Nhà máy thủy điện Hòa Bình - “linh hồn” của ngành Điện

(PLO) -Suốt gần 3 thập kỷ vận hành, nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn giữ vai trò là công trình nguồn điện quan trọng bậc nhất trong hệ thống nguồn của ngành Điện nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng.
Ông Mai Quốc Hội - Thành viên HĐTV EVN trao bằng khen, ghi nhận nỗ lực của tập thể, cá nhân làm việc tại Công ty Thủy điện Hòa Bình.

Chạm mốc 200 tỷ KWh hòa lưới quốc gia

Từ người đứng đầu ngành Điện cho tới những cán bộ, kỹ sư trẻ của Công ty Thủy điện Hòa Bình - ai cũng tự hào vì thời gian qua đã khai thác, vận hành hiệu quả để có thể chứng kiến thời khắc quan trọng khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sản xuất, hòa lưới quốc gia đạt con số 200 tỷ kWh vào hồi 14h30 ngày 24/5/2016 - một mốc sản lượng quan trọng mà từ trước tới nay chưa một nhà máy thủy điện nào ở Việt Nam có thể đạt được.

Tổ máy đầu tiên của nhà máy này chính thức phát điện vào ngày 30/12/1988 và đến tháng 12/1994, thì tất cả 8 tổ máy với công suất thiết kế 1.920 MW được đưa vào vận hành thương mại.

Tổ máy số 1 của Thủy điện Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/12/1988.

Theo đó, trong giai đoạn đầu vận hành, sản lượng điện sản xuất của Thủy điện Hòa Bình chiếm tỷ trọng từ 30 - 50% trên toàn hệ thống, sau đó giảm dần và đến nay còn khoảng 7%.

Dù vậy, Thủy điện Hòa Bình vẫn đang giữ vai trò là công trình nguồn điện quan trọng bậc nhất, thậm chí còn được ví là “linh hồn” của hệ thống điện quốc gia. Bởi với ưu điểm toàn bộ các tổ máy của nhà máy đều có khả năng chuyển đổi nhanh trạng thái giữa các chế độ làm việc nên công trình luôn đảm nhận tốt vai trò điều tần và điều áp, qua đó góp phần duy trì ổn định chất lượng điện năng cho toàn hệ thống. 

Góp ngân sách 900 - 1.200 tỷ đồng/năm

Trên thực tế, sau khi Nhà máy Thủy điện Sơn La (bậc thang trên) đi vào vận hành, hiệu quả phát điện của Thủy điện Hòa Bình tăng từ 15 - 23% so với giai đoạn trước đó. Ba năm gần đây, mặc dù tổng lượng nước về hồ luôn thấp hơn từ 15 - 20% so với trung bình nhiều năm trước, nhưng lượng điện sản xuất vẫn luôn đạt xấp xỉ 10 tỷ kWh. 

Ngoài ra, với đặc thù là công trình thủy điện đa mục tiêu, Thủy điện Hòa Bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ điều tiết nước chống lũ và cấp nước chống hạn cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời cải thiện điều kiện giao thông đường thủy trên sông Đà và sông Hồng. 

Đáng nói, với hoạt động khá hiệu quả như đã nêu, những năm gần đây, Công ty Thủy điện Hòa Bình  đã nộp ngân sách đạt con số 900 - 1.200 tỷ đồng/năm - xấp xỉ 50% tổng thu ngân sách của tỉnh Hòa Bình - nơi đặt nhà máy.

Ý thức được vai trò và hiệu quả của công trình nguồn điện quan trọng này, mới đây, lãnh đạo EVN và UBND tỉnh Hòa Bình đã thống nhất, trong thời gian tới, Công ty Thủy điện Hòa Bình cần tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với địa phương để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đa chức năng của nhà máy, đặc biệt trong quá trình phát triển cần đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có quy hoạch tổng thể lòng hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia. 

Ngoài ra, cần lưu ý công tác bảo vệ môi trường sinh thái và tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 “Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trên sông Đà . Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành thì đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy  này do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành.

Công trình khởi công ngày 6/11/1979, khánh thành ngày 20/ 12/1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 MW, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 245.000 kW. Sản lượng điện thiết kế hàng năm là 8,16 tỷ  KWh.”

Đọc thêm