Nhận biết triệu chứng ban đầu về người nhiễm biến thể Omicron

0:00 / 0:00
0:00
Một bác sĩ tại Nam Phi, người đầu tiên gióng chuông cảnh báo về biến thể Omicron, đã tiết lộ các triệu chứng “bất thường nhưng nhẹ” của những bệnh nhân khỏe mạnh nhiễm biến thể này.
Ảnh minh hoạ: Unplash
Ảnh minh hoạ: Unplash

Theo tờ New York Post, Tiến sĩ Angelique Coetzee - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi (SAMA), một bác sĩ hành nghề 30 năm - cho biết bà tin rằng mình đã phát hiện ra một chủng mới của virus SARS-CoV-2 sau khi nhận thấy các bệnh nhân COVID-19 tại phòng khám tư nhân của bà ở Pretoria có các triệu chứng bất thường.

“Trong số các bệnh nhân có những người trẻ tuổi thuộc nhiều nhóm dân cư khác nhau. Tất cả đều vô cùng mệt mỏi. Không ai bị mất khứu giác hay vị giác. Triệu chứng của họ rất bất thường nhưng nhẹ hơn nhiều so với những người mà tôi từng điều trị”, bác sĩ Coetzee nói.

Sau đó, vào ngày 18/11, bà đã phát cảnh báo cho Ủy ban tư vấn vaccine Nam Phi sau khi một gia đình 4 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 với các triệu chứng vô cùng mệt mỏi.

Cho đến nay, bác sĩ Coetzee cho biết hơn 20 bệnh nhân bệnh nhân của bà có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và xuất hiện những triệu chứng của biến chủng Omicron. Hầu hết họ là nam giới trẻ tuổi, một nửa trong số đó chưa tiêm vaccine. Không ai trong số những người mắc bệnh mất khứu giác hoặc vị giác. Bà cũng nhận định rằng người nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ hơn, như đau cơ và cảm thấy mệt mỏi trong 1 hoặc 2 ngày.

“Cho đến nay, chúng tôi đã phát hiện ra những người nhiễm biến thể Omicron không bị mất vị giác hoặc khứu giác. Họ có thể bị ho nhẹ. Không có triệu chứng nổi bật. Trong số những người nhiễm biến thể này, một số hiện đang được điều trị tại nhà”, bà Coetzee.

Bác sĩ 30 năm trong nghề cũng cho biết trường hợp đáng chú ý là một đứa trẻ 6 tuổi.

“Cô bé có nhiệt độ và nhịp tim rất cao. Tôi tự hỏi có nên tiếp nhận và điều trị cho bé hay không. Nhưng sau 2 ngày được theo dõi, cô bé đã khỏe hơn rất nhiều”, bà nói.

Coetzee nhấn mạnh rằng tất cả các bệnh nhân của bà đều khỏe mạnh. Nhưng bà lo lắng rằng những bệnh nhân lớn tuổi hoặc không được tiêm chủng có thể bị Omicron tấn công nghiêm trọng hơn nhiều, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh tim.

“Điều chúng ta cần lo lắng bây giờ là nếu những người cao tuổi chưa được tiêm chủng nhiễm biến thể mới, sẽ có nhiều người mắc bệnh nặng hơn”, bà nói.

Hôm 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể B.1.1.529 vừa được phát hiện tại Nam Phi là Omicron, theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. WHO cũng phân loại Omicron là biến thể “đáng lo ngại” và cho rằng các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện nay có thể phát hiện biến thể mới.

Hôm 25/11, các nhà khoa học cấp cao đã mô tả B.1.1.529 là biến thể nguy hiểm nhất mà họ từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát. Nó có tới 32 đột biến trong protein gai, bộ phận giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào con người. Con số này gấp đôi số lượng đột biến có trong biến thể Delta.

Các đột biến trong protein đột biến có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và lây lan của virus nhưng cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Biến chủng Omicron với đột biến nhiều chưa từng có đang tiếp tục lan sang các quốc gia trên thế giới, sau khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở khu vực phía nam châu Phi. Một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt áp dụng lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và những nước láng giềng của quốc gia này để ngăn chặn lây nhiễm.

Đọc thêm