Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.
Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Chuyện tình ngang trái của nhạc sĩ toàn tài

Nhạc sĩ Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, ông sinh ngày 12/10/1941 tại Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã là một người thông minh, có nhiều tài năng, được gia đình đầu tư cho học ở các ngôi trường nổi tiếng. Ông từng học tại Trường Hàng Vôi, sau đó là Trường Chu Văn An vào những năm trung học. Đến khi gia đình chuyển vào Sài Gòn (TP HCM) sinh sống, ông lại tiếp tục theo học những ngôi trường danh tiếng lúc bấy giờ là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1953 - 1954), Đại học Khoa học Sài Gòn (1959), Đại học Luật Khoa Sài Gòn (1963).

Không những có nền tảng học vấn tốt, nhạc sĩ Đỗ Lễ còn có tài năng sáng tác âm nhạc từ bé. Từ năm 10 tuổi, ông đã tự học nhạc, đến năm 15 tuổi bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên. Tuy nhiên, trong giai đoạn thiếu thời, ông không gây được tiếng vang bằng tài năng âm nhạc của mình. Phải đến lúc ngoài hai mươi tuổi, trải qua mối tình day dứt với nữ ca sĩ Lệ Thanh, ông mới có những sáng tác để đời là chùm ba ca khúc “Sang ngang”, “Chia ly” và “Tình phụ”.

Câu chuyện tình của Đỗ Lễ với Lệ Thanh bắt đầu khoảng những năm 50 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ, Lệ Thanh đã là một ca sĩ có tiếng. Bà nổi bật nhờ vẻ đẹp nhẹ nhàng, trong trẻo, giọng ca dịu dàng, ấm áp. Các nhà văn thời đó ca tụng bà giống như một nữ sinh e ấp, ngọt ngào trong những bộ váy, áo dài màu thiên thanh, màu trắng, xám bạc,... khiến biết bao người đàn ông say mê trồng “cây si”. Nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng như vậy, ông yêu tha thiết nàng kiều nữ Sài Gòn.

Nữ danh ca Thanh Lan từng viết về nhạc sĩ Đỗ Lễ và ca khúc “Sang ngang” như sau: “Anh đến với khán thính giả yêu nhạc bằng đôi hia bảy dặm, chỉ cần đặt bút viết xuống đôi lời thủ thỉ “Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi…”, anh đã trọn vẹn nắm được con tim của tất cả những ai đã từng nếm được hạnh phúc cũng như đau thương của tình yêu đích thực”.

Tuy nhiên, vì gia cảnh nghèo không “môn đăng hậu đối”, cộng thêm tính cách của Lệ Thanh vốn đoan trang, nền nã, không gần gũi với bất cứ người đàn ông nào lúc bấy giờ. Cho nên có lẽ, tình cảm của Đỗ Lễ chỉ đến từ một phía. Sau mười năm ca hát, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Lệ Thanh tuyên bố giải nghệ đi lấy chồng, dứt khoát rời xa sự nghiệp ca hát của mình. Bà để lại cho người hâm mộ biết bao nuối tiếc và làm “tan vỡ” không ít trái tim của những chàng trai thầm yêu bà, trong đó có Đỗ Lễ.

Bởi quá yêu thương nàng ca sĩ Lệ Thanh, Đỗ Lễ không kìm được lòng sáng tác ca khúc “Sang ngang” với lời ca day dứt, đau thương. “Thôi nín đi em!/Lệ đẫm vai rồi/Buồn thương nhớ ơi!/Anh hỡi đôi mình/Mộng nay đã tan/Tình đã dở dang”. Bài hát đã đưa tên tuổi của ông đến gần với công chúng, gây dựng nên danh tiếng cho ông. Các thiếu nữ thời ấy mê mẩn những bản tình ca buồn của ông. Họ hâm mộ nói với nhau rằng Đỗ Lễ là “một người đàn ông si tình”. Vì lời ca của ông sao mà quyến luyến, nặng tình, thủy chung và sắt son như vậy.

Sau khi chứng kiến Lệ Thanh “sang ngang”, ông tìm tới men rượu, say trong nỗi đau và sáng tác thêm nhiều điệu nhạc khúc theo nhịp điệu slow, vừa ca ngợi tình yêu, vừa than thở cho thân phận một người đàn ông bị lỡ duyên với cô gái mình yêu. Cũng vì nhớ thương người cũ, mà ngay đến người vợ duy nhất ông lấy trong cuộc đời là nữ ca sĩ Hoài Xuân cũng phảng phất bóng dáng của danh ca Lệ Thanh.

Cố nhạc sĩ Đỗ Lễ là một người tài hoa. (Nguồn ảnh: Chuyện Xưa)

Cố nhạc sĩ Đỗ Lễ là một người tài hoa. (Nguồn ảnh: Chuyện Xưa)

Lâm Tường Dũ viết: “Khoảng cuối năm 1964, ở tại một phòng trà nhỏ nằm gần đường Đinh Tiên Hoàng, Dakao, Tân Định có cái tên rất là Nhựt Bổn Kontiki. Nhạc khúc “Sang ngang” được một ca sĩ hạng B tên Hoài Xuân trình bày. Cô ca sĩ khoảng 17, 18 tuổi rất xinh, rất đẹp có đôi mắt buồn não nuột. Nàng cất giọng ca thê lương băng giá cả màn đêm. Bản nhạc này được giới thưởng ngoạn buổi đó khen ngợi nhiệt tình...”.

Theo nhiều người kể lại, lần đầu chứng kiến ca sĩ Hoài Xuân hát ca khúc “Sang ngang”, Đỗ Lễ ngồi ở dưới không rời mắt khỏi vẻ đẹp u buồn, thoáng nét sầu mơ của cô. Từ đó về sau, dù cô đi diễn ở bất cứ phòng trà nào, ông cũng tham gia ngồi nghe. Đỗ Lễ ân cần đưa đón nữ ca sĩ trẻ về nhà, trở thành một điểm tựa cho cô. Tuy nhiên, một số người thân thiết với Đỗ Lễ cho rằng, ông tìm thấy những nét tương đồng của Hoài Xuân với Lệ Thanh khi cô trình diễn trong các phòng trà.

Vì vậy, cuộc hôn nhân của Đỗ Lễ và nữ ca sĩ Hoài Xuân diễn ra rất ngắn ngủi, hai người chóng vánh kết hôn, nhanh chóng ly hôn sau 6 năm chung sống. Cặp đôi có với nhau ba người con. Khi chia tay, đời tư của họ không còn được nhắc đến nhiều nữa. Thời gian đau khổ này ông sáng tác bài “Tình phụ”. Bài hát cũng đã được tuyển chọn vào vòng chung kết những nhạc phim hay tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Tokyo vào đầu thập niên 1970 và cũng là bài hát trong phim “Sóng tình” với diễn viên chính là Thẩm Thúy Hằng.

Lời ca vận vào số phận

Đỗ Lễ được mệnh danh là “cha đẻ của những bản tình ca dang dở”, nhạc của ông mang cái lặng lẽ, âm thầm, sự đau thương trong tình khúc reo hờn trầm buồn đi thẳng vào cuộc đời. Từ muôn trùng, mỗi lần nghe tiếng nhạc trỗi vang là mỗi lần cảm thấy lòng bùi ngùi, se sắt lại, tình bâng khuâng với dòng nước, hồn lơ lửng theo mây gió. Trong những phút tuyệt vời ấy, người ta lại thầm nghĩ tới người nghệ sĩ đã soạn thành những tình khúc dang dở của tình yêu, hình dung đến cái đẹp hào hoa, tao nhã của con người nhiều lãng mạn và mộng mơ, để lòng thổn thức với thế nhân. Và có lẽ lời ca đã “tiên đoán” trước số phận buồn của Đỗ Lễ.

Dù có cả học thức, tài năng, nhưng cuộc đời của Đỗ Lễ vẫn là một câu chuyện đau thương. Cả cuộc đời, ông chỉ dành tình yêu cho một người không bao giờ hồi đáp mình. Đến khi những lời ca của ông phai mờ trong lòng khán giả, ông lại chật vật trong con đường mưu sinh, kiếm sống.

Thời gian đầu, ông từng phụ trách một chương trình ca nhạc hàng tuần trên Đài Truyền hình Sài Gòn mang tên Thời trang nhạc tuyển. Chương trình này quy tụ các ca sĩ như: Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan, Phương Hồng Hạnh, Ngọc Minh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Caroll Kim, Hoài Xuân, Xuân Đào, tam ca Sao Băng, 3 Trái Táo...

Sau năm 1975, ông mở các lớp dạy thanh nhạc để mưu sinh. Thời kỳ đó, ông vẫn giữ được vẻ phong độ, bảnh bao của mình. Một người bạn thân đã miêu tả ông như sau: “Đó là một người đàn ông trung niên chừng 50 tuổi, dáng vẻ đầy tự tin có pha chút tự cao, ăn mặc chải chuốt, cao khoảng 1,60m và hoàn toàn không đẹp trai”. Nhờ danh tiếng của các bài tình ca thuở trai trẻ, ông vẫn được nhiều người mến mộ, tìm đến vì tò mò, vì yêu âm nhạc. Bản thân ông lúc này cũng sống cùng người tình.

Bài hát “Sang ngang” lấy cảm hứng từ mối tình đơn phương của ông với nữ ca sĩ Lệ Thanh. (Nguồn ảnh: Thời Xưa)

Bài hát “Sang ngang” lấy cảm hứng từ mối tình đơn phương của ông với nữ ca sĩ Lệ Thanh. (Nguồn ảnh: Thời Xưa)

Với bản tính hiền lành, nhạy cảm và quảng giao, ông có rất nhiều anh em, bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, ở cái tuổi ngoài năm mươi, Đỗ Lễ vẫn mong muốn được ở gần bên gia đình. Đến năm 1995, ông được người thân bảo lãnh sang Mỹ và sống ở tiểu bang Pennsyvalnia, thành phố Philadelphia. Đây có lẽ là một quyết không đúng đắn, trở thành “con dốc” chôn vùi cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa này. Do không thể thích nghi, hòa nhập với môi trường sống mới, ông bị trầm cảm nặng.

Vào tháng 10/1996, Đỗ Lễ trở về thăm quê hương và đến ngày 24/3/1997 thì đột ngột kết liễu đời mình bằng một liều ký ninh cực mạnh trong căn nhà đang thuê trên đường Trần Đình Xu, quận 1, TP HCM. Đỗ Lễ để lại một số thư tuyệt mệnh. Những bức thư hiện tại vẫn chưa được công bố rộng rãi. Nhưng theo một số người thân, bạn bè của ông chia sẻ, thư nói về những nỗi đau buồn, cảm hứng sáng tác từ các mối tình bi lụy của ông. Người tình Vương Thị Lam Phương chia sẻ, tính cách của ông vốn nhạy cảm, mềm yếu, chỉ cần một chút chuyện buồn cũng có thể khiến ông suy sụp, gục ngã.

Đỗ Lễ ra đi bất ngờ khiến cho bạn bè, thân nhân và người hâm mộ của ông vô cùng đau buồn, tiếc thương. Đến tận bây giờ, những ca khúc của ông vẫn được nhiều nhạc sĩ lựa chọn để trình diễn trên các sân khấu lớn. Cuộc đời tài hoa, cô độc, buồn tủi của Đỗ Lễ vẫn để lại cảm xúc day dứt trong lòng người lỡ ái mộ nhạc của ông.

“Ai từng yêu nhạc mà không âm thầm nghĩ đến Đỗ Lễ, cái lặng lẽ âm thầm ấy là sự đau thương trong tình khúc reo hờn trầm buồn đi thẳng vào cuộc đời. Từ muôn trùng, mỗi lần nghe tiếng nhạc trỗi vang là mỗi lần cảm thấy lòng bùi ngùi, se sắt lại, tình bâng khuâng với dòng nước, hồn lơ lửng theo mây gió. Trong những phút tuyệt vời ấy, người ta lại thầm nghĩ tới người nghệ sĩ đã soạn thành những tình khúc dang dở của tình yêu, hình dung đến cái đẹp hào hoa, tao nhã của con người nhiều lãng mạn...”, nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét.

Đọc thêm