Hàng trăm tỷ đồng dãi dầu mưa nắng tại Dự án Rusalka. |
“Liệt kê” nhiều khó khăn của pháp nhân mới
Liên quan đến dự án Rusalka, ngày 20/8/2011, BMC ra bản kiến nghị (số 456) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa “giao cho cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản ngăn chặn việc chuyển dịch và bảo vệ khối công trình xây dựng là tài sản hợp pháp của BMC đang tồn tại trên đất trước đây thuộc dự án Rusalka Resort”. BMC cũng kiến nghị cơ quan chức năng có động thái yêu cầu “đơn vị tiếp nhận đầu tư” dự án này làm việc và giải quyết vấn đề tài sản của BMC tại dự án Rusalka với tổng số tiền tạm tính (đến ngày 10/8/2011) là hơn 275 tỷ đồng.
Với văn bản số 456, doanh nghiệp này đã “đề xuất” giao cho “BMC làm chủ đầu tư, tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thành các hạng mục công trình để đưa dự án Rusalka sớm đưa vào khai thác”.
Theo đó, BMC đã “liệt kê” những “thuận lợi, khó khăn” khi giao dự án này cho các pháp nhân khác nhau. Kiến nghị 456 thể hiện nếu giao dự án cho Công ty Cổ phần Du lịch trọng điểm Nha Trang (gọi tắt là Cty DLTĐ - pháp nhân mới được thành lập để “tiếp quản” dự án Rusalka) thì sẽ “không có thuận lợi nào cho Nhà nước”. Theo như doanh nghiệp này “kết luận”, thì Cty DLTĐ là doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm “bằng không”, tài chính “tù mù”, mọi năng lực khác “chưa kiểm chứng được”… BMC đặt câu hỏi, nếu giao dự án cho pháp nhân nói trên thì có dẫn đến “một lần nữa đưa dự án vào chỗ bế tắc?”.
Trong khi “liệt kê” hàng loạt “điểm yếu” của Cty DLTĐ, thì về phía mình, BMC lại tự nhận có hàng loạt “thuận lợi” nếu được trở thành chủ đầu tư dự án. Theo đó, BMC là doanh nghiệp “có bề dày kinh nghiệp lâu năm, đã và đang là tổng thầu và đầu tư xây dựng, thi công rất nhiều công trình quy mô lớn”, đồng thời, lợi thế của BMC là “doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động rất hiệu quả”. BMC khẳng định “có nguồn tài chính dồi dào để nhanh chóng triển khai dự án Rusalka”, “cải thiện tốt môi trường đầu tư cho tỉnh Khánh hòa”. Theo BMC, doanh nghiệp này sẽ “xí xóa” thiệt hại 275 tỷ đồng và “bồi thường tất cả chi phí hợp pháp mà RIT đã bỏ ra đầu tư vào dự án”…
Tuy nhiên, phản hồi đề xuất này, ông Nguyễn Đức Chi, cho rằng “thông điệp” mà BMC “phát đi” là không đúng.
Sở hữu công nợ hay sở hữu tài sản?
Ông Chi cho biết, theo biên bản nghiệm thu, đối chiếu công nợ, biên bản nhận nợ có tính lãi suất được thực hiện giữa BMC và RIT vào tháng 5/2005 thì khối lượng nhà thầu BMC đã thi công được nghiệm thu là 54 tỷ đồng.
Ngày 24/10/2006, Bộ KHĐT đã ra quyết định (số 581) chấm dứt hoạt động của dự án Rusalka và thu hồi Giấp phép đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) của RIT. Theo ông Chi, kể từ thời điểm này RIT không còn tồn tại với tư cách là một pháp nhân.
Ông Chi khẳng định, đây là yếu tố khách quan, hoàn toàn “bất khả kháng” đối với chủ đầu tư dự án. Theo đó, sau ngày 24/10/2006, các tổn thất về kinh tế xảy đối với các nhà thầu và đối với các bên liên quan không thuộc trách nhiệm bồi thường của RIT.
Ông Chi nói rằng, căn cứ để Bộ KH&ĐT thu hồi Giấy phép đầu tư ghi trong quyết định 581là dựa vào là công văn số 286 (ngày 21/9/2006) của Cơ quan CSĐT. Công văn 286 kết luận “Nguyễn Đức Chi làm giả hồ sơ… để được cấp Giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka”. Tuy nhiên, tại văn bản số 06 ngày 13/01/2001, TANDTC đã minh định: “hành vi mà ông Chi bị kết án không liên quan đến việc xin cấp giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka”.
“Việc đó cho thấy Bộ KH&ĐT ban hành quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của RIT khi chưa có quyết định của Tòa là không có cơ sở pháp luật”, ông Chi cho hay. Điều này dẫn đến hậu quả là chủ đầu tư dự án phải chịu tổn thất do dự án bị treo, tài sản bị xuống cấp nghiêm trọng, còn các nhà thầu và các bên thứ 3 có quan hệ kinh tế với RIT tại dự án Rusalka thì không biết giải quyết với ai vì chủ đầu tư bị “chấm dứt hoạt động” khi dự án chưa thanh lý. “Đây là tình huống bất khả kháng”.
Theo ông Chi, nghĩa vụ của RIT đối với các nhà thầu chỉ tính được tới thời điểm RIT bị chấm dứt hoạt động. “Việc BMC khẳng định công nợ của RIT chưa thanh toán cho BMC là hơn 73 tỷ đồng , cộng thêm các khoản lãi phát sinh tới thời điểm này được tính là 275.593.911.118 đồng, tăng hơn so với nợ gốc khoảng 11 triệu USD là không có cơ sở pháp lý để được chấp nhận, dù BMC muốn được nhận thanh toán số tiền đó hay muốn góp vốn vào công ty mới để tiếp tục triển khai dự án”, ông Chi cho biết.
Ngoài ra, theo ông Chi, văn bản mà BMC gửi cơ quan chức năng cho rằng “BMC có quyền sở hữu khối tài sản tại dự án Rusalka do BMC thi công” là không đúng với bản chất quan hệ mà giữa BMC và RIT đã thực hiện.
Ông Chi nói, vì tài sản dự án Rusalka thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư dự án. Các văn bản liên quan cũng thể hiện đây là “tài sản của Nguyễn Đức Chi”.
Doanh nhân này cho biết: “Theo quyết định Giám đốc thẩm của TANDTC số 07 ngày 01/04/2010 và văn bản số 92 ngày 22/03/2011 của TANDTC - tài sản dự án Rusalka “bị kê biên trong vụ án” và “đã được hủy bỏ biện pháp kê biên” được TAND khẳng định là của ông Chi. Do đó, BMC chỉ sở hữu công nợ chứ không sở hữu phần tài sản đã thi công, được nghiệm thu ở dự án Rusalka. Việc BMC đề nghị các cơ quan chức năng giao dự án Rusalka thuộc quyền sở cho BMC là trái quy định của pháp luật”.
Như Trang