Nhập khẩu 5 tấn vàng, tháo ngòi “thùng thuốc súng”?

 Ngày thứ hai “điên loạn”, thị trường vàng trong nước đã lập kỷ lục mới ở mức giá 46,3 triệu đồng/lượng. “Thùng thuốc súng”chỉ được tháo ngòi vào buổi trưa khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo đã cho phép nhập 5 tấn vàng.

Ngày thứ hai “điên loạn”, thị trường vàng trong nước đã lập kỷ lục mới ở mức giá 46,3 triệu đồng/lượng. “Thùng thuốc súng”chỉ được tháo ngòi vào buổi trưa khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo đã cho phép nhập 5 tấn vàng.

Trái với quy luật thông thường, sau khi tăng đột biến, giá vàng thường “tạm nghỉ”,  diễn biến giá vàng ngày hôm qua lại khác hẳn. Mở cửa phiên giao dịch, giá vàng liên tục "nhảy múa" và bảng điện tử, website của các nhà vàng không ngừng cập nhật những con số mới.

Người dân đổ xô mua vàng vào đầu buổi sáng 9/8. Ảnh minh họa
Người dân đổ xô mua vàng vào đầu buổi sáng 9/8. Ảnh minh họa

Tại Hà Nội, vàng miếng SJC lúc 11h20 đã vọt lên mức 45,5 triệu đồng/lượng (mua vào) -  46,17 triệu đồng/lượng (bán ra), chênh lệch mua bán 67.000 đồng/lượng. Vàng rồng của Bảo Tín Minh Châu chiều bán ra cũng điều chỉnh lên mức 46,15 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, chiều mua vào cũng đẩy lên mức 45,75 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch của thương hiệu vàng này đã bị kéo xuống còn 40.000 đồng/lượng.

Bất chấp tín hiệu “nhá đèn” cho nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tối 8/8 và bất chấp cơn mưa như trút nước, người dân vẫn rồng rắn đi mua vàng. Giá vàng tiếp tục tăng chóng mặt và lập kỷ lục 46,3 triệu vào lúc 11h30. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới đạt mức kỷ lục: 1.769 USD một ounce.

Đến trưa, khi website NHNN phát đi thông tin, NHNN đã cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước, và rằng dự kiến sẽ tiếp tục cấp giấy phép nhập khẩu thêm 5 tấn vàng nữa để cung cấp cho thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của người dân, thì thị trường vàng mới bắt đầu hạ nhiệt.

Lúc 13h40, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đã quay đầu sụt giảm mạnh xuống còn 45,3 triệu đồng/lượng (bán ra) và 44,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - giảm 1,3 triệu đồng/lượng mua vào và 900 nghìn/lượng bán ra so với mức giá đỉnh lập trước đó.

Lúc 14h30, giá vàng bán ra của SJC ở mức 45,1 triệu đồng/lượng, mua vào 44,5 triệu. Vàng Bảo Tín Minh Châu có biên độ chênh lệch cao hơn: 44,2 - 45,1 triệu đồng/lượng.

Hỗ trợ cho sự hạ nhiệt của giá vàng nội địa, giá vàng thế giới cũng lui về mức 1.748 USD/oz, giảm khoảng 25 USD so với mức giá kỷ lục trước đó. Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, giá vàng lên tới đỉnh hơn 1.770 USD/oz là do nhu cầu mua mạnh của nhà đầu tư và các quỹ sau khi Standard and Poors hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.

Tính đến cuối buổi chiều, giá vàng dao động quanh mức 45 triệu đồng.

Từ chối đưa ra bình luận, một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho biết ông cũng rất túng túng trước diễn biến giá vàng. “Tôi không có lời khuyên nào cả. Nếu biết giá vàng lên nhanh như thế thì mấy hôm trước tôi đã mua vào thì bây giờ giàu to!”- vị chuyên gia này nửa đùa nửa thật.

Trước động thái cho nhập khẩu vàng của NHNN, vị chuyên gia này cho rằng đó là quyết định cần thiết để ổn định thị trường. Quyết định này chủ yếu “đánh” vào tâm lý, nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ để quản lý thị trường vàng. Thực ra ngoài nguyên nhân giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, còn có một thực tế là nguồn cung trong nước khan hiếm, và tình trạng đầu cơ, làm giá để trục lợi của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng.

Theo khuyến cáo của NHNN, trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của giá vàng thế giới, người dân cần thận trọng khi quyết định mua vàng để tránh thiệt hại không đáng có.

Thực tế, trong số những người lũ lượt bán vàng vào buổi chiều qua tại Hà Nội, có những người phải “cắt lỗ” số vàng đã mua vào buổi sáng. Có vẻ như kịch bản trong các cơn sốt vàng vào tháng 11/2009 và tháng 11/2010 đã lặp lại.

Thanh Thanh

Đọc thêm