Nhạc “chế” vi phạm tác quyền sẽ bị gỡ bỏ trên website

Hầu hết nhạc “chế” đều phạm pháp. Vì vậy, không được biểu diễn, lưu hành, kinh doanh, phát sóng nhạc “chế”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ca khúc “Sáu mươi năm cuộc đời” nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân được nghệ sĩ Chí Tài biểu diễn bằng những lời chế hài hước trong chương trình “Bí mật đêm chủ nhật”, phát sóng ngày 26/7 trên kênh HTV7 như sau: “Cô Lan tóc mái ngang/ Dáng cô không đụng hàng/ Nên anh mơ màng/ Ngây ngất yêu Xuân Lan/ Khi anh yêu Lan thì anh yêu thật lòng/ Lan ơi, anh hứa sẽ ngoan/ Lan ơi lấy anh nha/ Sống đến khi mình già/ Anh sẽ mua nhà, mua xế cho em nha/ Anh đi bôn ba rồi kiêm luôn việc nhà, Lan ơi anh muốn làm cha...”.
Nhiều câu hỏi đặt ra sau chương trình này là khi chế lời mới để diễn như vậy, người chế có xin phép tác giả hay không?. Sử dụng nhạc “chế” trong chương trình biểu diễn có vi phạm pháp luật hay không?.
Từ mạng lên sóng truyền hình
Nhạc “chế” tồn tại trong đời sống xã hội như một dạng văn nghệ dân gian, cũng tương tự như chuyện tiếu lâm, chủ yếu là truyền khẩu, giúp mọi người giải trí vui vẻ trong phạm vi từng cộng đồng nhỏ hẹp. Những ca khúc chế lời trên thực tế rất có sức hút đối với người nghe, nhất là khi nội dung lời ca có tính hài hước, gắn với một sự kiện nào đó mà dư luận đang rất quan tâm. 
Nhạc “chế” được đưa lên mạng và tạo hiệu ứng lớn nhất có lẽ là bài “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” chế lại từ bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải - thơ Bùi Thanh Tuấn. Từ đó, cứ có sự kiện là nhạc “chế” xuất hiện trên các trang mạng. Nhiều trang nghe nhạc trực tuyến khai thác những bài hát chế lời này nhằm mục đích câu khách.
Nhạc “chế” phần nhiều có nội dung mang tính hài hước nên hầu hết những nghệ sĩ hài đều “lận lưng” những ca khúc được chế lại lời hài hước để chọc cười khán giả. Từ sân khấu, nhạc “chế” xuất hiện trong nhiều chương trình hài phát sóng trên các đài truyền hình: “Gặp nhau cuối năm - Táo quân VTV”, “Ơn giời, cậu đây rồi!” trên VTV3, “Bí mật đêm chủ nhật” trên HTV7...
Tiết mục trình diễn nhạc chế của Chí Tài trong “Bí mật đêm chủ nhật” Ảnh: LÊ NHÂN
Tiết mục trình diễn nhạc chế của Chí Tài trong “Bí mật đêm chủ nhật” Ảnh: LÊ NHÂN
Việc chế lời các bản nhạc danh tiếng của Việt Nam lẫn ngoại quốc đã trở thành “mốt” không chỉ ở thế giới hài. Trang web của hội những người thích chế lời bài hát thu hút hơn 10.000 người tham gia.
Mới đây, ca khúc “Và tôi cũng yêu ăn” do Bùi Nhật Anh chế lại lời của bài hát “Và tôi cũng yêu em” (Đức Huy) được nhiều người thích khi phổ biến trên internet, thậm chí “tác giả” chế lời còn được Đài Truyền hình Việt Nam mời phỏng vấn nhân vật trong chương trình “Cuộc sống thường ngày” của kênh VTV1.
Tác giả không mấy chú tâm
Nhiều tác giả âm nhạc tỏ ra không quan tâm lắm đến nhạc “chế” và việc kinh doanh nhạc “chế” từ tác phẩm của mình trên các phương tiện thông tin giải trí mà chỉ chú tâm đến những trường hợp sử dụng tác phẩm của mình trong các chương trình biểu diễn ca nhạc thuần túy có trả tác quyền hay không.
Vợ cố nhạc sĩ Y Vân (tác giả ca khúc “Sáu mươi năm cuộc đời”) nói: “Thực sự, tôi không để ý lắm đến những chương trình hài và cũng chưa nghe được lời chế mới của ca khúc “Sáu mươi năm cuộc đời”. Nhưng tôi thấy chuyện ấy cũng không có gì phải căng thẳng. Họ chỉ làm cho vui thôi nên cũng chẳng hại gì”. Vậy tức là yếu tố tác quyền trong nhạc “chế” chưa được tác giả và người sở hữu tác phẩm quan tâm.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tại TP HCM, khẳng định: “Đó là hành vi vi phạm pháp luật bởi hầu hết các ca khúc chế lời đều không xin phép tác giả. Tất cả những bản nhạc “chế” (được xem là tác phẩm phái sinh) bất hợp pháp được sử dụng khai thác với mục đích kinh doanh hay không kinh doanh trên các trang mạng như YouTube, nghe nhạc trực tuyến đang hoạt động hợp pháp kể cả việc trình diễn trong các tiết mục tấu hài trên sân khấu, trong những chương trình truyền hình đã và đang phát sóng đều được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT)”.
Cũng theo ông Cẩn, những đoạn quảng cáo thường sử dụng các ca khúc nổi tiếng để làm nhạc nền, nhạc hiệu, dù chỉ chỉnh sửa 1-2 từ trong ca khúc, người sử dụng vẫn phải xin phép tác giả và sử dụng sau khi đã đóng tiền tác quyền đầy đủ.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, khẳng định: “Sở không bao giờ cấp phép cho những chương trình biểu diễn nhạc chế và cũng không cấp phép cho ca khúc đổi lời ca. Nếu không có sự đồng ý của tác giả thì rõ ràng đó là hành vi phạm pháp”.
Gỡ bỏ những tác phẩm vi phạm
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thời gian qua cũng đã tiến hành các biện pháp, như: Yêu cầu các website gỡ bỏ những tác phẩm có hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm phái sinh bất hợp pháp nêu trên; cung cấp cho các website danh mục các tác phẩm do chính tác giả kê khai và yêu cầu sử dụng đúng tên tác phẩm, tác giả khi đưa thông tin tác phẩm lên các website này; tuyên truyền cho các tác giả, các nhà xuất bản về việc khi làm tác phẩm phái sinh từ các tác phẩm không thuộc quyền sở hữu của mình thì phải xin phép tác giả trước khi thực hiện và xuất bản (bao gồm các tác phẩm Việt Nam và quốc tế).
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, việc các website cho phép người dùng đăng tải các tác phẩm này mà không kiểm duyệt nội dung cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với hình thức sử dụng kể trên.
Ông Cẩn khẳng định rằng thời gian tới, ngoài các biện pháp nêu trên, trung tâm sẽ phối hợp với tác giả để xác định tính hợp pháp (là tác giả cho phép) hoặc bất hợp pháp đối với các tác phẩm phái sinh để xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả nêu trên. Trung tâm cũng sẽ làm việc với các website để thống nhất việc gỡ bỏ những tác phẩm vi phạm.
Quyền nhân thân của tác giả quy định tại khoản 4, điều 19 Luật SHTT năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Căn cứ Quyền tài sản của tác giả quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều 20 Luật SHTT, việc sữa chữa, cắt xén, công bố tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc (bao gồm các tác phẩm nổi tiếng hay không nổi tiếng) khi chưa được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cho phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả, những tác phẩm này được gọi là tác phẩm phái sinh bất hợp pháp.