Nhân những cuộc gọi, nghĩ về các nhà văn ra đi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sáng nay, gia đình của một nhà văn đã gọi cho văn phòng Hội Nhà văn và cho tôi bày tỏ mong muốn được Hội Nhà văn tổ chức tang lễ cho ông. Năm nay ông đã bước vào tuổi 82 và đang hôn mê trong bệnh viện. Cho dù ở tuổi đó ra đi không phải là điều bất ngờ nhưng vẫn làm cho gia đình và bạn bè thương tiếc.
Nhân những cuộc gọi, nghĩ về các nhà văn ra đi

Số lượng hội viên Hội Nhà văn mươi năm trở lại đây ít thay đổi. Mỗi năm, Hội kết nạp khoảng hơn 30 hội viên mới thì cũng có số lượng hội viên tương đương ra đi. Hội viên Hội Nhà văn phần lớn là tuổi cao. Hội viên từ 70 tuổi trở lên chiếm khoảng 60%. Hội viên trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 5%. Đấy cũng là lý do mà có lúc chúng ta thấy hội viên ra đi "dồn dập". Thêm vào đó, số lượng người mắc ung thư ở Việt Nam có tỷ lệ cao so với các nước khác. Trong đó có các nhà văn.

Với những người ở vào tuổi 60, tôi luôn nghĩ ngày nào cũng có thể trở thành ngày cuối cùng của họ. Điều đó không làm cho chúng ta sợ hãi mà làm cho chúng ta quí giá mỗi ngày sống của mình hơn. Một số nhà văn mắc bạo bệnh mà tôi biết có một điểm chung là: họ thấu hiểu số phận của một kiếp người. Cho dù mắc bạo bệnh nhưng họ vẫn viết những gì họ khao khát. Họ sống bình thản cho đến phút cuối cùng trong từng hơi thở và trên từng trang viết.

Nhà thơ Trúc Phương bị ung thư đã một lần phẫu thuật. Ngày ngày thức dậy, ông vô cùng hạnh phúc khi được ngồi xuống viết tiếp trường ca “Từ hai phía mặt trời”. Một trường ca khổng lồ khoảng hơn 5.000 trang A4. Nếu in ra sẽ khoảng 8.000 trang in. Theo tôi biết thì lịch sử thi ca thế giới chưa có một trường ca nào có độ dày của số trang và độ rộng lớn của nội dung như vậy. Ông chỉ mong sống để hoàn thành trường ca này. Thượng đế sẽ phù hộ ông.

Nhà văn Hữu Phương đã chống chọi với bệnh ung thư gần 3 năm nay. Người ông phải đeo một số dụng cụ y tế để hỗ trợ sinh hoạt cho ông. Nhưng một đêm ở Quảng Bình cách đây không lâu, ông say sưa nói với tôi về cuốn tiểu thuyết của ông. Ông mong muốn tôi giữ cho ông cái tên đầy nhạy cảm của cuốn tiểu thuyết mà ông ấp ủ bao nhiêu năm khi tôi cấp giấy phép cho tiểu thuyết này. Tôi đã hứa làm điều đó cho ông.

Nhà thơ Trần Quang Đạo bị ung thư đã mấy năm rồi. Nhưng chẳng ai nhìn thấy một vết gợn của sự sợ hãi hay tuyệt vọng trên gương mặt ông. Thay vào đó là một nụ cười "lãng mạn" và cả "lẳng lơ". Thay vào đó là những "Mật thi" luôn xuất hiện trầm tĩnh và thâm sâu.

Nhà thơ Dương Kiều Minh, một nhà thơ xuất sắc của thế hệ nhà văn xuất hiện sau chiến tranh ra đi vì bệnh ung thư khi ông chưa đến tuổi 60. Ông ở cạnh nhà tôi. Vì thế chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Mấy tuần trước khi mất, ông nói với tôi ông vẫn nghe những bài thơ về cuộc sống ngân vang trong lòng ông. Nó làm ông thanh thản hơn bao giờ hết trước cái chết. Ông chỉ tiếc không đủ sức ngồi vào bàn để chép lại. Ông nói ông kiêu hãnh vì cái bóng của thần chết không át được tiếng ngân vang của vẻ đẹp thơ ca.

Có những nhà văn nói: "Có thể sau khi tôi mất, không còn ai đọc những gì tôi viết nữa. Nhưng điều quan trọng và hạnh phúc nhất với tôi là tôi đã viết với sự trung thực và đắm mê trong suốt cuộc đời". Đấy cũng là bản chất của sáng tạo.

Những cuộc điện thoại của gia đình các nhà văn gọi tới Hội Nhà văn thông báo nhà văn đó sắp ra đi hay đã ra đi không phải mang đến cho chúng ta nỗi sợ hãi. Mà mang đến cho chúng ta cơ hội nghĩ về nhà văn đó nhiều hơn, nghĩ về cách nhà văn đã sống với nhau như thế nào, nghĩ về con đường sáng tạo của họ.

Mỗi nhà văn có một đời sống riêng, một con đường sáng tạo riêng. Chỉ như thế họ mới được tôn trọng, chỉ như thế chúng ta mới cần đến họ. Chỉ như thế họ mới làm ra một đời sống văn học đa dạng và phong phú. Các nhà văn không phải là những con búp bê Nga nổi tiếng: Matryoshka. Để con sau giống hệt con trước nhưng nhỏ hơn. Nếu vậy là một thảm họa với bất cứ nền văn học nào.

Không ai muốn những cuộc điện thoại như thế. Nhưng đấy là quy luật của cuộc sống. Chỉ có một điều mà quy luật sinh tử không đủ quyền lực để bắt ta tuân theo. Đó là tình yêu thương, sự chân thành, niềm cảm thông, lòng vị tha của con người với con người, đặc biệt là các nhà văn. Bởi các nhà văn là những người luôn kêu gọi điều đó trong chính những trang viết của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều