Nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu từ Trung Quốc tăng đột biến

(PLO) - 6 tháng năm 2017, nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu từ thị trường Trung Quốc tiếp tục gia tăng khá mạnh. 
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ trong nước mỗi năm ước tính khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ trong nước mỗi năm ước tính khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại

Theo đó, khối lượng và giá trị nhập khẩu (NK) phân bón 6 tháng đạt 2,34 triệu tấn, ước đạt 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khối lượng NK phân đạm URE ước đạt 228 nghìn tấn với giá trị đạt 60 triệu USD; phân SA ước đạt 533 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 63 triệu USD.  

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, nguồn phân bón NK từ đầu năm tới nay chủ yếu đến từ Trung Quốc, chiếm tới 36,3% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này. Ngoài ra, khối lượng NK phân bón cũng tăng tại hầu hết các thị trường chính, trừ thị trường Malaixia. Tuy nhiên, giá trị NK phân bón cho thấy tăng ở hầu hết các thị trường trừ thị trường Trung Quốc (giảm 0,3%) và thị trường Malaixia (giảm 22%). Trong đó thị trường tăng mạnh nhất là Indonesia (tăng hơn 2 lần về cả khối lượng và giá trị). 

Đối với mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu, theo Bộ NN&PTNT,  trong 6 tháng NK mặt hàng này cũng cán mốc 495 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2016. Thuốc trừ sâu và nguyên liệu NK cũng chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 55% tổng giá trị của mặt hàng này. 

Trong 2 quý, giá trị NK thuốc trừ sâu và nguyên liệu cũng tăng mạnh tại các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Đức với giá trị tăng lần lượt là: 88,2%, 68,1%, 58,7%, 36,5 và 24,1%. Các thị trường khác giá trị NK giảm, nhiều nhất là: Indonesia và Malaixia với giá trị nhập khẩu giảm  5,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, tính chung giá trị NK nông, lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt con số khá cao: 14,06 tỷ USD, tăng tới  25,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, NK các mặt hàng nông sản chính cũng đã lên tới 10,74 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2016. 

Đọc thêm