“Nhà di sản” đất cố đô thành khu tập thể hình

(PLO) - Được thiết kế theo kiểu nhà rường Việt pha lẫn kiến trúc Pháp, “nhà di sản” hơn 100 năm tuổi ở số 117 đường Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được UBND phường Thuận Lộc cho một tư nhân thuê lại để làm khu tập thể hình. Hiện phần sân vườn rộng hàng trăm mét vuông đang được tháo dỡ để xây dựng khu tập thể hình.
Phía sau của “Nhà di sản”

Đây là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, có giá trị văn hóa đặc biệt khi phối hợp hài hòa giữa kiến trúc nhà rường Việt Nam và kiến trúc Pháp. Chủ nhân của ngôi nhà trước đây là Thượng thư Bộ Kinh tế cuối triều Nguyễn Trương Như Đính (1892-1970). Nhưng đến năm 1988, ngôi nhà này được ba người con gái của cụ Đính đứng ra bán lại cho UBND phường Thuận Lộc (TP Huế) và trở thành nhà công sản, nơi làm việc của các cơ quan mặt trận, đoàn thể phường.

Vào năm 2000, “nhà di sản” đã được các chuyên gia nằm trong chương trình văn hóa giao lưu Việt - Pháp để đặt làm nơi nghiên cứu văn hóa. Từ đó, ngôi nhà trở thành địa chỉ văn hóa của Huế, là điểm đến tham quan của nhiều du khách và công trình tiêu biểu thể hiện sự nỗ lực trong việc trùng tu, phục hồi những ngôi nhà cổ tại Huế.

Tuy nhiên, thời gian gần đây,“nhà di sản” đang được một đơn vị tư nhân thuê xây dựng khu tập thể hình. Sự việc khiến dư luận, các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa tỏ ra bất bình. Hiện, khuôn viên sân vườn đã bị tháo dỡ toàn bộ, thay vào đó một khối nhà được xây dựng kiên cố bằng sắt 2 tầng, rộng hơn 300m2, án ngữ toàn bộ căn nhà độc đáo này. Hệ thống sân vườn bao gồm cổng, hàng rào bằng chè tàu, hòn non bộ… cũng gần như bị phá vỡ hoàn toàn.

Sân vườn “nhà di sản” được xây dựng quy mô để làm khu tập thể hình

Bà Phan Thị Cúc - Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho rằng, ngôi nhà kể trên là tài sản của phường nên hiện phường đang cho một tư nhân thuê làm trung tâm thể dục thể thao theo hình thức xã hội hóa. Ngôi nhà chỉ cho thuê phần sân còn phần ngôi nhà cổ thì hoàn toàn giữ nguyên. Nói về trước căn nhà, có treo tấm bảng “Nhà di sản”, bà Cúc cho hay, trước đây bên Trung tâm hợp tác quốc tế họ gắn vào để thu hút các nơi về tham quan mô hình của họ làm bảo tồn các nhà rường của Huế, vì thế đã gây ra hiểu nhầm.

Trước những thông tin nhiều chiều về “nhà di sản” được cho thuê làm nơi tập thể hình, ông Nguyễn Xuân Hoa - Nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, trước đây ngôi nhà là của một Thượng thư Bộ Lại rất nổi tiếng nhưng sau đó do con cháu ông đã bán lại. Nhà này nó bình thường như mọi nhà khác, chỉ có đặc điểm là nhà rường cổ liên quan đến viên quan triều Nguyễn. Khi đó, TP Huế có quan hệ với một số vùng của nước Pháp, họ đến đây và muốn tập trung tu bổ một số nhà cổ ở Huế. Sau đó, Thượng viện Pháp đã vận động tài trợ hơn 40.000 Euro để tu sửa ngôi nhà này cùng với một nhà cổ ở Phố cổ Bao Vinh. 

Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, việc cho thuê lại nhà di sản để làm khu tập thể hình đã cho thấy sự bất nhất trong việc quản lý nhà di sản, văn hóa ở Huế khi mà chính quyền bỏ tiền tỷ ra để tu sửa những ngôi nhà rường, nhà cổ khác, trong lúc ngôi nhà này đã được tu sửa thì lại bỏ bê. “Nhà di sản, phần quan trọng tạo nên giá trị là cả cái sân nếu như bị che khuất thì ngôi nhà cũng mất giá trị - ông Hoa cho hay.

Đọc thêm