Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam lo bị 'ép' giá vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều nhà thầu xây lắp cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tiếp tục lo lắng việc vật liệu (đất đắp, cát sỏi) bị các chủ mỏ nâng giá như khi làm giai đoạn 1. Thực tế, hiện nhiều nhà thầu đang phải mua với giá cao hơn giá niêm yết của địa phương.
Nhà thầu kêu lỗ hạng mục vật liệu đất nền tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. (Ảnh minh hoạ)
Nhà thầu kêu lỗ hạng mục vật liệu đất nền tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. (Ảnh minh hoạ)

Chủ mỏ tăng giá, “ép” giá vật liệu xây dựng

Trong giai đoạn 1 cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nhiều nhà thầu đã phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng ở hạng mục đắp nền đường. Ngoài ra, thủ tục cấp các mỏ đất tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, phức tạp, thời gian kéo dài. Điều này khiến nhà thầu thi công gặp rất nhiều khó khăn khi phải chạy đua với thời gian để kịp tiến độ. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho vấn đề đất đắp, cát sỏi làm cao tốc Bắc – Nam.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số nhà thầu, vấn đề đất nền làm cao tốc Bắc -Nam thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc cấp giấy phép khai thác mỏ đất phải trải qua thủ tục lâu dài thì vấn đề rất đáng lo ngại là việc đội giá tại các mỏ đất do địa phương quản lý.

Hiện quy trình để có đất đắp là địa phương cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận khai thác, kinh doanh mỏ đất cho doanh nghiệp địa phương, sau đó nhà thầu xây dựng cao tốc mua lại từ các chủ mỏ. Do vậy, theo nhiều nhà thầu, có hiện tượng các chủ mỏ nâng giá vật liệu xây dựng cao hơn so với giá niêm yết của địa phương. Trong khi nhà thầu xây dựng cao tốc cần làm nhanh để kịp tiến độ nên dễ bị các chủ mỏ “ép giá”.

Theo ghi nhận, gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo các Ban quản lý dự án (PMU) của Bộ GTVT liên tục phải làm việc với các địa phương để bàn cách hạ nhiệt giá vật liệu đắp nền đường. Mới đây nhất, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 là Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, ông Nguyễn Văn Thắng – Bộ trưởng Bộ GTVT thẳng thắn cho rằng, đang có thực trạng tăng giá, “ép” giá vật liệu xây dựng trên địa bàn Phú Yên, gây khó khăn, bức xúc cho nhà thầu. “Những khó khăn của các dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn vẫn chưa thực sự được tháo gỡ, đặc biệt vẫn vướng 2 điểm nghẽn đã gặp ở giai đoạn 1 là mặt bằng và vật liệu”- ông Thắng nói.

Một bất cập khác được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ ra là giá vật liệu theo thông báo giá của tỉnh Phú Yên rất cao so với mặt bằng chung của các địa phương lân cận. Giá nhà thầu phải mua thực tế cao “chót vót” so với giá niêm yết của các mỏ. Dẫn chứng cụ thể, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tại gói thầu XL-01 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, nhà thầu khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3, tuy nhiên giá bán thực tế lên tới gần 300.000 đồng/m3.

Nhà thầu đề xuất hướng xử lý triệt để

Trao đổi với PLVN, lãnh đạo PMU2 Bộ GTVT cũng cho biết, giá vật liệu làm cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hoá, Quảng Ngãi cũng đang gặp khó khăn. Không chỉ thủ tục kéo dài, “đội giá” cũng đang là vấn đề lớn. Lãnh đạo PMU2 chia sẻ, thời gian qua Ban đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nhưng vướng mắc vẫn chưa hết. “Giá đất đắp dự kiến ở Thanh Hoá chỉ khoảng 39.000 đồng/m3, nhưng sau quá trình đàm phán khó khăn, hợp đồng mới đây nhà thầu ký với chủ mỏ lên tới 80.000 đồng/m3. Còn tại Quảng Ngãi, dù đất xấu, lẫn đá nhiều nhưng sau nhiều lần đàm phán, vẫn phải ký với chủ mỏ đất giá 55.000 đồng/m3 đất” lãnh đạo PMU2 chia sẻ.

Lãnh đạo Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, trong giai đoạn 1 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nhà thầu này đã lỗ hàng trăm tỷ đồng từ việc phải mua vật liệu đắp đường với giá cao. “Ở giai đoạn 2 này, chúng tôi tiếp tục gặp khó khăn khi tiếp cận giá các mỏ đất. Giá vẫn ở mức cao”- vị này tâm sự và cho biết, việc các chủ mỏ đất “thao túng” giá có thể là do chính quyền địa phương lơ là quản lý, thậm chí muốn “làm ngơ” vì liên quan đến những lợi ích nào đó. Vị này cho rằng, địa phương cần công bố giá mỏ đất sát với thực tế, đồng thời có cơ chế giám sát, xử lí, thu hồi giấy phép các chủ mỏ khi họ ép giá nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc – Nam.

Lãnh đạo Vinaconex đề xuất phương án xử lí vấn đề tăng giá vật liệu xây dựng một cách triệt để. Theo đó, các mỏ đất nên là một phần không thể thiếu của dự án, nên giao các mỏ đất để các PMU của Bộ GTVT quản lý, khi đó nhà thầu xây dựng chỉ cần làm việc với các PMU này, giá sẽ không thể “đội” lên. “Giờ mỏ vật liệu được giao cho địa phương, địa phương cấp kinh doanh cho các chủ mỏ, rồi chủ mỏ mới bán cho các nhà thầu. Quy trình này dễ khiến các chủ mỏ “ép giá”. Mỏ đất là tài sản của nhà nước, dự án giao thông cũng tiền nhà nước làm, đáng ra nên giao mỏ đất ấy để nhà nước làm dự án, sẽ giảm bớt chi phí tiền của nhà nước, tránh việc nhiều chủ mỏ trục lợi như hiện nay”, lãnh đạo Vinaconex cho hay.

Sẽ bố trí vốn để cao tốc ít nhất có 4 làn xe

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo chỉ đạo của Thủ tướng về việc yêu cầu Bộ KH&ĐT rà soát việc bố trí vốn cho các dự án cao tốc đảm bảo tối thiểu 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại yêu cầu dứt khoát không đầu tư cao tốc 2 làn xe, gây lãng phí vốn, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp. Bộ KH&ĐT được giao bố trí đủ vốn triển khai các dự án cao tốc. Thủ tướng yêu cầu tất cả cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu 4 làn ôtô, có làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100 km/h. Theo thống kê của Bộ GTVT hiện cả nước có 11 dự án cao tốc triển khai giai đoạn một quy mô hai làn xe với tổng mức đầu tư hơn 64.560 tỷ đồng. Bộ này ước tính, để 11 dự án cao tốc mở rộng quy mô đầu tư từ 2 lên 4 làn xe cần bố trí thêm 59.760 tỷ đồng.

Đọc thêm