Những năm gần đây, công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng như Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2020, Luật Thanh niên năm 2005…
Việc lồng ghép, kết hợp nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và giáo dục pháp luật cho thanh niên đã được các địa phương quan tâm, triển khai bằng nhiều mô hình, cách thức hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật cho thanh, thiếu niên.
Là địa phương có diện tích rộng lớn, Nghệ An đã áp dụng nhiều mô hình phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của thanh, thiếu niên trên mỗi địa bàn. Trong đó phải kể đến mô hình cuộc thi viết “Gương sáng thanh, thiếu niên chấp hành pháp luật” của tỉnh nhằm giới thiệu những tấm gương trẻ, có ý thức tốt trong chấp hành pháp luật, đồng thời biểu dương những thanh, thiếu niên từng lầm lỡ, phạm pháp, song đã vươn lên trở thành công dân tốt trong xã hội.
Tại huyện Anh Sơn, Trung tâm Dân số huyện phối hợp với các trường THPT đóng trên địa bàn tổ chức Hội thi Rung chuông vàng “Tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên” bằng những câu hỏi trắc nghiệm để giúp các em học sinh cởi mở chia sẻ kiến thức về lĩnh vực này. Còn tại huyện Nghĩa Đàn, với lượng lớn đồng bào dân tộc sinh sống, huyện đã tổ chức “Hội thi tuyên truyền PBGDPL cho thanh, thiếu niên” để đối tượng trẻ kịp thời nắm bắt các quy định pháp luật và tuyên truyền, phổ biến cho mọi người tại địa bàn mình sinh sống.
Với đặc thù là tỉnh miền núi đi lại khó khăn, tỉnh Điện Biên đã xây dựng mô hình “Triển khai hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên thông qua Ban Thông tin và truyền thông cấp xã” được người dân, nhất là thanh, thiếu niên đón nhận, hưởng ứng. Theo đó, Ban Thông tin và Truyền thông xã sẽ xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, Sở Tư pháp tỉnh sẽ hỗ trợ trong việc biên tập, chỉnh sửa tài liệu thông tin, tuyên truyền.
Còn tại Quảng Ninh, trên cơ sở các vụ án có thật đã được các cơ quan chức năng xét xử, sau đó được biên soạn thành những câu chuyện sinh động, tỉnh đã xây dựng mô hình “Kể chuyện theo án” để răn đe, giáo dục, cảm hóa người nghe, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên. Tương tự với hình thức này, mô hình “Phiên tòa giả định” cũng đã được triển khai hiệu quả tại Bình Phước, Bến Tre; mô hình “Phiên tòa lưu động” tại Đồng Tháp, Cà Mau…
Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình PBGDPL cho từng đối tượng thanh, thiếu niên như: “Giáo dục pháp luật – trải nghiệm thực tế” ở Sóc Trăng dành cho thanh, thiếu niên chậm tiến, có nguy cơ vi phạm pháp luật cao; mô hình “Đồng hành cùng phát triển” tại Hà Nam nhằm tuyên truyền, PBGDPL cho thanh niên công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp của tỉnh; mô hình PBGDPL qua mạng facebook “Tuổi trẻ pháp luật TP HCM với pháp luật”…
Có thể thấy, các mô hình trên đều lấy đối tượng thanh, thiếu niên làm trung tâm với cách thức triển khai sáng tạo, đa dạng, đặc biệt là có sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc cả gia đình và xã hội. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống cho thanh, thiếu niên.
Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tài liệu để giới thiệu, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả, trong đó chú trọng gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa.
Cùng với đó, cần xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong hệ thống tổ chức đoàn; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ đoàn, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Các địa phương cần quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, các điều kiện khác và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để đảm bảo cho công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói riêng ngày càng đạt hiệu quả.
Đặc biệt, cần hiện đại hóa công tác PBGDPL thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội như một công cụ để kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tình hình của thanh, thiếu niên. Theo đó, có thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các bộ ảnh, các đoạn phim ngắn để tác động mạnh mẽ vào nhận thức của giới trẻ; phát huy kênh thông tin tuyên truyền thường xuyên thông qua các cơ quan thông tin, tổ chức đoàn… để tạo nên sự tương tác với thanh, thiếu niên trong công tác giáo dục pháp luật, tránh tuyên truyền mang tính áp đặt, nhàm chán, đơn điệu.