Theo kết luận của Thanh tra Bộ GTVT, nhiều nhà thầu thực hiện thi công các dự án đường Hồ Chí Minh, các dự án thuộc Sở GTVT Cần Thơ và Lai Châu đã bị cấm đấu thầu, không xem xét chỉ định thầu, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức trách phong tỏa tài khoản của các nhà thầu này. Đặc biệt, 2 tư vấn giám sát hiện trường và 1 kỹ sư thường trú cũng bị đình chỉ công tác vì “dính” bê bối.
Danh tính của các nhà thầu bê bối này cũng dần được tiết lộ, trong đó có những tên tuổi như Công ty COMA 3, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 44, Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng công trình 623...
Do thi công không đảm bảo chất lượng tại đường nối Vị Thanh – Cần Thơ, hai doanh nghiệp khác là Công ty Thành An 119 và Công ty cổ phần Xây dựng Vinashin cũng bị cấm đấu thầu.
Trong đợt cấm thầu này, nhiều doanh nghiệp từng đặt chân thi công các công trình tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng bị “cấm cửa” đông nhất. Theo đó, do thi công không đáp ứng, hàng loạt nhà thầu thực hiện thi công các dự án do Sở GTVT Cần Thơ quản lý đã bộc lộ nhiều sai phạm nên chính thức bị đưa vào “danh sách đen”.
Trong đó, riêng Công ty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới, Công ty Thành An 119 bị cấm đấu thầu trong vòng 2 năm. Ngoài hai “đại gia” xây dựng này, do thực hiện công trình không đảm bảo, nhiều tên tuổi trong nghề như Công ty Cổ phần Xây dựng Vinashin, Công ty Cổ phần TRACO Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Mạnh Hà, Công ty TNHH Xây dựng giao thông Hoàng Mai, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hoàng Nguyên, Công ty Cổ phần Kiến trúc và xây dựng thương mại Mekong miền Tây, Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng công trình 747, Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Nam Việt… cũng bị cấm đấu thầu do vi phạm.
Việc cấm thầu đối với những doanh nghiệp nói trên xuất phát từ cuộc thanh tra trước đó của ngành GTVT. Theo đó, những “đại gia” này được xác định là năng lực có hạn, các công trình thi công không đảm bảo tiến độ hoặc không có trách nhiệm trong thực hiện hợp đồng, không xuất trình được đầy đủ các biên bản, giấy tờ, thủ tục thanh tra yêu cầu. Được biết, việc “cấm cửa” này được Bộ GTVT thực hiện ngay từ năm 2014.
Nhiều nhà thầu bày tỏ sự hoan nghênh trước động thái quyết liệt của Bộ GTVT, cho rằng đó là biện pháp để lập lại kỷ cương. Tuy vậy, họ cũng quan ngại đó chưa hẳn là “liều thuốc” đủ mạnh để “dứt bệnh”. Theo đó, hiện tượng thông thầu, làm giả hồ sơ năng lực, đi “cửa sau” để trúng thầu đã được dư luận lên tiếng từ lâu, và nhà thầu xét cho cùng chỉ là một bên gây ra câu chuyện. Vấn đề là, sau khi “cấm cửa” các nhà thầu gian dối thì bao giờ sẽ đến lượt các chủ đầu tư buông lỏng trách nhiệm, hoặc “bảo kê”, “cắt phần trăm” nhà thầu.
Vật liệu “đen” vào công trình?
Mới đây, Công an Hà Nội đã có quyết định khởi tố đối với các bị can khai thác cát lậu tại địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội). Số cát bị khai thác trái phép sau đó được bán cho các chủ bến để đến chân các công trình xây dựng.
Một đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT cũng từng thừa nhận, một trong những nguyên nhân của chất lượng công trình giao thông xuống cấp có thể bắt nguồn từ việc sử dụng vật liệu trôi nổi.
Hiện nay, việc kiểm soát nguồn vật liệu vào công trình chưa được công khai cho những ai quan tâm. Đường đi của các hòn đá, hạt cát có thật sự hợp pháp hay không, hay những vật liệu này được “xuất xưởng” từ các bến bãi bất hợp pháp ở Thường Tín đang còn là điều bí ẩn, chưa dễ gì sáng tỏ.