Vụ thứ nhất xảy ra tại Hải Phòng, người dân bị đe dọa đưa vụ việc xây dựng trái phép lên báo nếu không đưa tiền. Theo Công an, hành vi tống tiền này không phải lần đầu mà đã diễn ra trong một thời gian dài của đại diện tờ báo tại Hải Phòng đối với các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm trật tự quản lý xã hội. Vì thế, Công an mật phục và bắt quả tang, 3 đối tượng tình nghi đã bị tạm giữ hình sự, trong đó có cả Trưởng ban đại diện của tờ báo tại Hải Phòng.
Vụ thứ 2 tại TP HCM, đầy đủ dấu hiệu của một vụ lừa đảo chạy án. Qua môi giới, người dân tìm đến Văn phòng đại diện của một cơ quan báo chí đóng tại quận Phú Nhuận nhờ “chạy” tại ngoại cho một bị can mắc tội gây thương tích. Ra giá với “lệ phí” 100 triệu đồng, thu ngay tại nơi làm việc.
Tuy nhiên (và tất nhiên) là không thể thực hiện như lời hứa hẹn, bị can này không được tại ngoại, ra tòa nhận án tù. Người nhà tiếp tục nhờ vả “giúp đỡ” để được án treo, lần này cái giá là 500 triệu đồng. Họ tố giác với Công an và được hướng dẫn yêu cầu viết biên nhận đã nhận 100 triệu trước đó và hẹn gặp để giao 500 triệu. Công an đã bắt quả tang, cái người được cho là lãnh đạo của Văn phòng đại diện đó không tự nhận chức vụ và nơi làm việc của mình và đưa ra một địa chỉ khác tại nơi mình bị tạm giữ hình sự.
Qua 2 vụ việc trên, thấy rõ hành vi tống tiền hay lừa đảo diễn ra khá công khai, không hề sợ pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp không cho phép, cho dù bản thân nắm rất rõ quy định pháp luật cũng như quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Vụ ở Hải Phòng cho thấy hành vi sai trái có hệ thống, có chủ trương, được điều hành bằng “mệnh lệnh hành chính”, điều này quả là trắng trợn và là vết nhơ khó gột của làng báo. Vụ tại TP HCM thì thực sự bị đồng tiền làm cho mờ mắt, lợi dụng danh nghĩa mình làm báo để lừa đảo kiếm tiền.
Các vụ nhà báo tống tiền doanh nghiệp, cá nhân không phải là ít, có nhiều nhà báo đã phải lâm vòng tố tụng, trả giá đắt cả danh dự, nghề nghiệp cho hành vi sai trái này. Chính vì thế mới có hiện tượng các đối tượng giả danh nhà báo để lừa đảo, không ai có thể làm hoen ố nghề báo nếu người trong nghề không làm nên sự hoen ố trước.
Có một kiểu tống tiền khác trong hoạt động báo chí, diễn ra âm thầm hơn là khi biết rõ một hành vi phạm luật của cá nhân, doanh nghiệp nào đó thì báo cho họ biết mà liệu cách đối xử. Đăng báo cũng phải chi tiền và không đăng thì càng phải chi nhiều hơn, vụ “nước mắm nhiễm thạch tín” là một minh chứng điển hình bị phanh phui.
Nếu nhà báo không trung thực thì dư luận xã hội dựa vào đâu để cất lên tiếng nói bảo vệ lẽ phải, tôn trọng sự thật? Những việc làm mờ ám, hại dân, vi phạm pháp luật, đạo lý sẽ được mua bằng tiền để đổi lấy sự im lặng. Hành vi đó thật sự là mối nguy hiểm của xã hội, sự thật và lẽ công bằng. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi đã có một thực tế sờ sờ là nhà báo chủ động tống tiền và rắp tâm lừa đảo!