Theo đó, các NĐT này cho rằng, 84 dự án NLTT với tổng công suất là 4.871,62MW (trong đó gồm có 4.184,8MW điện gió và 491,82MWac điện mặt trời) không kịp vận hành thương mại để hưởng giá FIT so với kế hoạch là do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến nhóm 34 dự án với tổng công suất 2.090MW đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động (theo thông tin cập nhất tới tháng 3/2023) nhưng đến giờ tất cả đều bỏ không, lãng phí vì phải “nằm chờ” cơ chế giá phát điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy nhiên, sau khi Bộ Công Thương ban hành các chính sách liên quan đến các dự án này thì các NĐT đã vô cùng lo lắng vì cho rằng các chính sách này có “các điểm bất cập”. Các NĐT này cũng cho rằng, cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, các NĐT cho rằng, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85 ngàn tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58 ngàn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.
Các NĐT gửi đơn kiến nghị cho rằng, việc ban hành Quyết định 21 về khung giá phát điện cho các dự án điện NLTT chuyển tiếp cần phải lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng hơn nữa. Việc giao cho Công ty mua bán điện làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, theo các NĐT, giá phát điện đề xuất của EVN không bảo đảm được nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12% cho nhà đầu tư như đã được quy định.
Các NĐT cũng cho biết, Bộ Công Thương cũng đã ban hành thông tư đã bãi bỏ 3 nội dung quan trọng, bao gồm bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD và bãi bỏ điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận.
“Như vậy, cùng với một khung giá điện bất hợp lý của Quyết định 21, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích theo thông tư mới nhất của Bộ Công Thương sẽ làm thay đổi mô hình tài chính, làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro của dự án, khiến NĐT đứng trước nguy cơ thất bại về tài chính, phá sản và làm các NĐT tiềm năng không dám mạo hiểm đầu tư phát triển NLTT” - đơn kiến nghị viết.
Do đó, các NĐT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu tính toán lại khung giá điện tại Quyết định 21 để đảm bảo tính khách quan và minh bạch. Ngoài ra, cần khôi phục lại 3 chính sách khuyến khích cho NLTT mà Bộ Công Thương đã ra thông tư bãi bỏ.
Các NĐT cũng kiến nghị, trong thời gian chờ đợi chính sách mới, NĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan cho phép các dự án chuyển tiếp đã hoàn tất đầu tư xây dựng được đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng phát điện lên lưới và sẽ được thanh toán cho sản lượng điện này sau khi quá trình đàm phán giá điện theo khung giá mới đã hoàn tất.
Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương có Quyết định 21/QĐ-BCT về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp - dành cho các dự án NLTT “trượt” FIT (tức là các dự án không kịp về đích phát điện để hưởng cơ chế giá ưu đãi khuyến khích phát triển NLTT). Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Theo Quyết định này, giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh. Khung giá này sẽ là cơ sở để EVN và các đơn vị phát điện mặt trời, điện gió thoả thuận giá phát điện theo quy định.