Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: Tiếng thơm còn mãi

(PLVN) - Cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là một nghệ sĩ nổi tiếng của dòng nhạc tiền chiến cùng thời với Phạm Đình Chương, Thẩm Oánh, Lê Thương... Ông sinh ra trong gia đình “thư hương thế gia”, sống cuộc đời đạm bạc, thanh khiết với nghệ thuật cho đến hết cuộc đời.
Cuối đời, dù sống trong cảnh cô đơn, nghèo khó, nhưng ông vẫn giữ cốt cách thanh lịch, nhã nhặn. (Nguồn: Jimmy TV)

Xuất thân dòng dõi

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh vào tháng 5 năm 1915, tại làng Vân Đình, Ứng Hòa (nay thuộc Hà Nội). Gia đình ông vốn có truyền thống nho học, ông nội ông chính là nhà nho Dương Khuê, tự Vân Trình, đỗ tiến sĩ năm 1868. Dương Khuê có bạn thân là Nguyễn Khuyến, với bài thơ được người biết đến “Khóc Dương Khuê”. Cha của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước làm đến chức bố chính tỉnh Hưng Yên.

Sinh ra trong gia đình quyền quý, truyền thống học hành, khoa cử. Dương Thiệu Tước bẩm sinh đã thông minh và có khả năng âm nhạc thiên phú. Từ nhỏ, ông đã thành thạo đàn nguyệt, đàn tranh. Đến lứa tuổi thiếu niên (khoảng 14, 15 tuổi), tiếp xúc với Tây học, ông biết chơi cả đàn piano, guitar. Tài năng âm nhạc của ông được nhiều người biết đến và hết lời khen ngợi, chính gia đình ông cũng có một cửa hàng sửa chữa đàn ở trên phố Hàng Gai, nhờ khả năng chơi được nhiều loại đàn khác nhau mà tiệm nhà ông luôn đông khách.

Nói về cuộc đời thuở thiếu thời của chàng thanh niên Dương Thiệu Tước, không thể không kể đến mối tình với thiếu nữ Vi Kim Ngọc. Ông có vẻ ngoài đẹp trai, hào hoa, nho nhã, cộng thêm tài năng đàn hát, âm luật sâu sắc, Dương Thiệu Tước làm say đắm trái tim của không ít thiếu nữ. Nhưng ông đã gửi gắm trái tim của mình cho nàng tiểu thư mang tên Vi Kim Ngọc (con gái Tổng đốc Vi Văn Định), hai gia đình môn đăng hậu đối. Bên nhà trai của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nhanh chóng mang đồ sang hỏi cưới, nhưng trớ trêu thay, vì chỉ đỗ bằng Điplôme, trượt Tú tài rồi vào học trường nhạc, nhưng trường này khi ấy cũng đóng cửa vì khủng hoảng kinh tế. Thế là họ nhà gái đã trả lại đồ lễ.

Tiểu thư Vi Kim Ngọc sau này đã sánh đôi với một chàng du học sinh tiến sĩ tại Pháp mới trở về nước mang tên Nguyễn Văn Huyên. GS.TS Nguyễn Văn Huyên sau này chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên tại Việt Nam. Chuyện tình của cặp đôi trai tài gái sắc cũng đã trở thành một giai thoại được nhiều người biết đến.

Cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh ra trong một gia đình “thư hương thế gia”.

(Nguồn: VMEF)

Trở lại với chàng trai Dương Thiệu Tước, đau buồn trước mối tình lỡ dở, ông đã lấy người vợ đầu tên Lương Thị Thuần và có 5 người con. Hôn nhân không tình yêu khiến ông chán nản, thời gian này, ông rất ít sáng tác nhạc. Sau đó, hai người dần đến hồi kết và chia tay nhau.

Năm 1938, ông cùng nhóm Myosotis đã cho xuất bản những nhạc phẩm đầu tiên của tân nhạc Việt như “Đồi oanh vàng”, “Hoa tàn”, “Phút vui xưa”… Cũng trong năm này, Myosotis đã có buổi trình diễn trước đông đảo công chúng tại rạp Olenpia (nay là rạp Hồng Hà đối diện chợ Hàng Da - số 51 Đường Thành, Hà Nội), sau đó thường xuyên được Hội Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn mời biểu diễn. Ông cũng thành lập hội khuyến nhạc cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh để cổ động và phổ biến tân nhạc Việt.

Đến khi gặp ca sĩ Minh Trang, một nữ danh ca nổi tiếng thời bấy giờ trên đài Pháp Á với giọng ca trầm bổng, thời gian này, ông như lấy lại được tâm hồn sáng tác, bắt đầu viết nên những ca khúc để đời. Âm nhạc của ông được đánh giá là những nốt trầm bổng của phương Tây và mang âm hưởng ngọt ngào, sâu lắng của nhạc cổ truyền.

Những sáng tác như thơ, như mộng

Phải nói rằng, Dương Thiệu Tước là một ca sĩ tài hoa bậc nhất của Việt Nam giai đoạn tân nhạc (dòng nhạc tiền chiến). Ông không những nắm vững âm luật của nhạc phương Tây, mà còn là người biết chơi, cảm thụ nhiều loại nhạc cụ hiện đại, dân tộc. Chính ông đã sáng tác một bản nhạc không lời có tựa tiếng Pháp bằng đàn Hạ Uy Cầm. Thính giả của Đài Phát Thanh Sài Gòn năm xưa hẳn vẫn còn nhớ tiếng Hạ Uy Cầm dịu dặt, ngọt ngào của ông trong hai thập niên hàng đêm vẫn ru hồn người qua các tình khúc nổi tiếng như “Bến xuân”, “Suối mơ” của Văn Cao, và cả bản “Ngọc lan” do chính ông sáng tác.

Mỗi ca khúc của ông như dệt nên hàng trăm lời thơ, ánh vàng, hoa nắng, khiến người nghe không khỏi rung động, xao xuyến. Các bản nhạc pha trộn giữa giai điệu của phương Tây và nét mộc mạc, cổ điển của phương Đông như “Tiếng xưa” (sáng tác năm 1939), “Đêm tàn bến ngự” của Dương Thiệu Tước như một cung đàn trong đêm trăng, từng giọt đàn như rơi xuống, khiến khán giả mê mắn lắng nghe. “Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng/Nhớ chăng non nước Hương Bình/Có những ngày xanh, lưu luyến bao tình/Vương mối tơ mành”.

Những bài ca đậm chất dân tộc như “Đêm tàn bến ngự” sáng tác trong giai đoạn năm 1939 - 1940, được nhạc sĩ gửi gắm riêng tâm tình của mình dành cho “nàng thơ” của ông - ca sĩ Minh Trang, người con gái xứ Huế làm trái tim ông rung động, thổn thức. Cuối thập niên 1940 - 1950, ông sáng tác rất nhiều ca khúc được công chúng yêu mến cho đến nay gồm có: “Kiếp hoa”, “Áng mây chiều”, “Xuân tươi”, “Dưới nắng hồng thiếu niên xuân khúc”,...

Đến năm 1951, ông kết hôn cùng nữ ca sĩ Minh Trang, đây là lần kết hôn thứ 2 của cặp vợ chồng nghệ sĩ. Giai đoạn này, ca sĩ Minh Trang đã hát và cùng sáng tác một số ca khúc với Dương Thiệu Tước. Gia đình nhỏ của ông tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có rất nhiều bản nhạc để đời. (Nguồn: Nhạc xưa Blog

Thời kỳ chiến tranh bùng nổ, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vẫn tiếp tục sinh sống ở Hà Nội. Ông dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ, liên tục sáng tác các ca khúc mang niềm tin, hy vọng vào một tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam. Một số bài hát của ông nổi tiếng lúc này như “Ôi quê xưa”, “Bóng chiều xưa”, “Mơ tiên”,.... Thể hiện một cái nhìn rất độc đáo của riêng ông. “Rồi một chiều thu về cố hương/Nhìn cảnh làng xưa bếp hoang tàn đìu hiu gió sương/Nhìn xóm nhà vắng thưa nhớ chốn đây năm nào/Chiều chiều bao người hẹn nhau đến bên nhịp câu” (Bài hát “Ôi quê xưa”).

Đến năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, ông vẫn tiếp tục dành hết tâm huyết cho nghệ thuật. Ông phụ trách ban nhạc “Cổ kim hòa điệu” trên làn sóng điện Đài Phát thanh Sài Gòn và dạy nhạc tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. Thời điểm này, ông vẫn sáng tác một số bài hát mới như “Bạn cùng tôi”, “Đêm ngắn tình dài”, “Thiết tha vài lời”. Tuy nhiên, càng về sau này, ông ít sáng tác nhạc hơn, dành phần lớn thời gian vào sự nghiệp giảng dạy âm nhạc.

Trong chặng đường nghệ thuật kéo dài hàng chục năm của mình, ông sáng tác khoảng hơn 200 bài nhạc, trong đó có những bài phổ biến cho đến bây giờ, như “Ngọc lan”, “Tiếng xưa”, “Chiều”, “Đêm tàn Bến Ngự”,... và được ấn hành khá nhiều lần. Ngoài những bài nhạc tình, ông còn viết những bài hùng ca và viết những bài nhạc cho thiếu nhi, như bài “Uống nước nhớ nguồn” được ông viết chung với Hùng Lân. Riêng bài “Ơn nghĩa sinh thành” của ông được hát nhiều trong dịp lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ.

Những nhạc phẩm của ông được nhiều ca sĩ trình bày, Thanh Thúy, Mai Hương, Quỳnh Dao và cả người vợ sau của ông là ca sĩ Minh Trang cất lên tiếng hát. Sau năm 1975, một số nhạc phẩm của ông được ca sĩ Ánh Tuyết thu âm, trình bày cũng được rất nhiều người yêu mến.

Giữ cốt cách người Tràng An cho đến những năm tháng cuối đời

Đến năm 1975, ca sĩ Minh Trang cùng các con của ông di cư sang nước ngoài sinh sống. Nhưng Dương Thiệu Tước vẫn ở lại Việt Nam, ông sống một mình, cô đơn, lẻ bóng. Tuy nhiên, tên tuổi của ông vẫn được rất nhiều người hâm mộ nhớ đến. Trong một lần đến trò chuyện với những người yêu âm nhạc của mình, ông gặp lại cô học trò cũ khi xưa mang tên Nguyễn Thị Nga. Bà yêu thầm ông từ rất lâu, luôn dành một phần trái tim mình hướng về ông. Dương Thiệu Tước dọn về chung sống với bà Nga. Hai người ở trong một căn nhà nhỏ, đơn sơ.

Theo câu chuyện mà nữ ca sĩ Ánh Tuyết kể lại, khi đạp xe đến nhà nhạc sĩ Dương Thiệu Tước để gửi tiền tác quyền cho ông. Căn nhà của ông nhỏ bé, mộc mạc với một chiếc giường, chiếc TV đã cũ. Cuộc sống của ông dù khó khăn, nhưng nhạc sĩ vẫn giữ được cốt cách của những người Tràng An thuở xưa.

Ông luôn mặc bộ quần áo chỉnh tề, phẳng phiu. Khuôn mặt, thần thái của nhạc sĩ vẫn toát lên phong thái điềm tĩnh, trầm mặc, ung dung, lễ độ. Khi nhận được tiền tác quyền ngay trước dịp Tết, ông rất vui mừng. Ông thậm chí đã viết một bức thư cho nữ ca sĩ Ánh Tuyết. Trong thư ngôn từ sử dụng vô cùng nhã nhặn, lịch thiệp. Ông vừa khen những điểm mạnh của bà, đồng thời cũng chỉ ra những phần chưa tốt của nữ ca sĩ. Ca sĩ Ánh Tuyết đã rất cảm động, gọi ông trìu mến với cái tên “ông già cốt cách”.

Đến tháng 8, năm 1995, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước qua đời tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi, kết thúc cuộc đời tài hoa, đầy thăng trầm, biến cố. Những bản nhạc của ông hiện nay vẫn được nhiều người hâm mộ trong và ngoài nước nhớ đến. Tên tuổi của ông vẫn là một “ngôi sao sáng” trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam.