1. Nhà văn Trần Thanh Cảnh dám viết về nhân vật lịch sử bằng góc nhìn rất đời, rất thực và sinh động. Đụng đến “giải thiêng” nhưng sự dấn thân của nhà văn lại làm cho công chúng thấy thú vị, hấp dẫn, dễ hình dung về nhân vật và cảm nhận đầy đủ hơn về tính cách cũng như công trạng của những nhân vật lịch sử.
Có lẽ vì sự táo bạo của nhà văn nên tôi cũng mạnh dạn trích dẫn những trường đoạn sex trong tiểu thuyết “Đức Thánh Trần” để bàn luận, đối thoại trong một chương trình Talk show của Đài Tiếng nói Việt Nam. Quả nhiên là chương trình nhận được sự phản hồi tích cực của các nhà chuyên môn và công chúng, đó cũng là nhờ sự góp mặt của các tác phẩm, trong đó có tiểu thuyết “Đức Thánh Trần” của nhà văn Trần Thanh Cảnh.
Tôi tìm đến nhiều tác phẩm khác của ông như “Kỳ nhân làng Ngọc”, “Đại gia và ba bà vợ” và các tập truyện ngắn dày dặn của ông. Ngạc nhiên, thích thú, lôi cuốn, hấp dẫn... là những gì tôi cảm nhận được qua các tác phẩm của ông, chất liệu cuộc sống ngồn ngộn, chân thực, thậm chí trắng phớ được ông phơi bày trên trang sách. Ngòi bút tung tẩy, tưng tửng cứ thế mà vẽ, nhào nặn bao nhiêu khuôn mặt khác nhau của con người. Mạch cảm xúc tuôn chảy trên trang văn, có cảm giác như nhà văn khóc cười cùng nhân vật, khi thì đầy phấn khích, lúc lại giằng xé đớn đau.
Đọc tác phẩm của Trần Thanh Cảnh mới thấy ông không chỉ có duyên với đề tài lịch sử mà cuộc sống hiện thực mới là mảnh đất để ông cày xới, gieo trồng con chữ. Ông viết nhanh, mạnh mẽ, chắc gọn và tác phẩm nào ra mắt, ngay lập tức gây “bão”, nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tếu táo nhận xét ông là “Dược sĩ già, nhà văn trẻ”, có lẽ cái trẻ ở đây chính là giọng văn của ông, những đứa con tinh thần gây bão của ông chăng?
2. Hẹn gặp ông xin phỏng vấn cho mấy chương trình văn nghệ, cũng vì tò mò muốn biết mặt ngang mũi dọc của ông “nhà văn dược sĩ” đình đám đất Kinh Bắc như thế nào, ông vui vẻ nhận lời. Không như hình dung của tôi, nhà văn Trần Thanh Cảnh trông rất hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, hóm hỉnh. Khác với giọng điệu tưng tửng, táo bạo, dữ dội trong văn chương, ngoài đời, ông nói chuyện bằng ngữ điệu nhẹ nhàng, sâu sắc.
Tôi nhắc đến tiểu thuyết “Đức Thánh Trần” và đưa ra những thắc mắc về cách viết sex của ông trong tác phẩm. Ông lại hỏi tôi: “Họ cũng là con người, càng viết chân thực và trung thực về đời sống của con người, kể cả sex thì có hơn không hay chỉ tô vẽ công trạng của họ, bắt họ sống như thánh thần?”. Nhà văn đã không ngần ngại khi viết về những nhân vật lịch sử, viết một cách trung thực và thẳng thắn, rất con người và chính vì thế mà nhân vật lịch sử qua trang sách của ông được soi chiếu đa chiều, càng trở nên vĩ đại hơn.
Tôi hỏi ông về những nhân vật trong “Kỳ nhân làng Ngọc” và “Đại gia và 3 bà vợ”, ông cười mà nói rằng: “Văn tôi là con người tôi, tôi viết như một nhu cầu giải tỏa và các nhân vật trong truyện phần nhiều là những hình mẫu ngoài đời, tôi đưa vào trang sách. Ký ức được tái hiện, sắp xếp và tôi chỉ việc chép lại. Mỗi khi xong một tác phẩm, tôi như trút bỏ một gánh nặng. Viết văn trước hết là “ăn thịt” mình, “xẻ thịt” mình, nghĩa là moi hết tim gan mà viết”.
Rồi ông kể cho tôi nghe một chuyện mà ông bảo đau đáu mấy ngày nay, không ngủ được, đó là cái chết của một cô bé 17 tuổi bị bệnh AIDS từ nhỏ, bố mẹ cô bé cũng chết vì căn bệnh này, cô bé được người bác ở Thái Nguyên cưu mang nuôi dưỡng. Trước khi mất một tuần, cô bé đến nhà một người bạn của nhà văn chơi, người bạn hỏi cô bé muốn đi chơi ở đâu, cô bé trả lời là muốn đi siêu thị, muốn mua đồ chơi trẻ con vì cô bé chưa bao giờ có đồ chơi, chưa được vào siêu thị.
Ông nói, ánh mắt rất buồn, lặng lẽ: “Cô bé 17 tuổi mà chưa bao giờ có một món đồ chơi, chưa bao giờ được vào siêu thị chơi, quá tội nghiệp. Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt của cô bé ấy, có cái gì căm phẫn, đau đớn, uất nghẹn. Nó muốn sống mà không được sống”. Tôi hỏi: “Liệu rằng câu chuyện này sẽ được ông viết thành truyện ngắn?”.
Ông im lặng rất lâu rồi trả lời: “Chưa biết có viết hay không nhưng câu chuyện này làm tôi buồn quá! Cảm giác bất lực và đau đớn cho phận người mong manh. Phải để nó thành ký ức, khô quắt đi, rồi khi cảm xúc gọi về, tôi sẽ viết”. Tôi cảm nhận một tâm hồn đa cảm, thương người và đầy trăn trở của ông. Có lẽ vì thế mà Trần Thanh Cảnh luôn sống hết mình với những đứa con tinh thần, bao giờ cũng ám ảnh, dằn vặt, đau đáu.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh (phải) trong buổi giới thiệu thơ của tác giả trẻ Nguyễn Thúy Quỳnh |
Nhà văn Trần Thanh Cảnh rất khiêm tốn khi nói về những tác phẩm của mình, ông xác định viết văn như một nhu cầu giải tỏa bao nỗi uẩn ức, trăn trở trong lòng, ông thường nói vui rằng “Các ông bạn tìm đến thú vui như cây cảnh, chim muông thì tôi tìm đến văn chương cũng thế, đó là một cuộc chơi”. Và sự dấn thân vào văn chương mỗi ngày đã khiến ông say mê, ông viết rất khỏe, đều đặn, bền bỉ. Những trang văn ắp đầy chất liệu cuộc sống, sinh động và cuốn hút. Ông vui với những thành công của mình bởi chính những đứa con tinh thần ông tạo ra đã nói hết tâm can ông, con người ông.
Tôi hỏi tiếp: “Những tác phẩm mang lại cho nhà văn sự nổi tiếng, ông có bị áp lực không? Ông có dự định viết tiểu thuyết lịch sử nữa không?” nhà văn chia sẻ: “Như tôi đã nói ở trên, khi tôi viết văn thì đó là sự giải thoát, là một cuộc chơi và mọi sự trong cuộc đời tôi gần như đã an bài.
Tôi đã chấp nhận đó là số phận của mình nên điều mong muốn nhất khi cầm bút là được viết, được đưa đến bạn đọc của mình những trang viết thật sự vắt ra từ trí não, tâm huyết của mình. Những trang viết nói về nhân tình thế thái. Về số phận gian lao cay đắng của dân tộc mình, đất nước mình... Viết với tôi là cứu cánh, là chốn nương náu, là sự khai phóng tâm thế khi đó đang có nhiều dồn nén và ẩn ức. Tôi đã nhiều đêm thức đọc sách và suy nghĩ lý giải mọi thứ tại sao lại thế này mà không thế kia?”.
Tôi hiểu cảm xúc và tâm trạng day dứt của nhà văn khi ông nói ra những điều này, và chỉ trên trang sách, ông mới trút bỏ mọi day dứt, trăn trở. Chính vì thế mà ông viết say mê, viết rất nhanh, diễn tả hết mọi cung bậc cảm xúc, trạng thái. Ông hay nói vui là tôi tự hành xác mình nhưng như thế mới thỏa mãn, vì đó là mình. Sự thẳng thắn trong tính cách và trong văn chương khiến cho Trần Thanh Cảnh mang một diện mạo khác biệt, đó là sự mạnh bạo, dấn thân, dám nghĩ, dám làm. Ông không thích sự nổi tiếng hay bóng bẩy, không thích nói nhiều về mình nhưng những gì ông đã làm được trong sự nghiệp văn chương cũng đủ để công chúng biết và hiểu về ông, một con người tận hiến với nghề.
Con đường văn chương vốn rất công bằng cho những ai thực tài và có tâm, viết bằng cả khối óc và con tim, viết bằng cả nước mắt đau đớn và hạnh phúc, viết để giải thoát mọi u uẩn, bức bối và ám ảnh với đời, chắc chắn tác phẩm của họ sẽ được công chúng đón nhận và trân trọng. Những đề tài lịch sử hay đời sống hiện tại, nhân vật lịch sử hay con người đời thường đã được nhà văn Trần Thanh Cảnh tái hiện trên trang sách của ông sinh động, trung thực, gần gũi. Đọc Trần Thanh Cảnh để chúng ta hiểu hơn về một nhà văn tự thức tỉnh, tự đào xới và dâng hiến.