Nhân lực thực thi FTA thiếu cả ở cấp trung ương và địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Lan Phương - Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 13/11.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương (bìa trái) trao đổi tại tọa đàm
Bà Nguyễn Thị Lan Phương (bìa trái) trao đổi tại tọa đàm

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương hiện nay Việt Nam đã và đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới, gồm CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Đây là những FTA không chỉ bao gồm những lĩnh vực truyền thống mà còn bao gồm những lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...

Chính vì thế nội dung cam kết tương đối phức tạp và có rất nhiều những tiêu chuẩn cao đòi hỏi phải có một đội ngũ nguồn nhân lực có thể hiểu sâu và hiểu rõ về những nội dung cam kết này để có thể giúp các cơ quan quản lý ở cấp địa phương cũng như doanh nghiệp (DN) có thể nắm và thực thi một cách đúng và đầy đủ các nội dung cam kết này.

Hiện, tỷ lệ tận dụng các FTA này còn tương đối hạn chế. Với những FTA có kết quả tốt như EVFTA cũng chỉ đạt được ở mức khoảng 26%, trong khi đó, có FTA đã thực thi hơn 3 năm nhưng kết quả tận dụng chỉ ở mức 5% như CPTPP. Ngoài ra, từ những nguồn như TradeMap (là một hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình thương mại) và sự phân tích của Vụ Thương mại đa biên cho thấy tỷ lệ tận dụng của nhiều ngành hàng như dệt may, cà phê, da giày… còn rất hạn chế trong khi đây là những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam.

“Đây là những con số còn tương đối khiêm tốn so với dư địa và những cơ hội từ những FTA này mang lại” - bà Phương nói.

Bà Phương khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trở ngại khiến DN Việt Nam chưa tận dụng được các FTA này, trong đó một trong những nguyên nhân vô cùng quan trọng chính là nguồn nhân lực khi nguồn nhân lực này khó khăn ở cả cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành và DN.

Ví dụ, ở cấp trung ương, tại Vụ Chính sách thương mại đa biên là đơn vị chủ trì tham gia việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA, nhưng đơn vị chuyên trách của Vụ này cũng chỉ có 10 nhân sự thực hiện tất cả các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn cho đến khi thực thi. Trong khi quá trình thực thi phải liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành khác nhau đòi hỏi một lực lượng chuyên trách phải đồ sộ và nhiều hơn nữa để có thể đủ sức vươn xa hơn hỗ trợ cho các tỉnh, thành và DN.

Còn ở cấp độ địa phương, theo khảo sát của Bộ Công Thương, thì số lượng nhân sự khả quan có thể ở mức 5-7 nhân sự nhưng có những tỉnh, thành thì chỉ được 1-2 nhân sự. Bản thân những nhân sự đó phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau như phải thực hiện việc cấp C/O, quản lý xuất nhập khẩu…

“Việc chưa có đủ nhân sự ở các tỉnh, thành thực hiện FTA là một trở ngại rất lớn mà chúng tôi đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, chưa kể các nhân sự kiêm nhiệm chưa được đào tạo chuyên sâu về các nội dung cam kết FTA” - bà Phương thông tin.

Về phía DN, hiện Việt Nam có hơn 90% là DN vừa và nhỏ (SME) nên khả năng có được một bộ phận pháp chế, một bộ phận chuyên gia về FTA tương đối khó khăn; Với nhiều DN lớn thì có thể có nguồn lực để chuẩn bị nhưng với đa phần các SME để thiết lập một bộ phận như vậy là một thách thức rất lớn.

Đọc thêm