Nhập siêu chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu

Theo tin mới nhất từ Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê), nếu không tính xuất khẩu vàng thì nhập siêu 8 tháng 2010 vào khoảng 9,8 tỷ USD, chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu...

Theo tin mới nhất từ Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê), nếu không tính xuất khẩu vàng thì nhập siêu 8 tháng 2010 vào khoảng 9,8 tỷ USD, chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu.

a
Nỗ lực trong kiểm soát nhập siêu thông qua khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu là hết sức quan trọng và cần thiết. Ảnh minh họa.

Cụ thể, về xuất khẩu, so với thực hiện tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 6 tỷ USD giảm 0,5% (29 triệu USD).Trong đó, 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều nhất là gạo 26% (93 triệu USD); giày dép 8,3 % (41 triệu USD); thuỷ sản 7,8% (36 triệu USD); hàng dệt may 2,9% (32 triệu USD); phương tiện vận tải và phụ tùng 23,3% (27 triệu USD).

Đổi lại, so với thực hiện tháng 7 thì mặt hàng đá quý, KL quý và sản phẩm tăng khá cao (84 triệu USD). Điều này được lý giải bởi giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước nên các doanh nghiệp đã xuất khẩu các sản phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng dầu thô tăng 23,3% (66 triệu USD); xăng dầu tăng 45,8% (32 triệu USD); than đá tăng 16,2% (19 triệu USD) và điện tử máy tính tăng 4,9% (15 triệu USD)

So với cùng kỳ, xuất khẩu tháng 8 tăng 1,38 tỷ USD (29,8%). Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2010 ước đạt 44,52 tỷ USD (tăng 19,7%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 20,56 tỷ USD (tăng 12,6%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,96 tỷ USD (tăng 26,6%). Xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 54% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là sắt thép tăng 2,2 lần (466 triệu); cao su tăng 89,3% (543 triệu USD); hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 83,9% (185 triệu USD); phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 83,0% (458 triệu USD); dây điện và cáp điện 72,2% (triệu 347 triệu USD).

Tính chung 8 tháng năm 2010, các mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung của xuất khẩu là dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; cao su; giầy dép; điện tử máy tính và máy móc thiết bị phụ tùng.

Trong khi đó, về nhập khẩu, so với tháng 7, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 6,9 tỷ USD giảm 1,53% (107 triệu USD), khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,15% (223 triệu USD).

Tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng ước đạt 52,68 tỷ USD tăng 24,4% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao gồm: máy móc thiết bị phụ tùng tăng 14,9% (1.106 triệu USD); điện tử máy tính và linh kiện tăng 31,5% (721 triệu USD); vải tăng 26,6% (718 triệu USD).

Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng thì chỉ có 2 mặt hàng nhập khẩu giảm nhiều là phân bón giảm 30,5% (69 triệu USD) và ô tô nguyên chiếc các loại giảm 10,8% (69 triệu USD).

Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả đánh giá, hoạt động xuất 3 tháng qua đạt mức khả quan với kim ngạch trên 6 tỷ USD/tháng. Nhập khẩu có xu hướng chững lại và giảm nhẹ do tác động của chính sách kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu, khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước ohục vụ cho sản xuất.

Nhập siêu tháng 8, ước tính khoảng 900 triệu USD tương đương 15% kim ngạch xuất khẩu, giảm so với tháng 7; 8 tháng ước đạt 8,15 tỷ USD tương đương 18,3% kim ngạch xuất khẩu và nếu không tính xuất khẩu vàng thì nhập siêu 8 tháng 2010 vào khoảng 9,8 tỷ USD chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu. Điều đó cho thấy nỗ lực trong kiểm soát nhập siêu thông qua khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu là hết sức quan trọng và cần thiết.

Phong Vũ

Đọc thêm