Nhạc sĩ Vĩnh Cát - lãng tử đất Hà thành

(PLVN) - Ở “tuổi xưa nay hiếm” nhưng nhạc sĩ Vĩnh Cát được mệnh danh là người lãng tử và chịu chơi đất Hà Thành khi sẵn sàng bỏ tiền tỉ làm liveshow “Ngôi sao Hà Nội”. “Tôi chấp nhận mất một căn nhà nhỏ hoặc ô tô hạng sang để làm chương trình âm nhạc để đời. Âm nhạc cho tôi tất cả: cuộc sống, gia đình, đồng nghiệp… nên tôi cũng sống chết với âm nhạc”, nhạc sĩ 85 tuổi tâm sự.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát.

“Cha đẻ” nhạc giao hưởng Việt

Giáo sư, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc giao hưởng Nguyễn Vĩnh Cát là “cha đẻ” của những ca khúc nổi tiếng: “Ngôi sao Hà Nội” hay “Sa Pa thành phố trong sương”, “Vườn nhãn quê hương”, “Bạn ơi, hãy nghe Bến Hải tâm tình”, “Hà Nội của ta”, “Sông Đà, nhịp điệu mùa xuân”. Nhưng điều khiến ông tự hào nhất là mỗi khi  được nhắc đến với tư cách nhà soạn nhạc giao hưởng.

Ông cũng chính là nhạc sĩ viết tác phẩm giao hưởng đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam với tổ khúc giao hưởng và thanh nhạc cho kịch múa “Hái hoa dâng Bác” (1959-1960) nhân kỷ niệm 70 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ông còn sở hữu các tác phẩm: “Bản giao hưởng số 1”, “Cuộc đối đầu lịch sử”, “Đây sông Hồng, sông Cái”, “Không chỉ là huyền thoại”… Tác phẩm thính phòng: “Tiếng võng ru”, “Miền Nam có bông sen trắng”…. Đặc biệt, ông viết bản Côngxéctô 3 chương viết cho violin và dàn nhạc có tên “Đây sông Hồng sông Cái” chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sinh ra tại Hưng Yên, lớn lên tại Hà Nội, nhạc sĩ Vĩnh Cát đã sáng tác nhạc từ khi còn rất nhỏ. Ông bồi hồi nhớ lại: “Trước năm 1945, khi mới chỉ là một chú bé con 10 tuổi, rất may mắn trong nhà tôi có vài đĩa nhạc giao hưởng. Lần đầu tiên tiếp xúc với những giai điệu lạ kỳ ấy, lập tức tôi đã mê mẩn ngay dù chẳng biết đó là gì và cứ thế rừng rực khao khát làm sao sau này phải viết ra được những giai điệu như thế.

Rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cuối năm 1946, tôi theo gia đình tản cư lên Việt Bắc. Ở đó, tôi gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người thầy lớn đầu tiên đưa tôi vào con đường âm nhạc. Ở trong đoàn Thiếu nhi nghệ thuật thuộc Nha Thông tin Trung ương, năm 12 tuổi, tôi đã sáng tác một số bài “Nhớ Bác Hồ”, “Việt Bắc”, “Nhớ về Thủ đô”… được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Thế nhưng, trong ký ức của tôi vẫn cứ chập chờn những giai điệu kỳ diệu ngày bé”.

Năm 1958, khi đang học khóa đầu tiên ở Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), ông đã có tác phẩm thính phòng piano nổi tiếng “Tiếng vũ trụ” và tổ khúc giao hưởng cho kịch múa “Hái hoa dâng Bác” hoàn thành và nhanh chóng được công diễn nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh Bác. Mãi sau này, ông mới biết hóa ra đó lại là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã từng tham gia cuộc chiến tranh chống Pháp và sau quá trình tu nghiệp đại học tại Liên Xô (cũ), ông đã trở về Việt Nam và làm chủ nhiệm khoa của Nhạc viện Hà Nội. Sau đó, nhạc sĩ Vĩnh Cát làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (1971-1983), Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (1984-1998).

Sống khỏe nhờ âm nhạc

Giọng nói sang sảng, phong thái đầy lãng tử với quần âu có đai, áo sơ mi trắng, đầu đội mũ phớt, hiếm ai nghĩ rằng nhạc sĩ Vĩnh Cát nay đã 85 tuổi. Ông hóm hỉnh đùa vui: “Tôi đã già đâu, mới 55 cái xuân thôi mà. Bí quyết trẻ ư? Đó là nhờ tinh thần lạc quan và nghe nhạc thường xuyên. Đó gần như là nguồn cảm hứng để một ông già như tôi luôn thấy yêu đời và vui vẻ. Có lẽ điều đó khiến tôi đã xua tuổi già và giảm căn bệnh khớp”.

“Live Concert Vĩnh Cát - Ngôi sao Hà Nội” lần đầu tiên được tổ chức vào 20 giờ ngày 6/4/2019 tại Nhà hát lớn Hà Nội là món quà nhạc sĩ tặng cho những người yêu nhạc, nhân dịp ông 85 tuổi. Chương trình do Công ty VietnamShow và được truyền hình trực tiếp trên  Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC3 tổ chức.

Tham gia liveshow có sự xuất hiện của các ngôi sao hàng đầu Việt Nam: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, Trọng Tấn, NSƯT Lan Anh, NSƯT Phạm Phương Thảo, Ca sĩ Tùng Dương… Trong buổi giới thiệu về đêm nhạc, đạo diễn Phạm Hoàng Giang cho biết, việc dàn dựng đêm nhạc “Ngôi sao Hà Nội” là thách thức không nhỏ với những người thực hiện.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát có số lượng tác phẩm đồ sộ ở cả mảng khí nhạc, giao hưởng đến mảng ca khúc, vì thế chương trình sẽ có sự tham gia cả dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc nhẹ. Người đảm nhận vai trò hoà âm, phối khí cho đêm nhạc là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Nhạc sĩ Trọng Đài với vai trò là biên tập âm nhạc chương trình cũng đã chọn lọc 18 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Vĩnh Cát trong hàng trăm tác phẩm của ông.

Chương trình gồm hai phần: “Đất nước” và “Con người”, sẽ đưa khán giả đi từ những cảm xúc hào hùng của đất nước trong kháng chiến và hòa bình, đến những tâm sự, tình yêu riêng tư sâu lắng của con người.

Với nhạc sĩ Vĩnh Cát, sự hồn nhiên, vui tươi, yêu đời và yêu người là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác những tác phẩm đi vào lòng người, những tác phẩm đỉnh cao của nền âm nhạc Việt.