Trước khi triển khai đấu thầu nhà đầu tư các Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công - tư, Bộ GTVT và thị trường xây lắp rất kỳ vọng về sự tham gia “ứng thí” của các nhà đầu tư tài chính, những tên tuổi lớn trong nước như Vingroup, Sungroup, Geleximco, Tasco... Thế nhưng cuối cùng, đây vẫn chỉ là sân chơi của hầu hết các nhà đầu tư có gốc là nhà thầu xây dựng. Rất ít trong số đó đã từng đầu tư một vài dự án BOT, và hầu hết đều đi lên từ những “anh" thầu xây lắp, với phần lớn nguồn lực đưa vào các dự án là vốn vay ngân hàng.
Nói sơ qua như vậy để biết rõ hơn về lai lịch của các nhà đầu tư đã và đang tham gia các dự án BOT cầu, đường trong nước hiện nay.
Về phía Bộ GTVT cũng hiểu điều này, nhưng theo quy định của pháp luật, Bộ không phân biệt đối tượng nộp hồ sơ dự thầu BOT cao tốc là nhà đầu tư tài chính rủng rẻng tiền bạc hay các nhà thầu xây lắp đi vay vốn ngân hàng để đầu tư vào cao tốc. Bộ chỉ chọn, ký hợp đồng với đối tượng nào hội đủ điều kiện kỹ thuật, tài chính… theo “đề bài” của từng dự án.
Nguyên tắc nói trên của Bộ chủ quản hạ tầng là đúng, nhưng đã quá hạn 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mà liên danh nhà đầu tư Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vẫn chưa “chung kết” được với một ngân hàng nào về khoản vay ngàn tỷ. Thực tế đó khiến nhiều người đặt dấu hỏi: Nhà thầu xây lắp vay vốn làm nhà đầu tư dự án có ưu, nhược điểm gì?
Câu trả lời là đối với một ngành kinh tế - kỹ thuật như đầu tư xây dựng hạ tầng, kinh nghiệm và nguồn lực tài chính là hai yếu tố không thể tách rời đối với một công trình. “Anh” có tiền nhưng không làm chủ được kỹ thuật công nghệ thì dễ đổ bể khi ra quyết định đầu tư. Nhưng ngược lại, những nhà thầu có kinh nghiệm thi công, xây lắp nhưng bế tắc nguồn vốn thì khó mà trở thành ông chủ BOT.
Dự án BOT ở Nam Bến Thủy (Nghệ An) CIENCO4 là nhà đầu tư, nhưng tổng mức đầu tư nhỏ hơn so với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt mà CIENCO4 đang tham gia. |
Rà lại cả 3 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến thời điểm này, thì mới thấy Dự án Nha Trang - Cam Lâm do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm nhà đầu tư, là có khả thi về việc huy động vốn.
Hai dự án còn lại phần lớn là các nhà thầu xây lắp lâu năm “hóa” thành nhà đầu tư. Cụ thể, ở đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo chỉ có Đèo Cả có kinh nghiệm đầu tư BOT và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, có CIENCO4 trước đây từng là chủ đầu tư một vài BOT đường bộ.
“Là người trong ngành, chúng tôi đánh giá cao những nhà thầu có kinh nghiệm xây lắp và đủ điều kiện về mặt tài chính khi tham gia dự án. Vì khi “anh” có nghề thì việc tổ chức công trường, giám sát thi công… sẽ chủ động hơn những nhà đầu tư tài chính trúng thầu, dù nhà đầu tư tài chính có thể bỏ tiền ra thuê lại đơn vị khác làm thay họ”, một lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.
Cách đặt vấn đề trên cũng có lý khi nó được rút ra từ thực tiễn triển khai dự án. Bởi đa phần các dự án BOT cầu, đường gần đây không thấy có các tên tuổi lớn, các nhà đầu tư tài chính có “máu mặt” mà chủ yếu là “dân” thầu xây lắp tham gia. Thế nhưng, ở cuộc chơi này, dù có nghề mà không có vốn thì cũng bị loại.
“Hợp đồng BOT Diễn Châu - Bãi Vọt ký từ nửa đầu tháng 5/2021 nhưng tư đó đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thỏa thuận giữa 2 bên nói là sẽ tịch thu bảo lãnh nếu sau 6 tháng không huy động được vốn, nhưng trong hợp đồng cũng có điều khoản quy định về “Sự kiện bất khả kháng”. Hiện, hai bên đang xem xét để kích hoạt các điều khoản liên quan trước khi đi đến quyết định cuối cùng theo đúng quy định của pháp luật”, nguồn tin trên cho biết thêm.
Xung quanh vấn đề này, mới đây, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng đã xác nhận với PLVN, Vietcombank đang xem xét để trở thành một trong các bên cho vay hợp vốn đối với BOT Diễn Châu - Bãi Vọt, sau khi có đủ hồ sơ vay vốn từ ngân hàng đầu mối - BIDV chuyển tới.
Do chưa đi sâu thẩm định hồ sơ nên theo đại diện Vietcombank, đến thời điểm này, ngân hàng này vẫn chưa đưa ra quyết định có hay không cho vay đối với dự án.
Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50km, đi qua địa phận 2 tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km). Để phù hợp với nhu cầu vận tải, giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Trên tuyến xây dựng đồng bộ các công trình và tiện ích hiện đại, trong đó có hầm Thần Vũ chiều dài khoảng 1.100m và cầu Hưng Đức có tổng chiều dài khoảng 4km.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, do Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 thực hiện.