Mất hết chỉ vì… toàn tâm với gia đình
Hai chục năm trước, chị Lan là một tiểu thư Hà thành đã kết hôn với anh - một chàng sinh viên cùng trường, không có gì ngoài cái xe đạp cà tàng và cây đàn ghi ta đã cũ. Bố mẹ chị là trí thức, gia đình rất có điều kiện nhưng tuyệt đối ủng hộ sự lựa chọn của con gái. Ngày anh chị kết hôn, ngoài những khoản tiền mừng của hai họ, bố mẹ chị cho chị một căn hộ khá rộng ngay mặt đường Cầu Giấy để vợ chồng có nơi ăn ở.
Lấy được vợ đẹp, anh càng ý thức rõ sứ mệnh phải phấn đấu của mình. Anh bàn với chị bán ngôi nhà bố mẹ vợ cho, rồi mượn thêm tiền của cha mẹ vợ để lấy vốn mở công ty do anh đứng tên làm chủ. Ngưỡng mộ chí tiến thủ của chồng, chị đồng ý bán nhà rồi đi vay mượn khắp nơi lấy vốn cho anh làm ăn. Chị cũng tình nguyện ở nhà sinh con và lo việc gia đình để anh yên tâm phát triển sự nghiệp.
Giờ tuổi chị đã xế chiều, các con chị lớn khôn và đều đi du học. Anh càng ngày càng phong độ với các mối quan hệ làm ăn rộng mở. Chị vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ, chăm sóc gia đình, cả nhan sắc lẫn sức khỏe đều sa sút. Anh và chị đã ly thân 5 năm nay. Tất cả tài sản đều đứng tên anh để tiện việc làm ăn, huy động vốn. Rồi chuyện gì đến đã đến, anh đề nghị ly hôn để anh có thể đường hoàng bước vào cuộc hôn nhân mới với người phụ nữ xinh đẹp kém chị gần 20 tuổi. Chị đành cam chịu trắng tay sau cuộc ly hôn.
Không cam chịu như chị Lan, hồi cuối tháng 10/2013, ông Vương Chí Linh (68 tuổi, quận Gò Vấp TP.HCM) đã tạt axit vào người vợ bất nghĩa rồi tẩm xăng tự thiêu ngay trong chính căn nhà của mình. Ông Linh là người Hà Nội, vào Nam năm 1985 làm cán bộ ngành xây dựng. Chỉ trong vài năm, ông Linh đã tạo dựng được một số tài sản tương đối.
Ông kết hôn với bà Vân - một trí thức, có học hàm tiến sĩ, cũng là cán bộ nhà nước. Sau khi cưới, tài sản của hai người gần như tương đương đã gộp lại để cùng nhau làm ăn, sinh sống. Nhờ làm ăn gặp thời, không lâu sau đó số tài sản của đôi vợ chồng tăng lên đến nhiều chục tỉ đồng. Tuy nhiên, khi số tài sản càng lớn thì sự êm ấm và mặn nồng của nghĩa vợ chồng càng giảm đi. Bà Vân sợ tài sản sẽ phải chia năm, xẻ bảy cho các con riêng của chồng nên mâu thuẫn trong gia đình ngày càng khoét sâu.
Để chiều lòng vợ, ông Linh đã làm các giấy tờ chuyển toàn bộ số tài sản ông có cho bà lên đến trên 30 tỉ đồng với điều kiện bà Vân phải chăm lo cho ông đến cuối đời. Thế nhưng, chỉ 3 năm sau ngày ký các văn kiện chuyển sở hữu tài sản, bà Vân đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Từ một tỉ phú, trong phút chốc ông trở thành trắng tay. Điều oái oăm là những giấy tờ chuyển quyền sở hữu tài sản được công chứng hợp pháp nhưng điều kiện chăm lo cho ông đến cuối đời chỉ là những lời cam kết bằng miệng nên ông đã phải ngậm đắng nuốt cay.
Chật vật chứng minh tài sản chung - riêng
Trong xã hội ngày nay, những trường hợp như chị Lan, ông Linh không phải là hiếm. Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành đã ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành quy định: “ Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”.
Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định: “Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ, chồng. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung”.
Về tài sản riêng của vợ, chồng, Điều 32 Luật này cũng quy định rõ: “Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng” và “ Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”. Tuy nhiên, việc chứng minh đâu là tài sản riêng trên thực tế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn nếu hai bên không có thỏa thuận trước hoặc không có các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cụ thể.
Bộ Tư pháp cho rằng, pháp luật cần có những quy định thừa nhận hiệu lực của những thỏa thuận này. Có như vậy, quyền tự định đoạt của vợ, chồng về tài sản của mình cũng như sự công khai, minh bạch trong các giao dịch mới được bảo đảm, tránh những rắc rối, phức tạp có thể xảy ra khi hôn nhân đổ vỡ.
Hiện Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sẽ được Kỳ họp Quốc hội thứ 7 này thông qua đã đưa vào Điều 28 quy định về áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng, theo đó: “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tránh bị “trắng tay” khi ra khỏi nhà thì cái chính vẫn là ý thức tự bảo vệ mình của mỗi người trước khi bước vào hôn nhân./.