Vở nhạc kịch lan tỏa hình tượng cao đẹp về chiến sĩ cách mạng
Hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025), Nhà hát Tuổi trẻ chính thức dàn dựng vở nhạc kịch đặc biệt “Lửa từ đất”. Tác phẩm là câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ - Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội. Với lòng yêu nước nồng nàn, sự giác ngộ cách mạng sâu sắc, Nguyễn Ngọc Vũ cùng gia đình và bạn bè cũng như rất nhiều giai tầng người Hà Nội, trong đó có tầng lớp trí thức thành thị, tham gia cách mạng với niềm tin sắt đá vào lý tưởng cách mạng mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã soi đường chỉ lối. Dẫu phải đánh đổi cả thanh xuân trong ngục tù, hay thậm chí phải hy sinh mạng sống cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ và các tầng lớp Nhân dân vẫn quyết không lùi bước, không chịu làm nô lệ.
“Lửa từ đất” là ngọn lửa của lòng yêu nước, niềm tin về một tương lai tươi sáng; là ngọn lửa của đấu tranh giải phóng dân tộc, ngọn lửa của những người anh hùng tiên phong dám hy sinh thân mình và cảm hóa được các tầng lớp Nhân dân (trí thức, công nhân, nông dân...) tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa Mùa thu cách mạng năm 1945. Bằng sự “truyền lửa” cho những người cùng chí hướng đi tiếp hành trình đầy thử thách, cam go nhưng cũng đầy tự hào, vẻ vang, “Lửa từ đất” ấy là ngọn lửa thiêng trong lòng dân. “Lửa” tượng trưng cho tinh thần và niềm tin bất diệt; còn “đất” chính là Nhân dân, tượng trưng cho việc Đảng thắp lên ngọn lửa trong đêm tối của chế độ nô lệ, ngọn lửa này được sinh ra và bùng cháy mạnh mẽ từ Nhân dân bởi chính Đảng được sinh ra từ khát vọng độc lập tự do của dân tộc.
Vở nhạc kịch do NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ làm tổng đạo diễn, kịch bản Lê Quý Hiền, đạo diễn sân khấu Đào Duy Anh, Giám đốc âm nhạc - Minh Đạo với hơn 20 tác phẩm âm nhạc được anh sáng tác hoàn toàn mới, mang nhiều màu sắc, kết hợp nhiều thể loại và hình thức âm nhạc dành riêng cho “Lửa từ đất”. Ngoài ra, phải kể đến những tên tuổi nhiều kinh nghiệm góp sức xây dựng cho vở nhạc kịch như: Họa sĩ NSND Doãn Bằng, NSND Trần Ly Ly, đạo diễn hình ảnh Hoàng Duy Đông...
![]() |
Để vở kịch thành công, dàn nghệ sĩ của Lửa từ đất đã phải casting nhạc kịch nhiều lần với khả năng 3 trong 1 vừa diễn xuất, vừa hát, vừa thực hiện vũ đạo. |
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền tâm sự, khán giả biết tới ông ở sân khấu kịch nói là nhiều. Nhạc kịch là thể loại hoàn toàn mới mẻ, ông chưa biết nhiều về thể loại sân khấu này. Tuy nhiên, ông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao bởi giữa ông và đạo diễn Cao Ngọc Ánh tìm được tương đồng ở tình yêu Hà Nội nên nhà biên kịch này tìm thấy động lực để vượt qua những rào cản trong xây dựng tác phẩm.
Sân khấu vở diễn được thiết kế mang đặc trưng của phố phường Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX. Tác phẩm cũng sử dụng hiệu ứng công nghệ 3D mapping hiện đại để tăng trải nghiệm cho khán giả.
Về vở nhạc kịch “Lửa từ đất”, Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hoàng Quốc Việt khẳng định, đây là tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa, tái hiện quá trình phát triển của Đảng bộ thành phố Hà Nội từ khi thành lập đến nay và cho thấy tinh thần yêu Hà Nội sâu đậm của ê kíp thực hiện. Sau khi công diễn, dự kiến, tác phẩm sẽ được đưa đi biểu diễn tại một số hội trường lớn của Đảng bộ các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm phục vụ và lan tỏa hình tượng cao đẹp về người anh hùng, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Vũ, tới đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
“Lửa từ đất” không phải thể tài kịch tâm lý mà là thể anh hùng ca lãng mạn một cách giản dị, khai thác câu chuyện từ những nhân vật có thật, với bối cảnh câu chuyện từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời, để người xem có thể cảm nhận được hình tượng lòng dân - ý Đảng từ những ngày đầu mới thành lập. Nhạc kịch “Lửa từ đất” dự kiến chính thức được công diễn mở màn vào ngày 15 - 16/3/2025 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
Nỗ lực phát triển loại hình nghệ thuật đẳng cấp
Mười năm trở lại đây, với nỗ lực, tâm huyết đem đến khán giả Việt những vở nhạc kịch, vũ kịch, balet danh tiếng quốc tế và thuần Việt của những nghệ sĩ, các nhà hát trong Nam, ngoài Bắc đã công diễn nhiều vở nhạc kịch đặc sắc. Có thể kể tới: “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ thiên nga”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “High School Musical & Chicago”, “Cây sáo thần”, “Chuyện chàng dũng sĩ”, “Cuộc sống Paris”, “Cô bé bán diêm”, “Những người khốn khổ”, “Bầy chim thiên nga”, “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng”, “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, “Tấm Cám”, “Trót yêu”, “Tôi đọc báo sáng nay”, “Trại hoa vàng”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Hà Nội xưa và nay”, “Mộng ước không xa vời”, “Sóng”, “Giấc mơ Chí Phèo”…
Một vở nhạc kịch tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường, đòi hỏi kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh đều phức tạp mà kỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.
Diễn viên nhạc kịch phải là những người đa năng và hội tụ nhiều kỹ năng như: ca hát, diễn xuất, vũ đạo trong khi Việt Nam ít có chuyên ngành đào tạo diễn viên nhạc kịch. Đa số là những ca sĩ, diễn viên vì đam mê nhạc kịch nên tham gia vào các vở diễn. Ngoài ra, nếu tham gia một vở nhạc kịch nước ngoài, diễn viên còn phải có khả năng ngoại ngữ tốt để hát hoặc thoại. Ðó là thực tế mà khi dựng nhạc kịch nhiều đạo diễn đã “kêu trời” vì tìm diễn viên cho các vai diễn như “đãi cát tìm vàng”.
Ví như để vở kịch thành công, dàn nghệ sĩ của “Lửa từ đất” đã phải casting nhạc kịch nhiều lần với khả năng 3 trong 1: vừa diễn xuất, vừa hát, vừa thực hiện vũ đạo. Các tài năng đã được lựa chọn như: Sao mai Lê Việt Anh, Trần Việt, Trung Hiếu, Dương Minh Anh, Phạm Văn Thọ. Đặc biệt, vở diễn có sự tham gia của NSƯT Thanh Tâm - người sở hữu chất giọng Mezzo Alto trầm ấm.
Ngoài ra, nhạc kịch rất chú trọng phần nhạc, thế nhưng chi phí để mời những nhạc sĩ tên tuổi sáng tác vẫn còn quá lớn trong khi việc sáng tác những bản nhạc cho một vở nhạc kịch không hề đơn giản. Hơn nữa, còn những khó khăn khác cho nhà đầu tư nhạc kịch như: tiền bản quyền cao, chi phí trang thiết bị, nhân lực…
Những vở nhạc kịch ra mắt công chúng thời gian gần đây, cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà hát, nhiều nghệ sĩ. Như chia sẻ của NSND Trần Ly Ly - khi bắt tay thực hiện vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” - chính chị cũng chuẩn bị tâm thế có thể phải bán nhà đề bù đắp vào những chi phí quá lớn.
Tuy nhạc kịch chưa mấy quen thuộc với khán giả, nhưng nhiều nghệ sĩ thấy được tiềm năng phát triển loại hình nghệ thuật đẳng cấp này tương lai gần. Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy là người từng dàn dựng phiên bản chuyển ngữ của các vở nhạc kịch kinh điển của thế giới đồng thời theo đuổi nhạc kịch thuần Việt cũng có cái nhìn lạc quan. Đạo diễn cho rằng: “Nhạc kịch không quá cao cấp và kén người thưởng thức như opera. Nó hoàn toàn có thể “ăn khách” tại Việt Nam bởi tính giải trí cao. Và sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả trong thời gian qua cho thấy nhạc kịch có thể phát triển và “sống khỏe” tại Việt Nam, nếu đi đúng hướng và khai thác đúng cách”.
Đồng quan điểm với đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, NSND Trần Ly Ly từng nhận định: “Nếu không nhìn thấy tiềm năng thì tôi đã không bao giờ làm. Tôi nhìn thấy tiềm năng ngay khi chưa hề có dấu hiệu gì. Tôi nghĩ đó là con mắt nhìn cần có của một người đứng đầu. Tất nhiên, trong quá trình mình làm không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ, trôi chảy như mình tính toán, dự liệu… nhưng nhìn thấy tiềm năng là vấn đề cơ bản để mình quyết tâm làm và có cơ sở thuyết phục các đồng sự cùng dấn thân, cống hiến cho nghệ thuật”.
![]() |
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến khẳng định Nhà hát tiếp tục sáng tạo, xây dựng những vở diễn mới mang phong cách nhạc kịch. |
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Chỉ đạo Nghệ thuật nhạc kịch “Lửa từ đất” khẳng định: “Với sức trẻ của một nhà hát tầm vóc quốc gia, Nhà hát Tuổi trẻ luôn giữ vững niềm tin, đam mê, nhiệt huyết để hòa mình, hội nhập sâu rộng với dòng chảy văn hóa thế giới. Ngoài các vở diễn đặc sắc đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả, gần đây Nhà hát tiếp tục sáng tạo, xây dựng những vở diễn mới mang phong cách nhạc kịch để tiếp cận và phù hợp với xu thế sân khấu hiện nay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đa dạng của công chúng trong thời kỳ mới”.
Với tâm huyết của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn và các nhà văn hóa, mong rằng, những vở nhạc kịch sẽ thu hút nhiều khán giả yêu thích nghệ thuật. Nhạc kịch sẽ nhanh chóng có chỗ đứng xứng đáng và bền vững trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam và lan tỏa ở các quốc gia trên thế giới.