ nhưng nhờ vậy mà đã góp phần bảo vệ thành công Báo cáo này”, ông nói.

Quá trình tham gia đoàn đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO cũng đem lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp “luật sư công” của nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế. Ông Hiệp cho biết, sau khi gia nhập, đoàn đàm phán quyết định làm kỷ yếu và dành cho mỗi thành viên 1 trang. Ông Hiệp đã mở đầu trang viết của mình bằng câu “Mỳ tôm khôn thật”, mọi người đọc xong bật cười nhưng đều phải gật gù công nhận câu này rất chính xác.

Ông Hiệp giải thích, những năm 1997 - 1998 bắt đầu tổ chức đoàn đàm phán mà ông là một trong những thành viên đầu tiên tham gia đoàn, chúng ta chưa đề ra bất kỳ quy tắc nào. Điều kiện kinh tế không cho phép nên mỗi lần đi đàm phán, ông luôn mang theo ít nhất 10 gói mỳ để thuận tiện cho bữa sáng, “chứ không đàm phán đến trưa sẽ không có gì vào bụng”. Câu nói cha ông “có thực mới vực được đạo” sau trở thành quy tắc “ít nhất 10 gói mỳ” của đoàn đàm phán và dần dần, việc tổ chức các đoàn đàm phán ngày một tốt hơn, các thành viên trong đoàn ngày càng được quan tâm hơn.

Nhưng trên hết, mỗi lần đàm phán, ông lại vỡ lẽ, “sáng” thêm ra nhiều điều - những điều vốn không có trong sách vở. Chẳng hạn như, ông đã học được từ WTO là phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết hay khi đàm phán với Hoa Kỳ về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, ông cùng nhiều thành viên khác phải gật gù công nhận người Mỹ hiểu Việt Nam; rồi đàm phán với Vương quốc Anh mới hay pháp luật dân sự Anh không quy định về hôn nhân và gia đình mà lĩnh vực hôn nhân – gia đình có luật riêng từ đó có ra Tòa gia đình... “Những điều lý thú ấy, không sách vở, báo chí nào đề cập đâu”, ông chia sẻ.

Nay dù đã ở tuổi hưu trí nhưng ông Hiệp vẫn nhiệt tình tham gia công tác tư vấn, giảng dạy, biên soạn tài liệu và luôn sẵn sàng đóng góp các ý kiến phản biện sâu sắc cho ngành Tư pháp. Điều khiến ông trăn trở là lực lượng cán bộ tham mưu, tư vấn hiện cần tinh thông hơn nữa để có thể tư vấn xác đáng cho các lãnh đạo. Đồng thời, theo ông, yêu cầu đổi mới tư duy kinh tế từ thời cụ Võ Văn Kiệt cần được triển khai quyết liệt hơn; đổi mới tư duy kinh tế là yếu tố cực kỳ quan trọng để thực sự bứt phá đi lên.

Sau 11 năm ròng rã qua 15 vòng đàm phán, ngày 7/11/2006, lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO chính thức diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ). Lễ ký Nghị định thư gia nhập diễn ra trang trọng giữa Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Trưởng đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam... Cũng như các thành viên trong Đoàn đàm phán, ông Hoàng Phước Hiệp vô cùng xúc động với sự kiện quan trọng này.

Đọc thêm