"Nhập nhèm" hàng hóa thị trường giáp Tết

Thị trường những ngày giáp Tết "nóng" hẳn lên bởi nhu cầu mua sắm của người dân. Lợi dụng điều này, không ít tiểu thương tuồn các mặt hàng không rõ nguồn gốc, vận chuyển hàng cấm… dẫn đến hiện tượng ngộ độc, mất an toàn...

Thị trường những ngày giáp Tết "nóng" hẳn lên bởi nhu cầu mua sắm của người dân. Lợi dụng điều này, không ít tiểu thương tuồn các mặt hàng không rõ nguồn gốc, vận chuyển hàng cấm… dẫn đến hiện tượng ngộ độc, mất an toàn...

Thị trường Tết

Thị trường Tết đang sôi động và nóng hẳn lên

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Những ngày này, có thể thấy rõ nhiều người tiêu dùng đã để ý và lựa chọn hàng nội nhiều hơn. Hàng nội được lựa chọn ngoài lợi thế về giá cả, còn nhiều lý do khác, như: đa dạng về mẫu mã, chất lượng ngày càng được cải thiện…

Tuy nhiên, không ít tiểu thương lợi dụng thị trường Tết thực hiện các hành vi buôn bán trái với quy định, khiến người tiêu dùng hiểu lầm về chất lượng các mặt hàng. Nhiều khách hàng sau khi đi tới các hội chợ Tết đã đánh giá nhiều gian hàng có cách buôn bán theo kiểu “Treo đầu dê, bán thịt chó.”

Do năm qua làm ăn tốt, muốn năm nay đón một cái Tết thật thú vị và đầy đủ, anh Lê Minh Sang cùng vợ lặn lội từ huyện Ứng Hòa, Hà Nội tới hội chợ Xuân tại Trung tâm triển lãn Giảng Võ để sắm đồ. Anh Sang cảm thấy choáng ngợp vì có quá nhiều mặt hàng nhưng chẳng biết nên chọn gì để mua bởi không ít các gian hàng khi được hỏi đều không trả lời được rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ hay thời gian bảo hành là bao lâu…

Anh Sang cho biết, nhiều gian hàng ghi rõ là đại hạ giá và có đề giá bán rõ ràng, nhưng thực tế nếu để ý thì giá của những mặt hàng đó chẳng thấp hơn ngoài, có khi còn cao hơn với những mặt hàng cùng chủng loại nếu để ý so sánh. “Khi tôi mặc cả thì còn bị người bán hàng giận lại và nói “đề đại hạ giá như thế rồi còn mặc cả”. Tôi cũng định mua một vài thứ nhưng chẳng thấy nói cửa hàng ở đâu và bảo hành như thế nào khi hỏi nên thôi. Nếu trong thời gian sử dụng có vấn đề gì thì biết đến đâu để sửa”.

Cùng quan điểm với anh Sang, bà Lê Thu Yến ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, có quá nhiều gian hàng quảng cáo một cách quá “lố”, đơn cử, không biết có loại keo dán đa năng không nhưng người ta quảng cáo loại keo này có thể dán tất cả từ sắt, thép... nhưng khi bà thử dán cái móc quần áo bằng nhựa thì lại không được. "Đã vậy, không ít gian hàng đề là “bảo hành suốt đời” mà chẳng ghi rõ ràng địa chỉ nơi sản xuất. Mà nếu có ghi thì chắc gì khi liên hệ đã được”, bà Yến nói.

Bên cạnh đó, thị trường Hà Nội hiện có khoảng 600 điểm bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, điều đáng nói là không ít người tiêu dùng tại các quận huyện ngoại thành không nắm được rõ ràng các mặt hàng trong diện bình ổn giá là những mặt hàng nào bởi sự niêm yết thông báo các mặt hàng trong diện bình ổn của doanh nghiệp chưa cụ thể, đây cũng là nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng vẫn lựa chọn các chợ truyền thống bên ngoài để phục vụ cho nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của mình.

Gần nhà có một điểm bán hàng bình ổn giá, nhưng do vài lần vào mua hàng phải trả một khoản tiền khá cao nên chị Nguyễn Thị Hạo ở Từ Liêm, Hà Nội vẫn quyết định đi chợ truyền thống mua sắm. Chị Hạo cho biết, không rõ hàng bình ổn giá là những mặt hàng nào, sợ mua những mặt hàng không phải trong diện bình ổn giá thì tốn tiền lắm. “Kinh tế đang khó khăn, nên tôi vẫn đi chợ ngoài để tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.

Kiểm soát, ngăn chặn

Tuy nhiên, có một điều tồn tại là việc vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống từ trước tới nay vẫn không hề có một sự kiểm định và chắc chắn là an toàn hơn các nơi bán hàng do nhà nước tổ chức. Nếu không cẩn thận, rất có thể chính việc thường xuyên mua hàng tại các chợ truyền thống và vì tiện khi mua đồ rồi mổ ngay tại chỗ của người tiêu dùng là nguyên nhân chính tiếp tay cho việc giết mổ gia xúc, gia cầm diễn ra thường xuyên tại các chợ truyền thống của các tiểu thương.

Để ngăn chặn và chống gian lận thương mại, hạn chế tối đa các mặt hàng không rõ nguồn gốc, vận chuyển lậu các mặt hàng cấm hay như việc vận chuyển, giết mổ trái phép gia xúc, gia cầm… trong dịp Tết này nhằm tránh hiện tượng xẩy ra ngộ độc hay mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết: “Có thể không kiểm tra hết các chợ, khu vực sản xuất, nhưng Sở đã kết hợp cùng các cơ quan ban ngành khác, các cơ sở y tế kiểm tra tương đối toàn diện các tuyến đường, từ đường sắt, đường bộ, đường thủy…các nơi lưu trữ tập kết. Ngăn chặn từ xa việc sản xuất, vận chuyển trái phép. Đồng thời, kết hợp kiểm tra các Trung tâm thương mại, siêu thị, tụ điểm bán hàng, các chợ…nhằm giữ thị trường ổn định, đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt.”

Tuy nhiên, trong dịp Tết hiện tượng giết mổ trái phép gia xúc, gia cầm xuất hiện khá nhiều, hay như giết mổ ngay tại chợ là điều không được phép trong quy định, nhưng cũng không thể ngăn chặn và kiểm soát được một cách triệt để. “Một phần cũng do nhu cầu người tiêu dùng sợ mua gà hay lợn đã mổ sẵn trong siêu thị thì không còn tươi nên họ chọn cách ra chợ và chỉ cần chỉ con gà nào và mổ ngay tại chỗ mang về là tươi nhất.” Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm.

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết, nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết là rất cao, mỗi gia đình khi đi mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu cần lựa chọn một cách hết sức cẩn trọng và thông minh. Nên đến các điểm bán hàng bình ổn giá, bởi những điểm này đã cam kết với Nhà nước, nguồn gốc xuất sứ của các mặt hàng rõ ràng và giá cả cũng đã được các cơ quan tài chính thẩm dịnh nên không lo hàng đắt hay hàng đã quá hạn sử dụng…Đấy là những nhóm hàng trong diện bình ổn giá, với những nhóm hàng khác cũng nên kiểm tra kỹ các chỉ số đo lường hay giá cả và ngày tháng sử dụng ghi trên mặt hàng đó.

“Để có thể ngăn chặn một cách tuyệt đối, để việc giết mổ trái phép không còn diễn ra thường xuyên, không còn diễn ra như một phong trào hay thói quen…” Ông Đồng nói. Vị Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, “chỉ có thể dùng công tác tuyên truyền thật tốt kết hợp với xử phạt hành chính nghiêm minh… và phối hợp một cách đồng bộ của các ban ngành khác nữa”.

Nguyễn Thọ

Đọc thêm