Tiện lợi đủ đường
Ngay từ ngày 07/01/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2016, trong đó có nội dung cho phép việc thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt VPHC và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện. Đồng thời phân công rõ nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cho phù hợp.
Trên cơ sở Nghị quyết số 10/NQ-CP, Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký thỏa thuận hợp tác về thu, nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu (Thỏa thuận hợp tác số 69/TTHT-C67-BĐVN ngày 15/6/2016). Theo đó, người vi phạm có nhu cầu nộp tiền xử phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua bưu điện sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ trực tiếp với cơ quan Công an hoặc với Bưu điện.
Việc đăng ký với cơ quan Công an sẽ thực hiện thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ Biên bản vi phạm (bản cơ quan Công an lưu) để chuyển tới Bưu điện. Nếu đăng ký với Bưu điện thì người vi phạm giao thông có thể đến bưu cục gần nhất để cung cấp thông tin, biên bản VPHC, nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ).
Sau khi tiếp nhận yêu cầu từ người vi phạm, Bưu điện sẽ khẩn trương đối chiếu lại thông tin với cơ quan Công an nhằm đảm bảo tính chính xác về mức phạt tiền, người vi phạm, giấy tờ tạm giữ... cũng như thu đúng, thu đủ số tiền phạt mà người vi phạm nộp căn cứ trên quyết định xử phạt và thu tiền phí dịch vụ theo bảng cước phí đã được công bố công khai. Chậm nhất vào ngày làm việc liền kề sau ngày thu tiền, Bưu điện sẽ nộp đủ số tiền đã thu từ người vi phạm vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng theo chỉ định của cơ quan Công an trên địa bàn.
Trên cơ sở danh sách người vi phạm đã nộp tiền phạt do Bưu điện cung cấp, cơ quan Công an bàn giao giấy tờ tạm giữ cho Bưu điện để chuyển trả cho người vi phạm. Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh, thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, đối với các huyện xa và tỉnh, thành khác là 3 - 5 ngày.
Ngoài ra, đối với dịch vụ chuyển phát giấy tờ bổ sung cho cơ quan Công an để phục vụ cho việc ra quyết định xử phạt, khi người vi phạm có yêu cầu, Bưu điện sẽ tiếp nhận và chuyển phát về cơ quan Công an có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Cơ quan Công an căn cứ trên giấy tờ bổ sung này để ra quyết định xử phạt; sau đó sẽ gửi kèm giấy tờ bổ sung và giấy tờ tạm giữ để chuyển phát cho người vi phạm nếu đăng ký sử dụng dịch vụ thu tiền xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua Bưu điện.
Đối với dịch vụ thu tiền phạt không chuyển phát giấy tờ tạm giữ, người vi phạm được nộp tiền phạt tại các điểm giao dịch có cung cấp dịch vụ của Bưu điện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm trong việc nộp tiền, ngoài nộp tiền tại bưu cục, cơ quan Công an và Bưu điện trên địa bàn sẽ xem xét và thống nhất việc bưu điện bố trí bàn thu tại trụ sở cơ quan Công an để thu tiền phạt.
Phải nỗ lực để phục vụ dân
Việc nộp tiền và nhận giấy tờ tạm giữ qua bưu điện góp phần hạn chế việc đi lại, đặc biệt là di chuyển liên tỉnh của người vi phạm trong việc nộp tiền phạt, nhận giấy tờ tạm giữ, qua đó giảm lưu lượng giao thông trên đường, giảm chi phí xã hội. Không những thế, cơ quan Công an, Kho bạc cũng giảm bớt áp lực trong quá trình xử lý các thủ tục VPHC cho từng người vi phạm.
Thực tế, trước khi có Thỏa thuận hợp tác trên, một số tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện thí điểm trong phạm vi địa phương mình như Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, An Giang... Việc nộp hộ tiền phạt vi phạm giao thông qua bưu điện đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và sự đồng thuận, ủng hộ cao từ phía người dân cũng như các cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, Luật Xử lý VPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC hiện chưa điều chỉnh nội dung này. Việc không có cơ sở pháp lý sẽ tạo ra “lỗ hổng” trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực xử lý VPHC. Theo Bộ Tư pháp, việc sửa đổi, bổ sung sẽ đảm bảo phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý VPHC cũng như tính toán kỹ các vấn đề phát sinh có thể xảy ra trong việc triển khai thực hiện. Có như vậy mới góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện việc nộp tiền xử phạt VPHC theo quyết định của người có thẩm quyền nhưng đồng thời phải đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong việc thu ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt VPHC.
Đánh giá tác động của việc bổ sung quy định trên, Bộ Tư pháp cho rằng có nhiều ưu điểm như giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người vi phạm bị xử phạt, đặc biệt là đối với trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm không sinh sống, làm việc thường xuyên tại nơi thực hiện hành vi vi phạm; giúp giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt trong việc tiếp nhận, gửi quyết định xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm; góp phần giảm thiểu tình trạng các quyết định xử phạt không được thi hành và đảm bảo việc xử phạt được minh bạch, công bằng, hiệu quả; góp phần giảm lượng người tham gia giao thông, giúp tránh ùn tắc.
Có điều Bưu điện cần phải đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nhất là hệ thống thông tin – kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trên toàn hệ thống để triển khai dịch vụ tài chính thu nộp hộ tiền xử phạt VPHC. Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Bưu điện với cơ quan có thẩm quyền xử phạt và Kho bạc Nhà nước cũng như quy định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan trong việc triển khai thực hiện.