Nhập khẩu ô tô: Các hãng xe “nằm yên” chờ hướng dẫn

(PLO) - Thường gần đến Tết, thị trường sẽ sôi động với các chương trình khuyến mãi kích cầu để thu hồi vốn. Nhưng thị trường ô tô năm nay đến giờ vẫn chỉ một màu ảm đạm.
Giá xe ở Việt Nam đắt gấp 3 lần so với xe ở các nước khác
Giá xe ở Việt Nam đắt gấp 3 lần so với xe ở các nước khác

Các hãng xe vẫn án binh bất động “chờ Thông tư” hướng dẫn Nghị định 116 nên chưa hoạch định chiến lược phát triển cho chính mình. 

Doanh nghiệp thiệt hại, Nhà nước thất thu thuế 

Mặc dù Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi tới lần thứ 4 thư kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhưng chưa có bất kỳ chuyển biến gì liên quan đến Nghị định 116. VAMA cũng đã từng kiến nghị “Tạm hoãn thi hành các quy định đối với nhập khẩu ôtô có trong Nghị định 116 ít nhất 6 tháng, sửa đổi yêu cầu của giấy chứng nhận kiểu loại ở nước ngoài, thay đổi quy định với yêu cầu kiểm định đối với từng lô xe nhập khẩu. 

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu cũng đã kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116 Chính phủ. Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng các quy định nhập khẩu và đăng kiểm hiện hành cho những xe nhập khẩu đã được đặt hàng trước thời điểm ban hành Nghị định 116 (ngày 17/10/2017) nhưng sang năm 2018 mới về đến Việt Nam nhưng tính đến thời điểm này, mọi hồi âm chính thức vẫn chưa có. 

Các doanh nghiệp vẫn chờ đợi và hy vọng Chính phủ sẽ có cách để tháo gỡ khó khăn hiện nay cho nhập khẩu ô tô. Đại diện Ford Việt Nam cho biết, nếu chính sách cứ thay đổi và thay đổi liên tục thì sẽ rất khó cho các hãng lên kế hoạch sản xuất bởi bình thường, để đưa một dòng xe mới về Việt Nan, để lên kế hoạch cho sản xuất lắp ráp thường mất thời gian khoảng từ 12-18 tháng. 

Bây giờ các hãng phải “nằm im” nghe ngóng, thiệt hại đầu tiên thuộc về các hãng, thiệt hại tiếp theo là Nhà nước thất thu thuế bởi theo thống kê mới đây tại Cảng Hải Phòng, tháng cuối cùng của năm 2017, số tiền thuế nhập khẩu ô tô chỉ đạt 100 tỷ đồng (trước đó thường từ 500-600 tỷ đồng). Ngoài ra còn chưa kể số tiền các hãng nộp ngân sách địa phương tại các địa điểm đặt trụ sở liên doanh cũng sẽ sụt giảm theo kết quả kinh doanh. 

Xe ở Việt Nam đắt khủng khiếp 

Theo Báo cáo nghiên cứu được công bố vào tháng 6/2017 của Solidiance cho thấy cứ 1.000 người Việt Nam mới có 16 người sở hữu ô tô. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như: tỷ lệ người dân sở hữu ô tô tại Malaysia là 341 xe/1.000 dân, tại Thái Lan là 196 xe/1.000 dân, và ngay cả đất nước đông dân như Indonesia cũng là 55 xe/1.000 dân.

Theo phân tích của Solidiance, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu xe hơi của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Trong đó, một nguyên nhân chính là giá ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này là do một số rào cản. Việt Nam đang áp mức thuế và phí cao để bảo vệ ngành ô tô nội địa. Các khách hàng hiện đang phải trả đến 3 loại thuế và 5 loại phí khác nhau. 

Người tiêu dùng đang phải chịu một nghịch lý về giá xe hơi, mua 1 chiếc ở Việt Nam bằng 3 chiếc ở nước khác. Khi tín hiệu tích cực về việc khơi dậy giấc mơ sở hữu ô tô trong tầm tay khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% vào đầu 2018 thì một chính sách mới được ban hành, có thể khiến giấc mơ này xa hơn trong tầm với của nhiều người tiêu dùng Việt.

Chủ trương ban đầu của chính sách mới là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng bởi Nghị định 116 tạo dựng những tiêu chuẩn, quy định phi thuế quan cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán rằng, với Nghị định 116 người tiêu dùng sẽ phải “gánh” những hệ lụy trực tiếp, tức thì, có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, quyền lợi, lựa chọn và chất lượng cuộc sống. 

Các doanh nghiệp ô tô ước tính cần tới 2 tháng và chi phí khoảng 10.000 USD phát sinh cho việc thử nghiệm một kiểu loại trong từng lô hàng theo quy định mới trong Nghị định. Chi phí này không chỉ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng vì sẽ tác động vào giá xe và tạo ra sự khan hiếm nguồn hàng.

Không nên điều tiết bằng công cụ chính sách?

Ford Việt Nam đã có văn bản nội bộ yêu cầu các đại lý ngưng nhận đặt hàng các mẫu xe nhập khẩu sản xuất từ tháng 1/2018. Do đó, trong quý 1/2018, hàng sẽ khan hiếm và chưa thể dám chắc được các mẫu xe này được nhập về thế nào trong quý 2 hay quý 3/2018. 

Toyota Việt Nam cũng dự báo, nhiều loại xe nhập khẩu khác cũng bị ảnh hưởng, lớn nhất là các mẫu xe Fortuner, Yaris và Wigo. Nhiều hãng xe khác như Chevrolet, Mitsubishi có nguồn xe nhập từ Thái Lan cũng bị ảnh hưởng vì phải bổ sung thêm nhiều giấy tờ mới. Ngay cả Trường Hải Motor cũng sẽ gặp nhiều khó khăn từ năm 2018 khi thời điểm chính thức được nhập khẩu và phân phối ô tô BMW và MINI đã đến.  

Tất cả đều liên quan đến một quy định trong Nghị định 116. Theo quy định này, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài từ ngày 1/1/2018. Việc định nghĩa “riêng có” này theo nhiều chuyên gia là “không phù hợp với xu hướng hội nhập thế giới”, vì sẽ khó tìm được nhà sản xuất nào đáp ứng được yêu cầu nêu trên.

PGS, TS Phạm Bích San - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển nhận định: Trên thị trường, khi có nhiều đơn vị kinh doanh cùng một mặt hàng, dù sản xuất lắp ráp hay nhập khẩu thì thị trường sẽ cạnh tranh hơn. Từ đó giá cả, phí dịch vụ cũng sẽ tốt hơn và người tiêu dùng được nhiều lựa chọn hơn. 

 “Chúng ta chưa có một nền sản xuất ô tô trong nước thực sự. Nếu qua công cụ chính sách để hạn chế nhập khẩu, dù chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nền sản xuất nội địa, nhưng thực tế, chúng ta chỉ đang đóng góp cho nước ngoài theo một hình thức khác. Do vậy, nên để cho người tiêu dùng được chủ động lựa chọn hàng hóa tốt hơn, với giá thành rẻ hơn, thay vì điều tiết tiêu dùng thông qua công cụ chính sách”, ông San khẳng định.

Đọc thêm