Nhà văn 'xé rào'

(PLO) - Người ta nói, sức sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ là vô hạn, điều quan trọng là người nghệ sĩ có tự “xé rào”, bước ra khỏi giới hạn của chính mình hay không. Nhiều trường hợp “thử sức” và làm nên “chuyện lạ” của văn đàn Việt đã phần nào minh chứng cho điều này.
Tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới ra mắt, mặc dù khác biệt so với văn phong trong sáng vốn có của ông nhưng vẫn được độc giả nhiệt liệt đón nhận.
Tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới ra mắt, mặc dù khác biệt so với văn phong trong sáng vốn có của ông nhưng vẫn được độc giả nhiệt liệt đón nhận.

Nguyễn Nhật Ánh suýt gắn mác 18+ cho tác phẩm

Mới đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại một lần nữa khẳng định được sức hút của mình, khi cảnh những dòng người xếp hàng trên phố để mua sách mới xuất bản và xin chữ kí của ông lại tái hiện. Quyển sách mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh có tên gọi “Ngày xưa có một chuyện tình”, tuy mới ra mắt ngày 14/9 vừa qua nhưng hiệu ứng từ phía khán giả cho thấy, rất có thể đây lại là một tác phẩm đạt kỉ lục xuất bản nữa của ông. 

“Ngày xưa có một chuyện tình” khác hẳn với những tác phẩm trước đây của Nguyễn Nhật Ánh. Không phải sự nhẹ nhàng, hồn nhiên của những tình bạn ngây ngô tuổi học trò, cũng không phải những mối tình thơ ngây đáng yêu mà các nhân vật đều trong veo, có chút khờ khạo tồ tồ, “Ngày xưa có một chuyện tình” là sự bước tiếp của những tình yêu trong trẻo từng có ở các tác phẩm trước đây.

Là tình yêu rất “đời” của thực tế ngày nay, ở đó có cả sự say đắm, dục vọng, sự sa ngã, có cả những người mẹ trẻ đơn thân, cả sự cô đơn và nỗi đau. Truyện cũng chứa đựng cả những cảnh trần trụi của cuộc sống tới mức Nguyễn Nhật Ánh thổ lộ, ông suýt nữa gắn mác 16+, 18+ cho tác phẩm của mình vì nhiều chi tiết khá nhạy cảm.

Chia sẻ với độc giả lý do khiến mình “đổi hướng” khỏi bút, Nguyễn Nhật Ánh nói rằng, ông như người vác cây thập tự “văn học tuổi hồn nhiên” quá nặng, giờ ông muốn vượt ra khỏi cái giới hạn đó. Ông muốn độc giả biết, ông cũng có thể là nhà văn của những câu chuyện tình “người lớn” hơn, cũng có thể đi ra khỏi những hàng rào để thử sức trong những điều mới mẻ.

Chính nhờ cái ý muốn “vượt rào” và “làm mới” này, cuối cùng Nguyễn Nhật Ánh đã đem tới cho độc giả một truyện tình lạ lẫm, mang màu sắc rất đặc biệt so với tất cả các quyển sách trong gia tài sáng tác của ông. Nguyễn Nhật Ánh cũng không giấu giếm, trước khi quyết định ra mắt “Ngày xưa có một chuyện tình”, ông cũng có chút lo lắng, sợ rằng độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi và những người hâm mộ đã quen thuộc với phong cách của ông không tiếp nhận. Nhưng rút cục, sự dũng cảm ấy đã được đền đáp xứng đáng.

Độc giả là người hưởng lợi

Thông thường, văn chương cũng chia ra những địa hạt riêng mà mỗi nhà văn lựa chọn mảnh đất phù hợp với mình. Chính vì thế, hầu hết mỗi cái tên gắn liền với một dòng sách nhất định: Sách dành cho tuổi hoa, sách dành cho thiếu nhi, sách dành cho người lớn… Nhưng cũng có những trường hợp, nhà văn quyết tâm bước chân ra khỏi mảnh ruộng quen thuộc của mình để thử nghiệm một mảnh đất mới mẻ, tìm kiếm những đối tượng độc giả mới. Như Nguyễn Nhật Ánh, đi từ địa hạt dành cho thiếu niên bước sang vùng đất rộng lớn của văn học dành cho độc giả trưởng thành. Một số trường hợp thử nghiệm vượt giới hạn khác có thể thấy trên văn đàn, có thể kể đến các nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Đình Tú… 

Năm 2010, đang là cây bút bắt đầu có tiếng của văn chương đương đại, năm 2010, Nguyễn Vĩnh Nguyên đột ngột xuất bản tác phẩm “Đi tìm hoang dã”, một quyển sách dành cho thiếu nhi (và cả người lớn). Lúc bấy giờ, quyển sách có trình bày khá bắt mắt và khá khác biệt, đã trở thành một “món ăn lạ” cho dòng văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, có lẽ vì quá lạ lẫm mà cuối cùng quyển sách đã không được nhiều thiếu nhi đón nhận. Một trường hợp “rẽ ngang” khá đặc biệt khác là nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Nguyễn Đình Tú từng rất nổi tiếng với những tiểu thuyết tâm lý hình sự, có quyển đã được dựng thành phim như “Âm bản”, “Hồ sơ một tử tù”, “Hoang tâm”… Chưa bao giờ Nguyễn Đình Tú nghĩ mình “liên quan” gì đến dòng văn học thiếu nhi. Thế mà nhờ được đặt hàng, nỗ lực đặt mình vào tâm lý trẻ thơ để viết, anh đã cho ra mắt quyển sách thiếu nhi đầu tay vào năm 2014 “Ba nàng lính ngự lâm” khá thành công, và hiện Nguyễn Đình Tú đang tiếp tục với hành trình tìm mẹ đầy cảm động chinh phục các em nhỏ trong tác phẩm “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”.

Nhiều người cho rằng, Nguyễn Đình Tú có duyên với sách thiếu nhi và hiện anh sẽ “gieo trồng” song song ở cả hai mảnh ruộng.

Trường hợp của nhà văn Phan Hồn Nhiên cũng khá đặc biệt. Là một cây bút trẻ của văn học hiện đại, chị đã thử sức với dòng văn học kì ảo, để rồi có hẳn một lối đi mới đầy thành công cho mình. Hầu hết các tác phẩm văn học kì ảo của Phan Hồn Nhiên như  “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt Azoth”, “Xuyên thấm”… đều được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, lại nằm trong những tác phẩm bán chạy cho giới trẻ.

Dám bước ra khỏi vùng đất của mình, phá bỏ lối mòn và những rào cản tự tạo, mạnh dạn thử sức thì dù có thành công hay không, những nỗ lực ấy của người nghệ sĩ đều đáng để trân trọng. Và quan trọng, độc giả sẽ là những người được hưởng lợi từ những thử thách dũng cảm ấy.

Đọc thêm