Nhà thơ Nguyễn Trác, thầm thì tiếng cỏ xanh non

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tôi thực sự sửng sốt khi mở tập thơ “Gió vẫn trên đường” của nhà thơ Nguyễn Trác và gặp bài thơ “Ngày xuân trên núi Ngọc”, ông xếp đầu tiên, trang 7. Bài thơ chỉ có bốn câu, hai câu đầu là: “Những người trẻ hôm nay thích nhìn ngang/Nhà thơ già ưu tư nhìn dọc”.
Nhà thơ Nguyễn Trác
Nhà thơ Nguyễn Trác

Ở đây, có tư duy sắp đặt 2 cặp đối xứng: những người trẻ, nhà thơ già và nhìn ngang nhìn dọc. “Nhìn ngang” và “nhìn dọc” được tác giả chủ ý dùng chữ nghiêng “Italic”. Ngoài mục đích gây sự chú ý có chủ định về tâm lý, hẳn có “thông điệp”. Đôi mắt nhìn về phía trước, “nhìn dọc” ở đây là cứ thẳng phía trước mà tiến, “nhìn ngang” phản ánh việc người trẻ luôn quan tâm về mối tương quan. Điều này đúng, trong một xã hội chuỗi giá trị, phải liên kết.

Từ suy nghĩ về hai câu thơ, tôi đoán “Gió vẫn trên đường” là tập thơ có vấn đề, để đọc. Đây là tập thơ thứ 11 của nhà thơ Nguyễn Trác, gồm 59 bài thơ, chủ yếu sáng tác từ năm 2010 trở lại đây. Xem mục lục thì thấy hơn 10 năm qua, Nguyễn Trác vẫn rong ruổi nhiều nơi, gần là Hải Dương với “Bên hồ Bạch Đằng”, đến “Huế”, cực Nam Trung Bộ “Qua Tháp chàm nhớ một nhà thơ lớn”, “Buổi trưa ở Đồ Bàn” và dừng chân ở “Cà phê võng với miền Tây”. Như vậy là, ngoài 70 tuổi nhưng Nguyễn Trác vẫn chưa chịu “ngồi yên”. Tất nhiên, điều này chưa nói lên vấn đề đáng để ý ở tập thơ.

Hai câu thơ đầu tiên của bài “Ngày xuân trên núi Ngọc” trong tập “Gió vẫn trên đường” báo hiệu đây là một tập thơ thế sự, chuyên biệt. Về hình thức đã dễ nhận ra sự phân thân, giằng xé giữa hôm qua và hôm nay trong tâm hồn nhà thơ. Ông viết về lịch sử “Chiến tranh”, “Những khoảnh khắc tạc vào tháng năm”, về đề tài hậu chiến “Bài hát năm xưa và các chàng trai Rock”, “Vị Xuyên” cho đến Covid-19 đang là “thảm họa” của nhân loại “Mùa xuân bất thường”, “Nửa đêm nghe tiếng chim Vịt”. Ngay với Hà Nội, ông cũng bị giằng xé giữa cũ “Hà Nội ngói nâu” và mới “Khi nhà cao tầng Hà Nội bão hòa”, giữa được và mất. Với thơ cũng vậy, Nguyễn Trác suy tư, trăn trở “Thơ viết lúc trẻ in khi tuổi già” và “Ngẫu hứng với các nhà thơ tân hình thức”.

* * *

Bài thơ “Gió vẫn trên đường” được Nguyễn Trác chọn làm tên chung cho cả tập là kết quả của sự nghĩ suy, gửi gắm. Tôi cho rằng, đó là bài thơ hay, đại diện cho sự giằng xé về nội tâm của nhà thơ trong cả tập.

Tiếng chổi tre quét nhẹ trên đường / Nhẹ để không đánh thức những ai đêm qua đi làm về muộn / Nhưng chỉ đánh thức những chiếc lá / Đánh thức mặt trời ngọn gió tiếng chim

Bài thơ bắt đầu bằng tiếng chổi tre của chị công nhân vệ sinh môi trường thành phố. Thường ca sáng, họ đi làm lúc 2 – 3 giờ sáng, để sáng mai ra đường phố đã sạch sẽ. Trách nhiệm với công việc, tiếng chổi của nhân văn, của sinh thái “Nhẹ để không đánh thức những ai đêm qua đi làm về muộn”. Chiếc chổi chỉ đánh thức chiếc lá, chiếc lá trở mình là sự sống, đánh thức mặt trời, ngọn gió, tiếng chim là đánh thức phồn sinh, đánh thức năng lượng.

“Gió vẫn trên đường” tứ thơ được tổ chức cốt truyện như một truyện ngắn. Trong cái ngõ, nơi “Người đàn bà nghèo/mỗi tuần một lần/đến ngõ dọn vệ sinh” là một xã hội thu nhỏ. Không chỉ người đàn bà mà cái ngõ ấy còn có một người thương binh hỏng mắt đến mưu sinh. Nếu như người đàn bà “Tiếng chổi tre quét nhẹ trên đường” thì người thương binh “Tiếng gậy tre nhẫn nại gõ trên đường”. “Tiếng chổi tre” và “Tiếng gậy tre” là tiếng của hai số phận.

Với bà: “Bà là cái tĩnh trong cái động/cái chín bên cái xanh/nét lặng lẽ khiêm nhường trong thế giới đua tranh”. Với ông: “Ông là cái tĩnh trong cái động/Hôm qua trong hôm nay/Cái thiêng liêng khuất lấp giữa thường ngày”. Khổ thơ thứ 4 và khổ thơ thứ 7 trong cấu tứ bài thơ cũng đối xứng. Sự sáng tạo về mặt thi tứ cho phép nhà thơ Nguyễn Trác tạo nên cấu trúc so sánh, nâng hiệu quả của sự ám ảnh. Mà ám ảnh thật. Cái ngõ nơi có hai ông bà già, hai hoàn cảnh cùng mưu sinh, phản chiếu đầy đủ “bộ mặt” phố thị, có người “nghiện” shoping và những đứa trẻ phóng xe lạng lách, không để ý đến ai. Khác với người đàn bà làm vệ sinh là người nơi khác đến, người thương binh hỏng mắt là cư dân trong ngõ. Bọn trẻ không biết ông, ông không nhớ hết tên từng đứa “nhưng ông biết tên ông bà chúng/và nhớ ai từng ở Trường Sơn”.

“.../Những buổi sớm lặng đầy/những buổi trưa vang động/tiếng chổi tre vẫn quét trên đường/tiếng gậy tre vẫn gõ trên đường/và tôi nghe gió vẫn trên đường/thổi không đầu không cuối”. Khổ cuối của bài thơ thực sự ám ảnh. “Gió thổi không đầu không cuối” là gió quẩn, có thể báo hiệu một điều xấu, có thể là dấu hiệu một cơn giông. Cuộc đời bao giờ cũng thế, xã hội an yên khi từng số phận an yên. Thành phố bình yên từ từng con ngõ nhỏ.

* * *

Ngoài đời Nguyễn Trác là nhà thơ nhẹ nhàng, tướng mạo của một giáo chức mô phạm. Ở ông dễ nhận ra cặp phạm trù nội dung và hình thức chiếu vào số phận. Dễ hiểu vì sao, dẫu là thơ thế sự nhưng thơ Nguyễn Trác cảm xúc tinh tế. Ông luôn trân trọng cuộc sống, dẫu chỉ là hoài niệm về những mái ngói nâu Hà Nội: “Cao hơn những thắng thua/cao hơn điều được mất/một Hà Nội ngói nâu/sinh ra các nhà thơ” (Hà Nội ngói nâu).

Nguyễn Trác chiêm nghiệm thế sự nhưng ở bình diện tình cảm, thơ ông cứ tự nhiên, thế nhưng tô đậm thêm những đạo lý hiển nhiên ở đời. “Nhà thơ” ở đây là ẩn dụ của những giá trị tinh thần. Cuộc đời vốn sắc sắc không không, chỉ những giá trị văn hóa mới trường tồn. Thế giới đã thay đổi, cuộc sống với các thang giá trị đã thay đổi, đến thơ còn có tân hình thức ra đời bên cạnh lục bát. “Những bài hát năm xưa không mất/dù hôm nay thế giới khác xa/dù lớp trẻ với hệ quy chiếu khác/gió vui buồn và hát cũng khác xa” (Những khoảnh khắc đã khắc vào năm tháng).

Ở tuổi ngoài bảy mươi, Nguyễn Trác nhận ra quy luật của hư vô. Tâm hồn thơ ông an nhiên, thánh thiện: “Khi thế giới ngày càng phẳng/và đời thực dụng hơn/anh trở về bên cỏ/lắng thầm thì tiếng cỏ xanh non” (Khi nhà cao Hà Nội bão hòa). Thơ Nguyễn Trác cứ thế, đốn ngộ, giàu triết cảm.

Đọc thêm