Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nâng công suất chạy thử thành công

(PLVN) - Tổ máy số 1 NMNĐ Thái Bình 2 nâng công suất ở mức tải 602 MW thành công để chạy thử vượt công suất phát tối đa theo thiết kế trong hợp đồng EPC.
Cán bộ, chuyên viên Việt Nam cùng Nhà thầu vận hành đang tập trung hiệu chỉnh kỹ thuật nâng công suất Tổ máy số 1 NMNĐ Thái Bình 2.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào lúc 21h 54’ ngày 16/11/2022, Tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã thực hiện thành công tác nâng công suất chạy thử tối đa lên 602 MW (đạt và vượt so với công suất phát tối đa của tổ máy theo cam kết của Hợp đồng EPC là 600MW).

Đây là dấu mốc đáng ghi nhận cho những nỗ lực của PVN trong công tác tổ chức, tái khởi động lại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đặc biệt, dấu mốc 602 MW này còn là minh chứng cho chất lượng thiết bị, sự khẳng định đối với trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm vận hành của Người dầu khí đối với các Nhà máy Nhiệt điện than công suất lớn.

Về mặt kỹ thuật, việc hoàn thành nâng công suất tối đa Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là tiền đề để tiếp tục thực hiện các thí nghiệm hiệu chỉnh, tối ưu chế độ vận hành, nghiệm thu các thông số kỹ thuật chuyển sang giai đoạn chạy tin cậy và phấn đấu hoàn thành mục tiêu quan trọng nhất là phát điện thương mại trong năm 2022.

Cũng trong ngày 16/11, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng có buổi kiểm tra tiến độ, đôn đốc công tác vận hành nâng công suất Tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đoàn công tác của PVN đã kiểm tra thực địa, đánh giá công tác vận hành tại các hạng mục chính của nhà máy như kho than số 2, cảng nhận than và Trung tâm điều khiển vận hành của nhà máy.

Theo báo cáo tiến độ dự án của Tổng thầu PETROCONs, tính đến ngày 16/11, dự án còn 45 ngày phải hoàn thành, tiến độ tổng thể đạt 97,11%.

Theo PVN, hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đang bước vào giai đoạn cực kỳ thách thức khi vừa phải hoàn thiện công tác xây dựng, lắp đặt, vừa phải tổ chức công tác chạy thử nghiệm thu đối với các tổ máy, đồng thời phải khẩn trương chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thương mại vào cuối năm 2022.

Hơn thế nữa, sự biến động liên tục từ thị trường thế giới cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác nhập than, dầu HFO, cũng như chi phí đối với các chuyên gia vận hành quốc tế đến Việt Nam. Mặt khác, các công tác cấp thiết như chuẩn bị các loại giấy phép hoạt động điện lực, chuẩn bị nguyên vật liệu cho giai đoạn chạy thử nghiệm thu, vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện và hoàn thiện bộ máy để tiếp nhận và vận hành nhà máy đều gặp không ít khó khăn.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, dự án đang vào thời điểm quyết liệt nhất và khó khăn nhưng dứt khoát không lùi bước, phải đạt được mục tiêu là phát điện thương mại vào ngày 31/12/2022.

Đọc thêm