Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát tốc độ tin nhắn và nội dung tin nhắn nhằm phát hiện tin nhắn rác.
Ảnh minh họa |
Nhà mạng phải quản chặt thông tin thuê bao
Trong thông báo số 03/TB-BTTTT được phát hành cách đây vài ngày, bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý như Cục Viễn thông, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam, Thanh tra ... , Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đặc biệt chú trọng tới vai trò của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.
Cụ thể, Bộ TTTT yêu cầu các nhà mạng phải tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn (CSP), xử lý theo hợp đồng hoặc theo quy định nội bộ của doanh nghiệp. Thậm chí, cần chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với các CSP phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn wappush... Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát tốc độ tin nhắn và nội dung tin nhắn nhằm phát hiện tin nhắn rác.
Nhà mạng cũng cần chủ động phối hợp với CSP không tính cước và hoàn trả lại cho người sử dụng đối với các tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, do nhầm lẫn, tin nhắn do người sử dụng bị lừa đảo để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ, không để cán bộ, nhân viên lợi dụng sơ hở để sao chép cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động bán ra ngoài nhằm phục vụ cho mục đích phát tán tin nhắn rác hoặc các mục đích vi phạm pháp luật khác.
Chưa thể “thở phào”
Theo thông tin từ Bộ TTTT, hiện có khoảng 400 công ty CSP trên mạng di động và cung cấp các nội dung như nhạc chuông, hình ảnh, hình nền, trò chơi, kết quả xổ số... 400 CSP này trực tiếp hoặc ký kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh khác (CP) để cùng cung cấp dịch vụ.
Qua thanh tra, các CSP, CP đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ.
Trong thời gian vừa qua, Bộ TTTT nhiều lần đưa ra các quy định về chống SMS rác. Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác, có hiệu lực từ 1/1/2013, quy định chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận. Phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận.
Chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo từ địa chỉ điện tử và hệ thống theo quy định của Bộ TTTT. Không được phép gửi quá 1 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận…
Theo quy định tại Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác, các tổ chức cá nhân nếu vi phạm các quy định trên có thể sẽ bị phạt tới 80 triệu đồng.
Chia sẻ với báo chí, đại diện các mạng di động lớn như Viettel, VinaPhone cho biết, thông thường rất ít khi khách hàng nhắn tin lại đồng ý hay không đồng ý sử dụng dịch vụ. Nhiều khách hàng thích nhận được các SMS khuyến mãi nhưng lại không gửi SMS đăng ký.
“Việc thực thi Nghị định này sẽ rất khó khăn cho nhà mạng quảng bá dịch vụ của mình đến khách hàng, tuy nhiên, nhà mạng cũng xác định rõ đây cũng là biện pháp bảo vệ khách hàng trước vấn nạn SMS rác hiện nay”, đại diện nhà mạng này nói.
Tuy nhiên, Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác có thể hạn chế được SMS rác từ nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, nhưng sẽ khó chặn được việc quảng cáo các dịch vụ khác xuất phát từ SIM rác. Như vậy, để giải quyết triệt để vấn nạn SMS rác thì việc quản lý thuê bao trả trước, vốn gặp không ít khó khăn, đang được xem là gốc rễ của vấn đề thời điểm này.
Bách Nguyễn