Nhà sản xuất phim không thể 'vô can'

(PLVN) - Phim Việt kêu cứu, khán giả giải cứu, đó chắc chắn không hề là hiện tượng đáng mừng của điện ảnh Việt. Khán giả đâu thể nào cứ gánh lấy trách nhiệm “giải cứu” đầy nặng nề khi nhà sản xuất phim bất lực. Hay nói cách khác, nếu mổ xẻ sâu thì chắc chắn nhà sản xuất phim không thể vô can trước thất bại của chính mình.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Trường hợp “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, khi đạo diễn Chung Chí Công lên mạng kêu cứu, có không ít khán giả phản hồi: “Nếu đạo diễn và ê kíp sản xuất phim không lên tiếng, còn không biết có phim này”. Nhiều khán giả cho biết, phim không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông trước và trong khi chiếu, ngay cả khi đến rạp, nhiều khán giả cũng không hề biết phim này đang công chiếu tại rạp. Phim chỉ được biết đến trong trường hợp éo le là “cầu cứu”. Điều này chứng tỏ một điều, ngay ở khâu quảng bá, bộ phim đã thất bại thảm hại.

Một vấn đề mà cả hai bộ phim kêu cứu gần đây là “Thưa mẹ con đi” và “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” đều mắc phải, đó là “đóng khung” bản thân. Ngay từ khi bắt tay vào làm phim, cả đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và Chung Chí Công đều tự nhận rằng phim mình “kén khán giả”. Nhưng lý do “kén” đưa ra khá thiếu thuyết phục.

Nếu nói “Thưa mẹ con đi” “kén” vì chủ đề về người đồng tính, thì trước giờ thị trường điện ảnh không thiếu phim về đề tài đồng tính, mà một bộ phim khá thành công là Lô tô. Về phần bộ phim của đạo diễn Chung Chí Công, thì lý do “kén” càng không rõ ràng. “Kén” là vì phim không kịch tính, không có diễn viên “hot”? Điều này, chẳng phải phim “Em chưa 18” hay “Nhắm mắt thấy mùa hè” đã làm khá thành công? Còn nói “kén” vì cách làm mới lạ, phim trên nền nhạc Indie thì càng không phải, bởi dòng nhạc này cũng được không ít bạn trẻ Việt ưa chuộng.

Có vẻ như, “kén” chỉ là một từ ngụy biện của người làm phim khi phim mình thiếu sức nặng, chưa được khán giả ủng hộ mà thôi. Còn nếu thức sự là phim nghệ thuật, “kén” thì người làm phim nên vạch rõ lý do “kén”, hoặc đối tượng mà phim hướng tới để có cách tiếp cận thích hợp. Với cách nói “khơi khơi” đầy ngụy biện, người làm phim sẽ tự ru ngủ mình, không thể rút ra kinh nghiệm, để rồi từ đó mãi mãi không tìm ra được cái sai để mà sửa, khắc phục.

Đổ lỗi cho thị trường cũng là căn bệnh của không ít đạo diễn, người làm phim. Phim không được doanh thu tốt - do giờ chiếu xấu, rạp chèn ép. Phim ngắc ngoải - do đụng phim “bom tấn” nước ngoài… Nhưng, nếu người làm phim cẩn trọng, có sự xem xét trước sau, chọn đúng điểm rơi thì có lẽ, “bi kịch” đã không xảy ra với đứa con tinh thần của họ.

Rồi từ cái dở của mình, người làm phim kêu cứu khán giả. Và khán giả với lòng trắc ẩn giang tay giúp đỡ. Đổ lỗi cho thị trường thì rất dễ, lên tiếng kêu cứu cũng không phải khó khăn gì. Nhưng thị trường điện ảnh liệu có thể phát triển bền vững khi có nhiều bộ phim được “cứu sống” bởi những lời kêu cầu ấy?