Nhà sản xuất Nhật vẫn “đỏ mắt” tìm nhà cung ứng Việt

(PLO) - Sau khoảng chục năm xây dựng nhà máy sản xuất (SX) tại Việt Nam, các nhà SX lớn trên toàn cầu vẫn loay hoay với tỉ lệ nội địa hóa (NĐH), vẫn phải trả tiền cho chi phí vận chuyển sang Việt Nam và sau vài năm cố gắng tìm kiếm, các nhà SX vẫn phải “đốt đuốc” đi tìm nhà cung ứng tại Việt Nam.
Canon Việt Nam vẫn tìm kiếm thêm các nhà cung ứng Việt suốt 5 năm nay

Sau 5 năm vẫn không tìm thêm được nhà cung ứng Việt nào

Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2017 nhiều loại máy móc, phụ tùng có sản lượng tăng như động cơ điện 1 chiều và máy phát điện 1 chiều, máy biến thế có công suất <1, sản lượng bộ phận dùng cho thiết bị điện, dùng cho hệ thống đường dây điện thoại, điện báo và hệ thống thông tin điện tử của Việt Nam, sản lượng ống camera truyền hình, bộ chuyển đổi hình ảnh, ống đèn âm cực quang… 

Một số DN đã hợp tác cung cấp cho chuỗi SX của các tập đoàn lớn như CTCP Đầu tư thương mại SMC là đối tác của Panasonic, Sanyo Haier, Daikin; CTCP Nhựa Hà Nội là đối tác chuyên SX các chi tiết nhựa trong chế tạo xe máy và ô tô cho các thương hiệu lớn như Honda, Toyota, Piaggio, Ford, SYM. DN này cũng phát triển thêm nhiều ngành như điện, điện tử, các linh kiện cho ngành xây dựng, khuôn mẫu chính xác kích thước lớn cung cấp cho Panasonic, LG Việt Nam. 

Nhưng theo bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), về cơ bản, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa có sự chuyển biến khi tỷ lệ NĐH thấp. Cụ thể, ngành ô tô chỉ chiếm 5-20%, ngành điện tử 5-10%, dệt may 30%, cơ khí chế tạo 15-20%. Cũng theo bà Linh, các DN Việt vẫn rất khó khăn trong việc tham gia các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế do năng lực cạnh tranh thấp (từ chất lượng, công nghệ, khả năng đáp ứng lô hàng lớn…).

Đây chính là lý do mà sau 5 năm Canon Việt Nam vẫn không thể tìm kiếm thêm được nhà cung ứng nào, dù vẫn đang cố tìm kiếm. Đại diện Canon Việt Nam cho biết, năm 2013, Canon Việt Nam đã tìm kiếm được 170 nhà cung cấp Việt Nam cho các hoạt động SX máy in, nhưng đến nay, số lượng này vẫn giữ nguyên, dù nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp nội địa của Canon vẫn rất lớn.

Bà Đào Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Văn phòng Canon cho biết, hiện Canon Việt Nam đã NĐH tới 65% nhưng không phải chỉ do 170 nhà cung cấp của Việt Nam cung ứng mà còn có cả tỉ lệ nhất định tự bản thân Canon SX tại Việt Nam. Hiện nay các nhà công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang cung cấp các sản phẩm linh kiện nhựa, dập nén, lò xo, vỏ hộp... cho Canon Việt Nam và Canon Việt Nam có 59 linh kiện cần tìm nhà cung cấp nội địa. 

Theo đánh giá của bà Huyền, dù các nhà cung cấp Việt Nam có lợi thế về vị trí gần nên chi phí vận chuyển thấp, dễ dàng cho Canon Việt Nam sang hỗ trợ và quản lý nhưng năng lực SX của các nhà cung ứng Việt Nam còn thấp. Bên cạnh đó, thiếu vốn, thiếu thiết bị, yếu về kỹ thuật, chất lượng không ổn định... vẫn là những điểm yếu của DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Vẫn tiếp tục đi tìm… nhà cung ứng

Còn một điểm yếu khó khắc phục đối với các DN cung ứng là ban lãnh đạo thường thiếu quyết tâm và nỗ lực để trở thành đối tác của các nhà SX sản phẩm hoàn thiện. Nhiều DN cung ứng Việt Nam ban đầu rất hào hứng, cố gắng trở thành nhà cung cấp nhưng sau đó lại hài lòng với những gì có được mà không cải tiến chất lượng và quản lý. Do đó, các nhà SX Việt Nam khó đạt các sản phẩm chất lượng và ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và giá cả cạnh tranh. 

Cùng quan điểm trên, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cũng thừa nhận, các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là DN nhỏ và vừa, nên hầu hết thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư vào dây chuyền SX hiện đại. Hơn nữa, các DN trong nước hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Chính phủ như đất đai, thuế...

Ông Suzuki Kazuya, Giám đốc Chương trình liên kết DN thuộc Công ty NC Network thông tin, khi tiến hành khảo sát ý kiến của DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cho thấy, SX kinh doanh của DN Nhật tại Việt Nam đang rất khả quan. 80% DN Nhật SX chất bán dẫn, linh kiện điện tử, máy công cụ và xây dựng... đang rất bận rộn với nhiều đơn hàng đặt. Tuy nhiên, DN chế tạo Nhật gặp một số vấn đề như tìm kiếm nhà cung cấp các sản phẩm thiết bị hỗ trợ dài hạn. 

Theo ông Suzuki Kazuya, xu thế gần đây của DN Nhật là mong muốn xây dựng nhà máy SX tại nước sở tại. Nhưng vấn đề khiến họ chưa mặn mà với việc này là do các sản phẩm cung ứng chưa đa dạng và nhiều lựa chọn, giá cả lại khá cao. Ông này cũng cho biết thêm nhiều công ty đa quốc gia của Nhật muốn đặt hàng ở Việt Nam nhưng lại chưa biết nhiều về Việt Nam. Ví như một DN Nhật đã 4 năm liền sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp nhưng vẫn chưa được, đến nay họ vẫn đang tìm kiếm. 

Đọc thêm