Nhà tái định cư bị bỏ hoang - nghịch lý “thà nhịn còn hơn ăn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong nhiều năm qua, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đều dành quỹ đất lớn  cho việc xây dựng nhà tái định cư. Tuy nhiên, một nghịch lý cũng diễn ra nhiều năm nay là tình trạng người dân “chê” chung cư tái định cư...
Một tòa nhà tái định cư bị bỏ hoang.
Một tòa nhà tái định cư bị bỏ hoang.

Nhà ở tái định cư là nhà ở được xây sẵn bố trí cho cá nhân, hộ gia đình thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước giải tỏa, thu hồi đất theo quy định. Trong nhiều năm qua, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đều dành quỹ đất lớn cho việc xây dựng nhà tái định cư. Tuy nhiên, một nghịch lý cũng diễn ra nhiều năm nay là tình trạng người dân “chê” chung cư tái định cư, dù họ đang không có chỗ ở, phải đi thuê.

Thực tế nhiều dự án tái định cư bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài sản khổng lồ.

Chính sách tái định cư luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Người dân rời bỏ “nơi chôn nhau cắt rốn”, hy sinh nơi ở của mình để phục vụ cho việc xây dựng các công trình vì sự phát triển đất nước thì họ cần phải đảm bảo làm sao nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Đường lối, chủ trương là rất đúng đắn; nhưng tại sao chưa đáp ứng như kỳ vọng? Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật trong nhận thức về nhà tái định cư và cách thức triển khai trong thực tiễn.

Cũng là những tòa chung cư cao tầng, có vẻ hiện đại, nhưng tại sao những tòa chung cư thương mại do các DN xây để bán thì lại có giá cao ngất ngưởng, dân đổ xô mua, trong khi nhà tái định cư lại bị “chê”? Sự không thiện cảm của nhiều người dân với nhà ở “tái định cư”, vì thực tế cho thấy nhiều dự án tái định cư đều không đáp ứng được các vấn đề dân cần về vị trí; không gian tổng thể nơi ở; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu ở; chất lượng tòa nhà và căn hộ ở; vấn đề sinh kế của cư dân.

Xây dựng được vài tòa nhà ở trơ trụi, người đến ở khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, học tập, mua sắm, vui chơi, thể thao, nghỉ ngơi… Một số dự án mới xây mà đã nhếch nhác, nhanh chóng xuống cấp. Người dân được tái định cư không đòi hỏi chất lượng dự án như 5 sao, nhưng cũng phải đáp ứng được yêu cầu cơ bản như tường không bong tróc, sàn không thấm, gạch không ộp, đường điện nước đảm bảo… Thiết bị không cần “xịn” nhưng cũng phải đảm bảo bền chắc. Thực tế việc này đã được quan tâm ở các dự án tái định cư chưa? Vị trí, địa điểm quy hoạch dự án tái định cư không đảm bảo thuận tiện để buôn bán kinh doanh, đến nơi làm việc, duy trì sinh kế… Nhiều những vấn đề trên, một số dự án tái định cư đều “dính”, không bị chê mới là lạ.

Một chuyên gia trong ngành xây dựng bày tỏ: “Có lẽ chúng ta cần thay đổi nhận thức và cần làm ngay. Vấn đề chất lượng phải được nhìn nhận ngay từ giai đoạn chuẩn bị với việc điều tra xã hội nghiêm túc các đối tượng cần tái định cư; Cần quy hoạch các điểm tái định cư, thiết kế khu tái định cư thành khu đô thị thu nhỏ hoặc kết nối với các khu đô thị hiện hữu; Cần thiết kế và thi công tòa nhà đúng chỉ dẫn kỹ thuật và quy trách nhiệm lâu dài của các chủ thể tham gia xây dựng. Sau khi bàn giao đưa dự án vào sử dụng thì cần những mô hình quản lý khai thác phải chuyên nghiệp đối với các dự án tái định cư. Công trình có được vận hành, sử dụng hợp lí, có bảo trì, bảo dưỡng mới bền lâu, an toàn...”.

Cũng vẫn theo chuyên gia này: “Cần giải quyết triệt để bắt đầu từ chính sách về nhà tái định cư và thực hiện theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường có định hướng. Người dân đã sẵn sàng nhường lại đất đai, nhà cửa cho công tác giải phóng mặt bằng thì phải tính toán một cách đầy đủ để người dân có quyền lựa chọn nơi tái định cư phù hợp. Nhà nước cũng cần tạo được môi trường để huy động nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng các dự án tái định cư”.

Đó là những góp ý đáng để những người quản lý tiếp thu, cân nhắc.

Đọc thêm