“Nhái” Sơn Tùng - MTP kiếm tiền có vi phạm pháp luật?

(PLO) - Thời gian gần đây, một chàng trai làm nghề bảo vệ ở Bình Dương đang “làm mưa làm gió” tại cộng đồng mạng khi “nhái” ca sĩ Sơn Tùng - MTP. Việc biến mình thành “Sơn Tùng nhái” giúp anh chàng này chạy sô kiếm tiền catxe một đêm bằng 2 tháng lương bảo vệ. Câu hỏi đặt ra, việc “nhái” phong cách và hát nhép các bài hát của ca sĩ có vi phạm pháp luật?
Sơn Tùng - MTP nhái.
Sơn Tùng - MTP nhái.
“Nhái” hái ra tiền!
Anh chàng này tên là Võ Thiện Viễn, sở hữu gương mặt và cử chỉ giống Sơn Tùng - MTP đến 90%. Ngay từ biểu cảm “nhếch môi” của anh chàng cũng “photocoppy” phiên bản gốc. Với lợi thế ngoại hình của mình, Viễn đã tận dụng cơ hội khi liên tục tham gia các hoạt động liên quan đến nghệ thuật dưới phong cách của Sơn Tùng. Ban đầu là quay clip, mặc quần áo, học theo phong cách của Sơn Tùng và mới đây nhất là đi biểu diễn ở quán bar tại Hà Nội. 
Với ngoại hình, cách ăn mặc giống Sơn Tùng - MTP, hát nhép các bài hát hit của Sơn Tùng, phong cách biểu diễn y hệt, không ít người nhầm lẫn đây chính là Sơn Tùng “thật”. Tại facebook, Võ Thiện Viễn tự nhận mình là “nhân vật của công chúng” kèm theo những bức ảnh chụp “nhái” phong cách của Sơn Tùng - MTP, thu hút hàng nghìn lượt người theo dõi.
Ở một trang mạng, sau vài giờ đăng tải, clip biểu diễn ở quán bar của “Sơn Tùng nhái” thu hút gần 60.000 lượt xem. Tuy nhiên, không ít cư dân mạng cảm thấy bức xúc và chỉ trích Thiện Viễn khi lạm dụng tên tuổi người khác để nổi tiếng: “Trông cũng khá thú vị, nhưng bạn đừng nên lấy đà này mà tiếp tục làm lố. Bản thân một con người không thể sống mãi dưới hình bóng người khác”,  “Cái này người ta gọi là dựa trên công sức gây dựng hình ảnh, phong cách của người khác để kiếm tiền”, hay “Tại sao anh cứ phải dựa vào Sơn Tùng để tỏa sáng”. 
“Múa may quay cuồng mà còn hát nhép nữa, anh không xấu hổ à, anh có cần vì danh tiếng mà làm như thế không?”, “Tại sao không sống với chính bản thân mình. Sao cứ núp mãi ở sau lưng và là cái bóng của người khác” …
Trước phản ứng của dư luận, Thiện cho phân bua: “Mình có cộng tác cho một bar ở Hà Nội với vai trò người mẫu. Hôm đó, khách tại quán khá đông, nhiều người nhận nhầm mình là Sơn Tùng - MTP. Theo yêu cầu của quản lý, mình đã thể hiện lại những điệu bộ dễ thương trong ca khúc “Không phải dạng vừa đâu”. Mình thật sự không cố tình hát nhép. Còn việc trang điểm và ăn mặc giống hệt bản gốc là do yêu cầu của quán. Mình chỉ là người làm công ăn lương nên bắt buộc phải thực hiện”.
Sau màn phân bua, Thiện Viễn đã khẳng định trên một báo mạng: “Còn giờ, đúng là mình đi diễn thật, dù biết là có rất nhiều người sẽ “ném đá” nhưng cũng sẽ chấp nhận vì gia đình và cả bản thân nữa. Trước đây, một tháng đi làm mình kiếm được 4 triệu đồng, chi phí cá nhân và các khoản khác cũng chẳng để ra được bao nhiêu. Nhưng giờ đi diễn, một tối catxe của mình bằng 2 tháng lương trước đây”. Và Sơn Tùng “nhái” cũng tự nhận: “Ngoài việc có một số nét giống anh Sơn Tùng thì mình không hề tài năng được như các đàn anh, đàn chị”. 
Sơn Tùng - MTP thật.
Sơn Tùng - MTP thật. 
Có vi phạm pháp luật?
Việc “nhái” ca sĩ để kiếm tiền một cách công khai có lẽ đây là trường hợp hiếm ở Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, vậy việc “nhái” phong cách và hát nhép các bài hát của ca sĩ có vi phạm pháp luật?
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 của Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/1/2009 của Chính phủ thì “biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” là một trong những hoạt động văn hóa.
Tại Điểm b Khoản 3 của Quy chế này nghiêm cấm các hoạt động văn hóa có nội dung: trái với thuần phong mỹ tục; người tổ chức biểu diễn nghệ thuật không được yêu cầu hoặc cho phép người biểu diễn sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc và dùng giọng hát thu trong băng, đĩa để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn (Điểm a, Điểm c Khoản 2 Điều 10 của Quy chế).
Khi biểu diễn nghệ thuật, nếu “ăn mặc rất hở hang” và “hát nhép” là vi phạm quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật, dù là người biểu diễn chuyên hay không chuyên nghiệp.
Trách nhiệm trước hết sẽ thuộc về đơn vị tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, ca sỹ, người biểu diễn cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính về những hành vi của mình.
Đối với hành vi “dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn”, Điểm b Khoản 2 Điều 16 Nghị định nói trên quy định mức phạt tiền từ “3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng”.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi biểu diễn như trên - tùy từng trường hợp cụ thể - sẽ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với việc cá nhân sử dụng hình ảnh ca sỹ Sơn Tùng - MTP để biểu diễn tại các chương trình có thu tiền, Luật sư Lê Thiên, Công ty Luật Lê và Liên danh đã đưa ra ý kiến, trường hợp cá nhân sử dụng các bài hát của tác giả Sơn Tùng tại các cuộc biểu diễn có thu tiền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc quyền lợi vật chất khác là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điểm 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Cá nhân có hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật và phải bồi thường cho tác giả nếu gây ra thiệt hại đối với hoạt động sáng tác và biểu diễn của tác giả. 
Với tư cách là người biểu diễn tác phẩm âm nhạc, ca sỹ Sơn Tùng - MTP có quyền của người biểu diễn theo quy định tại Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng như quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005. Trong trường hợp này, nếu người biểu diễn các bài hát của ca sỹ Sơn Tùng đã mạo danh ca sỹ này để biểu diễn và có các hành vi gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ca sỹ thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 
Trong trường hợp người biểu diễn không tự nhận mình là ca sỹ Sơn Tùng, không có hành vi gây phương hại đến danh dự, uy tín của ca sỹ thì việc người đó có phần trình diễn giống với ca sỹ Sơn Tùng không bị coi là vi phạm pháp luật về việc sử dụng hình ảnh cá nhân.