“Rủi ro” trong khai khoáng
Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã nói rằng, đầu tư vào khai khoáng là “lĩnh vực đầu tư dài hạn, có nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn chậm”. Nhận định này đang rất đúng với trường hợp Tập đoàn Besra - nhà sản xuất vàng hàng đầu tại Việt Nam, hiện đang sở hữu hai công ty khai thác và chế biến vàng lớn nhất Việt Nam là Bồng Miêu và Phước Sơn.
|
Kỹ sư Việt Nam đang vận hành thiết bị tinh luyện vàng 9999 tại Nhà máy Vàng Phước Sơn. |
Giá vàng đã giảm khoảng 30% trong gần một năm kể từ tháng 11/2012. Thuế tài nguyên cao (15%) và cách tính thuế tài nguyên khác nhau (trước đây là 6%/lợi nhuận, bây giờ là 15%/ doanh thu) cũng đã khiến doanh nghiệp chật vật xoay xở trong khi hàm lượng vàng tại Phước Sơn ngày càng giảm đi nhiều, từ 11g/tấn quặng còn 3-4g/tấn quặng. Đặc biệt, việc Nhà máy Vàng Bồng Miêu phải tạm đóng cửa từ cuối tháng 11/2013 do hậu quả nặng nề của những cơn bão liên tiếp tấn công miền Trung cũng khiến doanh thu của Besra Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Besra Việt Nam cho biết những khó khăn này chỉ là tạm thời và công ty sẽ nỗ lực tiếp tục con đường đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư lũy kế vào Việt Nam là 115 triệu USD, vì thế công ty nhất định phải tiếp tục hoạt động để thu hồi vốn chứ không đóng cửa nhà máy.
Cam kết trả nợ, đầu tư dài hạn
Ông Darin Lee - Tổng Giám đốc điều hành sản xuất của Besra Việt Nam khẳng định Besra Việt Nam chắc chắn sẽ thanh toán hết những khoản nợ Nhà nước, nhà thầu, cá nhân nhưng công ty sẽ trả nợ dần dần; không có chuyện “quỵt nợ” như thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
“Chuyện nợ nần hay chậm thanh toán là điều bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cần thời gian lâu hơn bình thường để trả tất cả các khoản nợ. Chúng tôi cần bàn bạc và thỏa thuận với các đối tác để có thể có một kế hoạch trả nợ dần dần. Việc duy trì việc làm cho người lao động và trả nợ cho các nhà thầu đều rất quan trọng trong kế hoạch phục hồi sản xuất và phát triển của Besra” - ông nói.
Besra Việt Nam cũng đang nỗ lực tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Cụ thể, tháng 9/2013 vừa qua, Nhà máy Vàng Phước Sơn đã trang bị thiết bị tinh luyện vàng của Ý để có thể tự sản xuất ra vàng 9999, nhờ đó mỗi năm sẽ tiết kiệm được 2 triệu USD. Trong 8 tháng qua, công ty đã cắt giảm được 25% chi phí, đồng thời tối đa hóa sản xuất, tạo doanh thu nhằm thanh toán dần các khoản nợ thuế, nợ các đối tác, nhà thầu và duy trì công việc cho hơn 1.600 người lao động.
Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch xây dựng đường điện từ Khâm Đức lên mỏ vàng Phước Sơn để thay cho việc phải dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel, qua đó dự kiến tiết kiệm được khoảng 6 triệu USD mỗi năm.
Với mục tiêu trở thành mô hình đầu tư nước ngoài thành công và hiệu quả tại Việt Nam sau 24 năm tham gia đầu tư, Besra Việt Nam cũng đã vạch ra chiến lược địa phương hóa lực lượng lao động với mong muốn chính những người dân Việt Nam sẽ là lực lượng chủ chốt trong tương lai.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi các ban, ngành liên quan nhằm gỡ khó cho Besra, theo đó tỉnh giao Cục Thuế tỉnh xem xét kế hoạch, lộ trình nộp các khoản nợ thuế để giải quyết theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, thanh toán được nợ thuế. Trường hợp vượt thẩm quyền thì tổng hợp tham mưu báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét giải quyết.