“Nam Bộ quen mà lạ”

(PLVN) - Có một Nam Bộ rất quen, như máu thịt người dân sinh sống nơi đây. Và cũng có một Nam Bộ rất lạ, với một chiều sâu văn hóa, với biết bao điều hay về vùng đất, lịch sử, con người chưa được khám phá hết. Những ngày “Nam Bộ quen mà lạ” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, nhiều bạn trẻ đã ngỡ ngàng với những khám phá mới về Nam Bộ.
Chương trình “Nghệ thuật trình diễn Nam Bộ” diễn ra tại Đường sách TP HCM. (Nguồn ảnh: ĐS TP HCM)
Chương trình “Nghệ thuật trình diễn Nam Bộ” diễn ra tại Đường sách TP HCM. (Nguồn ảnh: ĐS TP HCM)

Bất ngờ nghệ thuật trình diễn Nam Bộ

Có mặt tại Đường sách TP Hồ Chí Minh (HCM) vào thời điểm diễn ra chương trình “Nghệ thuật trình diễn Nam Bộ”, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự say mê và niềm yêu thích khi những bài hò, câu hát, điệu lý mang đậm chất quê Nam Bộ được cất lên giữa lòng thành phố tấp nập.

Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên Trường Đại học Khoa học và Nhân văn TP HCM, quê Tiền Giang chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, em nhớ vẫn thường được nghe hát ru, nghe chị, mẹ và các cô trong xóm hò, lý khi chèo ghe. Nhưng mà lớn lên, quê em thành đô thị, rồi em đi học, lâu lắm rồi không được nghe lại. Giờ đứng giữa Sài Gòn, nghe điệu hát quê hương mà thấy lòng rưng rưng xúc động. Hơn nữa, ngày xưa mình chỉ nghe hay hay, vui vui chứ hoàn toàn không hiểu biết nhiều, giờ mới được tiếp cận những kiến thức sâu sắc, mới mẻ về điệu hò câu hát của người dân Nam Bộ được nhắc đến trong chương trình”.

Còn với những bạn trẻ đến từ những vùng miền khác đang sinh sống tại TP HCM thì chương trình như một “kho báu” đầy mới mẻ chưa được khám phá. Ngoài những hình thức quen thuộc, nhiều nghệ thuật trình diễn ít khi xuất hiện trong đại chúng của nhân dân Nam Bộ cũng được xuất hiện trên sân khấu chương trình: Từ hò lý Nam Bộ, nói thơ Vân Tiên, nói thơ Bạc Liêu, đờn ca tài tử đến cải lương ca ra bộ Bùi Kiệm thi rớt trở về, vọng cổ nhịp 32 Người con gái quê hương, trích đoạn cải lương Tô Ánh Nguyệt…

Tại chương trình, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đã chia sẻ những kiến thức “quen mà lạ” về nghệ thuật trình diễn Nam Bộ. Nhiều bạn trẻ bày tỏ sự ngỡ ngàng khi được biết, các bài ca, hò, lý... Nam Bộ lai bắt nguồn từ miền Trung, mà cụ thể là theo chân những lưu dân vùng Ngũ Quảng đi “mang gươm mở cõi” vào Nam. Rồi khi được “gieo hạt giống”, nảy mầm trên mảnh đất Nam Bộ, bén rễ và đổi thay cho phù hợp với thổ nhưỡng, ngôn ngữ, tính cách phóng khoáng đặc trưng của người Nam Bộ, qua thời gian đã hình thành nên nghệ thuật trình diễn hết sức sinh động, phong phú, mang đặc trưng rất riêng như ngày nay.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, do điệu hát, câu hò, diễn xướng có từ gốc lúa, gắn chặt với đời sống sinh hoạt, lao động của người dân, cho nên trong xã hội hiện đại, nhiều miền quê Nam Bộ bị đô thị hóa, câu hò điệu hát dân gian cũng lui dần ra khỏi đời sống thường nhật.

Chính vì thế, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên chia sẻ, thông qua chương trình, những người tổ chức mong muốn truyền tải đến người trẻ những giá trị văn hóa đặc sắc của tiền nhân, nhằm giúp các em hiểu đúng, cảm thụ và yêu quý văn hóa Nam Bộ một cách trọn vẹn, qua đó góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật trình diễn Nam Bộ trong đời sống hôm nay.

Văn hóa vùng miền là “kho báu” cần khám phá

Chương trình “Nghệ thuật diễn xướng Nam Bộ” nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chủ đề “Nam Bộ quen mà lạ” do Sở Thông tin và Truyền thông, Quỹ Hoa Sen và Đường sách TP HCM tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến. Các hoạt động tại sự kiện bao gồm chuỗi talkshow và triển lãm sách với chủ đề “Nam Bộ quen mà lạ” diễn ra từ 23/9 đến 10/10 tại Đường Sách và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM.

Kết thúc chương trình sẽ là sự kiện ra mắt Thư viện số Nguyễn An Ninh - Chuyên đề Nam Bộ - một cổng thông tin điện tử sưu tầm, lưu trữ, giới thiệu những tài liệu quý, hiếm về Nam Bộ vào ngày 10/10, nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Những ngày qua, thông tin về bộ phim “Đất phương Nam” phiên bản điện ảnh chuẩn bị ra mắt cũng đang làm xôn xao khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Bộ phim cũ được nhắc lại, phim mới được mang ra mổ xẻ, từ đó biết bao kiến thức, biết bao vẻ đẹp, dấu ấn của văn hóa, lịch sử vùng đất Nam Bộ liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội. Từ vẻ đẹp của rừng U Minh, vụ án Nọc Nạng ở Bạc Liêu, những vở cải lương xưa, hay các nhân vật “truyền kì” của vùng đất như bác Ba Phi...

Cải lương Nam Bộ gần đây cũng có dấu hiệu phát triển mạnh hơn, khi liên tục những vở diễn mới ra mắt và được khán giả ủng hộ, nhiều cuộc thi cải lương có độ “hot”, đồng thời cải lương cũng lan tỏa trên mạng xã hội, được giới trẻ chia sẻ trong thích thú.

Điều này cho thấy rằng, với người trẻ thế hệ hôm nay, Nam Bộ vẫn là “cái gì đó” gần gũi, thân thương, mang nhiều thương mến. Và Nam Bộ cũng mang trong mình vẻ đẹp khác biệt, nhiều bí ẩn thẳm sâu mà họ cần được khơi nguồn để tìm hiểu, khám phá.

Mở rộng ra, văn hóa Bắc Bộ hay miền Trung, Tây Nguyên cũng thế, vẫn luôn là một “kho báu” đối với những người trẻ thích “ôn cố tri tân” qua cái nhìn của thời đại mới. Cần có thêm nhiều chương trình hay, những sản phẩm văn hóa đủ hấp dẫn để người trẻ ngày nay không còn thờ ơ với văn hóa dân tộc mà được “kích thích” để đi sâu tìm tòi, khám phá, từ đó yêu mến và chung tay gìn giữ di sản cha ông để lại.